Từ những hệ lụy đối với NHTM do các sự kiện RRHĐ gây ra, các NHTM đều nhận thấy công tác quản trị RRHĐ là rất cần thiết bởi các nguyên nhân:
Thứ nhất: RRHĐ tuy mới được đề cập nhưng là rủi ro xuất hiện sớm nhất và là nguyên nhân của các rủi ro khác trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Những rủi ro đặc thù trong hoạt động kinh doanh của NHTM như rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái, rủi ro thanh khoản được biết đến rộng rãi và đã thiết lập được một hệ thống các công cụ quản lý. Tuy nhiên, các rủi ro này đều xuất phát từ con người, do ý chí chủ quan hoặc do trình độ, năng lực của cán bộ ngân hàng gây ra. Trong khi đó, RRHĐ được hiểu là rủi ro xuất phát chủ yếu từ những hạn chế trong nội bộ NHTM liên quan đến con người, quy trình hoạt động, hệ thống công nghệ...
Như vậy, RRHĐ là rủi ro có mối quan hệ nhiều nhất với các loại rủi ro khác và hầu hết các loại rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản... đều có thể bắt nguồn từ RRHĐ.
Thứ hai: RRHĐ gắn liền với mọi mặt hoạt động kinh doanh của NHTM nhưng chưa được quan tâm đúng mức:
Theo tác giả Lê Thị Vân Khanh trong luận văn tiến sỹ “ Hệ thống quản lý rủi ro hoạt động tại các NHTM Việt Nam” ”[19] nhận định: trước đây, quy mô và quy trình nghiệp vụ NHTM còn đơn giản, rủi ro hoạt động xảy ra một cách rời rạc, nên các NHTM thường không thống kê và báo cáo các sự cố hoạt động một cách có hệ thống, mà thông thường là “ xử lý nội bộ”. Điều này khiến cho công tác quản trị RRHĐ bị coi nhẹ, nhiều NHTM bỏ qua, thậm chí che giấu các sự cố xảy ra. Việc quản trị RRHĐ nếu có, thì đó chỉ là quản lý sau, mang tính bị động, khắc phục hậu quả và chỉ tiến hành ở những nơi đã xảy ra sự cố, không mang tính tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, thiếu bài bản.
Chính vì vậy, nhu cầu quản trị RRHĐ tại các NHTM ngày nay càng trở nên có tính thời sự.
Thứ ba: Xu hướng hoạt động của NHTM hiện đại:
Theo tác giả Lê Thị Vân Khanh trong luận văn tiến sỹ “ Hệ thống quản lý rủi ro hoạt động tại các NHTM Việt Nam”[19], những đặc điểm trong xu thế thời đại ngày nay khiến cho công tác quản trị RRHĐ của NHTM trở nên cấp thiết, đó là:
i. Môi trường kinh doanh của NHTM ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các sản phẩm mới được phát triển có độ phức tạp cao hơn, các dịch vụ với khối lượng lớn được cung cấp 24/24, đòi hỏi các hệ thống hỗ trợ và kiểm soát nội bộ phải hoạt động liên tục ở mức độ cao.
ii. Hoạt động của NHTM phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn. Ngày nay, công nghệ tự động hóa được tăng cường sử dụng, nên các lỗi xử lý thủ công có thể chuyển thành các rủi ro lỗi hệ thống, đồng thời gia tăng sự phụ thuộc vào các hệ thống tích hợp toàn cầu.
iii. Sự gia tăng của các dịch vụ ngân hàng điện tử và kéo theo đó là một loạt các tội phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực kinh doanh của NHTM.
17
iv. Hành vi gian lận, lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
v. Khối lượng các giao dịch khổng lồ với tốc độ nhanh dẫn đến trong quá trinh xử lý, thao tác nghiệp vụ có thể mắc lỗi, sai sót, nhầm lần.
vi. Hội nhập quốc tế đòi hỏi các giao dịch phải được chuẩn hóa. Do tăng cường sử dụng các dịch vụ tư bên ngoài, các quan hệ với ngân hàng đại lý và tham gia vào các hệ thống chuyển mạch và thanh toán quốc tế, tuy giúp giảm bớt một số loại rủi ro nhưng lại có nguy cơ làm tăng RRHĐ đối với NHTM.
vii. Áp lực công việc trong ngành ngân hàng gia tăng dẫn đến sai sót.
Thứ tư: Ngân hàng thương mại phải hoàn thiện RRHĐ nhằm
i. Đáp ứng yêu cầu của Công ước Base. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để được công nhận, thì NHTM phải hướng tới tuân thủ các tiêu chuẩn chung của cộng đồng ngân hàng.
ii. Hạn chế và giảm thiểu tổn thất có thể xảy ra từ các hoạt động tác nghiệp, bảo vệ uy tín của NHTM.
iii. Quản trị rủi ro hợp lý, không những giảm thiểu được rủi ro mà còn cho phép NHTM lựa chọn “khẩu vị rủi ro” thích hợp nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, tạo ra sự vượt trội cho NHTM.
iv. Quản trị tốt rủi ro nói chung và RRHĐ nói riêng sẽ giúp giảm nguồn vốn dự phòng rủi ro, làm tăng nguồn vốn kinh doanh cho NHTM.