Thứ nhất: Về khung chính sách, hệ thống QTRR: Ngân hàng TMCP Công thương đã ban hành quyết định số 196/2016/QĐ-HĐQT-NHCT7 ban hành quy định khung pháp lý RRHĐ, trong văn bản có nêu các loại rủi ro và mức độ rủi ro mà Ngân hàng TMCP Công thương chấp nhận được. Ngoài ra, VietinBank còn xây dựng một hệ thống các văn bản về quy định, quy trình, trong đó có hướng dẫn chi tiết các bước trong công tác quản trị rui ro hoạt động, vai trò, trách nhiệm của các vòng kiểm soát trong việc nhận diện, phát hiện và xử lý các RRHĐ này.
Thứ hai: Về tổ chức bộ máy QTRR: VietinBank đã tuân thủ theo các khuyến nghị của Ủy ban Base và Quy định của NHNNVN, việc tổ chức áp dụng bộ máy 3 vòng kiểm soát được Ngân hàng Công thương áp dụng chặt chẽ hơn khi xây dựng thêm vòng kiểm soát 1,5 là các đơn vị đầu mối nghiệp vụ tại trụ sở chính, vòng 2 là bộ phận QTRRHĐ cấp độ toàn hàng (phòng QTRRHĐ, ban QTRR), vòng 3 là phòng kiểm toán nội bộ, có vai trò đánh giá lại hiệu quả của toàn bộ quy trình, quy định về công tác này.
Thứ ba: Về công cụ quản trị: Công cụ quản trị tại VietinBank là khá đa dạng và được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống Ngân hàng Công thương như: Công cụ tự đánh giá rủi ro tại các luồng nghiệp vụ trọng yếu (RCSA); Hệ thống cơ sở dữ liệu sự kiện tổn thất (LDC); Khung các chỉ số rủi ro chính (KRI). Ngoài ra, có một điểm khác biệt nữa về công vụ mà Ngân hàng công thương có sử dụng đó là KPI tuân thủ. Việc áp dụng KPI tuân thủ vào quá trình giám sát RRHĐ tại các đơn vị kinh doanh trực tiếp trên toàn hàng có tác dụng vô cùng lớn cho hạn chế các sự kiện RRHĐ do KPI tuân thủ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị, đến xếp hạng thi đua của đơn vị và đến thu nhập của các cá nhân tại đơn vị đó.
Thứ tư: Về các biện pháp khắc phục: VietinBank hiện nay là một trong 10 ngân hàng đầu tiên tính toán vốn tự có trong ngân hàng theo khuyến nghị của Ủy ban Base. Bên cạnh đó nhằm mục tiêu chia sẻ và giảm thiểu tổn thất khi có sự kiện rủi ro phát sinh, VietinBank đã tích cực sử dụng các công cụ bảo hiểm.
Với những hành động cụ thể trên, Ngân hàng TMCP Cổ phần công thương Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong hoạt động nhận diện, cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý khắc phục đối với các sự kiện RRHĐ tiềm ẩn, cụ thể như sau:
(i) Nhận diện, cảnh báo rủi ro: VietinBank đã thiết lập và triển khai thành công hệ thống cảnh báo sớm với 02 loại rủi ro đó là rủi ro mất an toàn bảo mật thông tin và rủi ro thực hiện các giao dịch cấm vận. Bộ phận QTRR (cụ thể là phòng QTRRHĐ tại trụ sở chính VietinBank) mỗi ngày sẽ đưa ra từ 200- 300 cảnh báo sớm đối với những sự kiện, hành vi có nguy cơ gây ra 2 loại RRHĐ trên. Ngoài ra, VietinBank còn triển khai cảnh báo sau - dựa trên những rủi ro đã xảy ra trên thực tế để hàng năm Ngân hàng công thương bổ sung thêm từ 6-8 chốt kiểm soát vào quy trình kiểm soát rủi ro tại các nghiệp vụ. Từ đó đưa ra các cảnh báo chung đối với từng loại nghiệp vụ và truyền thông trên toàn hệ thống, nhằm rút kinh nghiệm và phòng chống rủi ro xảy ra ở những lần sau.
(ii) Xử lý, khắc phục rủi ro xảy ra: Cho tới thời điểm hiện tại, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã khắc phục, xử lý phần lớn các tổn thất do các RRHĐ trên toàn hệ thống gây ra. Ngoài ra, công cụ bảo hiểm cũng giúp giảm thiểu phần nào tổn thất cho Ngân hàng công thương (xấp xỉ 800 triệu đồng trong 3 năm từ 2015-2017). Đặc biệt, các sự kiện RRHĐ này hầu như không ảnh hưởng nhiều tới uy tín và thương hiệu của VietinBank.