Theo Dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, để tiến tới kho bạc số trong tương lai, KBNN đang gấp rút hoàn thiện các bước cơ bản, trước mắt trong 3 năm tới (2021 - 2023), KBNN sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); KBNN đã lên kế hoạch cho 2 giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, toàn ngành tập trung vào dữ liệu theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái về dữ liệu số.
Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030, KBNN sẽ tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở, hình thành hệ sinh thái các dịch vụ mở trong lĩnh vực tài chính nhà nước, từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành kho bạc số đầy đủ.
Để thực hiện được mục tiêu này, trước mắt trong 3 năm tới (2021 - 2023), KBNN đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống DVCTT; chương trình quản lý kiểm soát chi đầu tư; Tổng kế toán Nhà nước; tích hợp thanh toán liên ngân hàng vào hệ thống thanh toán song phương điện tử giúp hình thành hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng thống nhất; nghiên cứu xây dựng mô hình thanh toán qua tài khoản tập trung duy nhất...
Đối với kế hoạch "dài hơi" cho cả giai đoạn 2021 - 2030, KBNN sẽ thực hiện nâng cấp Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc)
và các hệ thống ứng dụng CNTT khác (phối hợp thu ngân sách; thanh toán song phương; thanh toán liên ngân hàng; DVCTT...) để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số.
Bên cạnh đó, KBNN cũng đặt ra kế hoạch mở rộng và hoàn thiện đầy đủ chức năng hệ thống quản lý ngân quỹ; quản lý trái phiếu; xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ - kiểm tra - thanh tra KBNN; xây dựng hệ thống dịch vụ kế toán của KBNN cung cấp cho đơn vị hành chính sự nghiệp.
Theo KBNN, bộ tài liệu kiến trúc tổng thể hệ thống ứng dụng CNTT KBNN đến năm 2030 đang được trình Bộ Tài chính. Trên cơ sở kiến trúc tổng thể này, KBNN đang khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021 - 2025 để trình Bộ Tài chính trong quý I/2021.
Song song với đó, KBNN cũng đang trình Bộ Tài chính phê duyệt định hướng cho bài toán nâng cấp Tabmis và các hệ thống ứng dụng công nghệ khác để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số.
Nhằm tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của KBNN trong hệ thống quản lý tài chính công và đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, KBNN tiếp tục thực hiện gắn kết chặt chẽ các khâu của quá trình phân bổ, thực hiện, quyết toán ngân sách nhà nước trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát cam kết chi, kiểm soát chi nhằm củng cố quy trình chi tiêu ngân sách qua các khâu, vừa nâng cao hiệu quả quản lý tài chính-ngân sách, vừa góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia.
Cùng với đó là hình thành cơ sở dữ liệu tập trung và kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, đơn vị liên quan; xây dựng và hoàn thiện nền tảng kho bạc số, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của KBNN; phát triển kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.
Đồng thời, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hiện đại hóa tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 02 cấp và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách.
KBNN đặt mục tiêu tiếp tục ứng dụng và từng bước hình thành các nền tảng công nghệ hiện đại hướng tới hình thành Kho bạc số vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, KBNN xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT) và kiến trúc CPĐT ngành Tài chính, đảm bảo khả năng trao đổi thông tin theo thời gian thực với các hệ thống CNTT của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.