Sự ra đời Bảo hiểm tiềngửi Việt Nam

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ CỦA BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP (Trang 48 - 50)

Sự đổ vỡ của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã để lại những hậu quả không tốt về mặt kinh tế, chính trị và xã hội trong một khoảng thời gian dài. Sau sự kiện này, Nhà nước, các cơ quan quản lý ngành tài chính, ngân hàng đã nghĩ đến việc thiết lập một mô hình BHTG nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, ý tưởng này ban đầu được hình thành một cách chậm chạp do những hạn chế về mặt nhận thức nói chung cũng như những khó khăn về mặt tài chính của Nhà nước. Việc BHTG cho người gửi tiền tại thời điểm này rất manh mún và mang tính chất tình thế, thể hiện qua việc mới chỉ có Bộ Tài chính ban hành Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của quỹ tín dụng nhân dân đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn và Bảo Việt là tổ chức thực hiện nghiệp vụ đó. Cơ chế BHTG này có nhiều hạn chế: (i) chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi tại Quỹ tín dụng nhân dân có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên; (ii) chi trả tiền bồi thường sau khi quỹ tín dụng nhân dân tham gia bảo hiểm ngừng hoạt động 1 tháng và chỉ trả tiền gốc; (iii) không chi trả bồi thường nếu quỹ tín dụng nhân dân có hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định trong Pháp lệnh ngân hàng.

Việc tìm ra một mô hình BHTG ở Việt Nam chỉ thực sự được nghiên cứu một cách nghiêm túc từ năm 1997 khi Quốc hội thông qua hai đạo luật quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng vào tháng 12 năm 1997 là Luật Ngân

hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cũng như những thận lợi - khó khăn của Việt Nam, tháng 5/1998 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về BHTG và Đề án thành lập tổ chức BHTG của Việt Nam.

Sau hơn một năm nghiên cứu, khảo sát, thông qua, ngày 01/9/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi, ngày 09/11/1999 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 218/1999/QĐ- TTg về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Và BHTGVN chính thức hoạt động từ ngày 07/7/2000.

BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước với mục tiêu hoạt động là nhằm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia BHTG và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng; không vì mục đích lợi nhuận.

BHTGVN có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, hoạt động trên phạm vi cả nước, được mở tài khoản tại các ngân hàng trong nước và nước ngoài.

BHTGVN được miễn nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật. Chế độ tài chính của BHTGVN do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp và giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ban, ngành chức năng, sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, hoạt động của BHTGVN đã thực sự góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, duy trì sự ổn định, phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống các tổ chức tham gia BHTG, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, là nhân tố

quan trọng trong việc phát huy nguồn vốn nội lực để phát triển kinh tế, giữ vững ổn định, an ninh kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Chính sách về BHTG được kiểm nghiệm bằng thực tế hoạt động của BHTGVN 10 năm qua đã thực sự đi vào cuộc sống. Đó là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò, sự cần thiết của một định chế tài chính quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và mạng an toàn tài chính quốc gia nói riêng.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ CỦA BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP (Trang 48 - 50)