Giải pháp hoàn thiện hoạt động nghiệp vụ của Bảo hiểm tiềngửi Việt

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ CỦA BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP (Trang 92 - 115)

Trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, số lượng NHTM sẽ tăng lên và quy mô ngân hàng ngày càng lớn, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày càng phong phú, đa dạng, theo đó, các loại hình rủi ro có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Với chức năng là cơ quan giám sát ngân hàng, điều đó đặt ra những đòi hỏi khách quan là BHTGVN cần có hành lang pháp lý mạnh và không ngừng hoàn thiện các hoạt động nghiệp vụ của mình theo các tiêu chuẩn quốc tế. Muốn làm được điều đó, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

3.2.1. Nâng cấp và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam

Sớm ban hành Luật về bảo hiểm tiền gửi nhằm xây dựng BHTGVN theo mô hình tổ chức BHTG tiến tiến với các chức năng mở rộng của nó.

Từ thực tiễn hoạt động 10 năm qua thấy rằng: một tổ chức tài chính nhà nước như BHTGVN muốn thực sự lớn mạnh và hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong xu thế hội nhập quốc tế thì phải có cơ sở pháp lý vững chắc, năng lực tài chính hùng mạnh, tổ chức bộ máy và hệ thống sản phẩm phong phú đáp ứng được nhu cầu của xã hội; trong đó cơ sở hạ tầng pháp lý là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng nên hệ thống BHTG tiên tiến và phát triển. Có thể thấy rằng khung phung pháp lý hiện nay có nhiều vấn đề bất cập, cần phải sớm nghiên cứu xây dựng khung pháp lý có phạm vi và nội dung điều chỉnh ở tầm cao hơn, đó là Luật về BHTG. Xây dựng Luật về BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu phát triển của thị trường tài chính, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới hiện nay sẽ tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho hoạt động giám sát, quản trị rủi ro, xử lý vi phạm. Đây thật sự là yêu

cầu cấp bách và là nền tảng cho BHTGVN phát triển, hoàn thành nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới. Đồng thời cũng là yêu cầu khách quan nhằm phát triển thị trường tài chính lành mạnh trên cơ sở bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, tạo môi trường pháp lý cho thị trường tài chính nói chung, thị trường tiền tệ nói riêng phát triển an toàn, bền vững.

Luật về BHTG cần xây dựng theo định hướng bao gồm các nội dung quan trọng sau:

- Quy định vai trò của tổ chức BHTG với tư cách là một thành viên trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia. Việc hoàn thiện mô hình của BHTGVN góp phần hoàn thiện hệ thống giám sát, tránh được tình trạng bỏ trống, hoặc chồng chéo giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính. Theo đó, mô hình của BHTGVN cần được cải tiến nhằm tăng cường chức năng cho BHTGVN hướng tới việc xây dựng BHTGVN thành tổ chức giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, trong Luật nên có quy định rõ để tạo thế chủ động cho BHTGVN với tư cách là cơ quan nghiên cứu, phân tích, đánh giá rủi ro theo thông lệ quốc tế (như các quy định thể hiện quyền của BHTGVN trong việc kiểm soát trực tiếp dữ liệu tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, truy cập các thông tin liên quan đến người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG; khẳng định chức năng giám sát, kiểm tra an toàn hoạt động ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG; quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các tổ chức tham gia BHTG của BHTGVN).

- Quy định về chức năng của tổ chức BHTG trong việc tiếp nhận, xử lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp tổ chức này xuất hiện các vấn đề có nguy cơ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền:

Có thể nói, Việt Nam chưa tạo lập được môi trường pháp lý cho việc giải quyết phá sản, giải thể phù hợp với những đặc thù của hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Các bộ luật hiện có chưa chỉ định một cơ quan đầu mối đứng ra

chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý đổ vỡ các TCTD. Sự không rõ ràng trong phân định trách nhiệm khiến các cơ quan trong mạng an toàn tài chính quốc gia (Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) hoạt động còn trùng lắp, không có một cơ chế chính thức có hiệu lực về trao đổi thông tin và phối kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đặc biệt trong xử lý đổ vỡ và xử lý khủng hoảng hệ thống.

Nghị định 89 và Nghị định 109 về BHTG và các thông tư hướng dẫn có quy định quyền và nhiệm vụ của BHTGVN trong việc xử lý tổ chức tham gia BHTG gặp sự cố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một quy trình và cơ chế cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này.

Về thông lệ quốc tế, tại các nước phát triển nhất thế giới (G.7) và ở hầu hết các quốc gia có tổ chức BHTG thì không một Chính phủ nào giao cho các bộ (Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Trung ương) thực hiện việc tiếp nhận xử lý các TCTD có vấn đề. Công việc này thường được giao cho tổ chức BHTG, một công cụ hữu hiệu để xử lý các TCTD yếu kém theo đúng tinh thần và nguyên tắc thị trường mà nổi bật nhất là xử lý nhanh, hiệu quả và hạn chế sử dụng tiền thuế của dân.

Vì vậy, Việt Nam cũng nên nghiên cứu đưa vào Luật về BHTG quy định việc giao cho tổ chức BHTG là cơ quan thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tổ chức tham gia BHTG có vấn đề (ở trong tình trạng mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng thanh toán) như quy định tổ chức BHTG có quyền tham gia phán quyết các phương thức xử lý khi tổ chức tham gia BHTG có vấn đề, tham gia việc tái cấu trúc ngân hàng.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các biện pháp tiếp nhận, xử lý tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cũng cần được giao quyền thực hiện các hoạt động giám sát, kiểm tra để đảm bảo rằng các yêu cầu của mình đối với tổ chức tham gia BHTG được thực hiện cẩn trọng; có thể kiểm tra định kỳ, đột

xuất hoặc yêu cầu tổ chức nhận hỗ trợ tài chính xuất trình các tài liệu chứng minh về tình hình thực hiện các thoả thuận hỗ trợ.

Đồng thời, Luật về BHTG cũng cần quy định cụ thể về việc phối kết hợp giữa tổ chức BHTG với các cơ quan liên quan (Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, NHNN, Bộ tài chính, Tòa án...) trong tổ chức hoạt động tiếp nhận, xử lý.

- Áp dụng cơ chế tính phí BHTG theo mức độ rủi ro

Phí BHTG trên cơ sở rủi ro là một loại phí tiên tiến, có tác dụng khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG quan tâm việc giảm thiểu rủi ro để giảm phí BHTG phải nộp, và đó cũng chính là mục tiêu của BHTG là giảm thiểu rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG cũng chính là giảm thiểu chi phí chi trả tiền gửi được bảo hiểm.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thực trạng của nền kinh tế và hệ thống tài chính Việt Nam có thể thấy hệ thống phí theo rủi ro khi được áp dụng sẽ mang lại những hiệu quả tốt không chỉ đối BHTGVN, tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền mà còn đối với cả nền kinh tế, cụ thể:

Đối với nền kinh tế: Việc áp dụng hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro góp phần đảm bảo thực hiện Quỹ BHTG mục tiêu, tạo điều kiện cho tổ chức BHTG có khả năng tự xử lý, hạn chế trực tiếp những tác động xấu trong trường hợp các tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ. Đồng thời, áp dụng hệ thống này còn tạo ra sự minh bạch, bình đẳng đối với các tổ chức tham gia BHTG. Qua đó, có thể hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để giải quyết các trường hợp đổ vỡ, giảm thiểu tác động của suy thoái kinh tế.

Đối với hệ thống tài chính ngân hàng và các tổ chức tham gia BHTG: Khi áp dụng hệ thống này, hiệu quả đối với hệ thống tài chính ngân hàng là đảm bảo thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD. Thông qua việc đánh giá mức độ rủi ro của tổ chức tham gia BHTG không phân biệt quy mô sẽ tạo

động lực khuyến khích các tổ chức hoạt động an toàn hơn.

Khi đánh giá về mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG qua các năm, việc tăng hoặc giảm mức xếp hạng của các tổ chức cũng có thể là cơ sở để các tổ chức điều chỉnh hoạt động của mình, đặc biệt là đối với những tổ chức bị xếp hạng yếu kém. Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống phí trên cơ sở rủi ro sẽ hướng các tổ chức tham gia BHTG tự nâng cao ý thức quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Việc áp dụng hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro có thể trực tiếp và gián tiếp giảm thiểu rủi ro cho BHTGVN. Triển khai hệ thống này, BHTGVN sẽ có một nguồn thu bổ sung vào Quỹ BHTG mục tiêu. Hiện nay, vốn và khả năng tích lũy vốn của BHTGVN là thấp so với tốc độ tăng trưởng của hệ thống tài chính Việt Nam trong 3 năm gần đây, đồng thời chưa đáp ứng đủ với yêu cầu hiện tại cũng như thông lệ quốc tế. Tỷ lệ phí BHTG phân biệt với khoảng cách giữa các tỷ lệ phí phù hợp sẽ góp phần nâng cao Quỹ BHTG, tạo điều kiện để BHTGVN có thể thực hiện tốt các nghiệp vụ như hỗ trợ tài chính, chi trả đầy đủ và kịp thời cho người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tham gia BH bị đổ vỡ; từ đó, nâng cao uy tín và mức độ tin cậy của người dân đối với BHTGVN. Bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống phí này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức BHTG trong việc giám sát, đánh giá các tổ chức tham gia BHTG.

Đối với người gửi tiền: Khi hệ thống tài chính - ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh thì khả năng đổ vỡ sẽ rất thấp. Từ đó, quyền lợi của người gửi tiền sẽ được đảm bảo đầy đủ, người dân yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng, niềm tin của công chúng vào thị trường tài chính sẽ tăng cao.

- Xác lập mô hình tổ chức BHTG với vai trò và chức năng của nó

Theo quy định hiện hành, BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp

pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Với mục tiêu thực hiện chính sách công và thực tiễn chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG thì có thể thấy mô hình tổ chức của BHTGVN là mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng. Nhược điểm của mô hình tổ chức BHTG tại Việt Nam hiện nay là chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG, do đó phần nào hạn chế tác dụng của các chính sách BHTG cũng như vai trò giảm thiểu rủi ro của tổ chức BHTG.

Do đó, Luật về BHTG nên xác lập rõ mô hình của tổ chức BHTG tại Việt Nam với các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo hướng mô hình tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro.

- Ngoài ra, cần nghiên cứu đưa thêm vào Luật về BHTG quy định về việc phối kết hợp và chia sẻ thông tin trong hoạt động giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG giữa các cơ quan chức năng và BHTGVN để tránh trùng lắp và chồng chéo, có thể bổ trợ cho nhau và sử dụng một cách có hiệu quả nhất các nguồn lực giám sát cũng như giảm được gánh nặng cho các tổ chức nhận tiền gửi về chi phí, thời gian, nguồn lực do phải lập báo cáo theo nhiều mẫu biểu khác nhau.

Một vấn đề nữa cần quan tâm, đó là xây dựng Luật về BHTG cần tạo ra sự đồng bộ, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến BHTG như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp; liên quan gián tiếp như Bộ Luật Dân sự, luật Tổ chức chính phủ, Luật Ngân sách Nhà nước; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính... Ngoài ra cũng cần xây dựng hệ thống các văn bản dưới luật liên quan đến cơ chế, nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý.

3.2.2. Nâng cao năng lực tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Nguồn lực tài chính của BHTGVN hiện nay chưa đáp ứng được vai trò bảo vệ lợi ích của người gửi tiền một cách đầy đủ theo quy định của pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống tổ chức tham gia BHTG đang có sự phát triển nhanh cả về quy mô và hình thức hoạt động. Điều này phần nào làm hạn chế việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN.

Đến thời điểm 31/12/2008, tỷ lệ nguồn vốn hoạt động trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm đạt 0,87%, giảm so với mức 0,94% của năm 2007 do tốc độ tăng nguồn vốn hoạt động của BHTGVN thấp hơn tốc độ tăng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Như vậy, năng lực tài chính của BHTGVN được đánh giá khá thấp so với thông lệ quốc tế. Đối với BHTG Mỹ (FDIC), luật pháp quy định tỷ lệ trên phải nằm trong khoảng dao động 1,15% đến 1,5%. Tỷ lệ vốn mục tiêu đã được một số quốc gia khác xây dựng, trong đó BHTG Đài Loan là 5%; Thụy Điển 2,5% mặc dù các quốc gia này được xếp hạng rủi ro thấp hơn nhiều lần so với Việt Nam.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm các nước trên thế giới xảy ra khủng hoảng cho thấy để tiếp nhận, xử lý có hiệu quả, kịp thời các tổ chức tham gia bảo hiểm bị đổ vỡ thì tổ chức BHTG phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh. Vì vậy, việc nâng cao năng lực tài chính là cần thiết để BHTGVN có thể ứng phó kịp thời, chủ động với mọi tình huống cũng như thực hiện tốt hơn nữa vai trò bảo vệ người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn mạng lưới tài chính quốc gia.

3.2.3. Chuẩn bị các tiền đề cần thiết cho việc triển khai, ứng dụng kết quả các đề án nghiên cứu được duyệt

a) Đề án hệ thống phí theo mức độ rủi ro

Hiện nay, BHTGVN đã hoàn thành việc nghiên cứu và trình phê duyệt Đề án “Hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro”. Theo đó, BHTGVN sẽ thực hiện việc xếp loại, đánh giá cơ sở rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG, xác

định mức phí BHTG áp dụng đối với các tổ chức tham gia BHTG.

Tuy nhiên, do việc đo lường và định giá rủi ro là một công việc khó khăn và phức tạp nên để hệ thống phí theo mức độ rủi ro được triển khai vào thực tiễn Việt Nam thì cần chuẩn bị đầy đủ các tiền đề cần thiết:

- Nguồn số liệu cung cấp cho tổ chức BHTG phải đầy đủ, chính xác và kịp thời, phải có một hệ thống báo cáo hoàn chỉnh và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt. Giám sát từ xa là nghiệp vụ mang tính chất giám sát gián tiếp thông qua các tài liệu, báo cáo thống kê, kế toán do chính các tổ chức tham gia bảo hiểm cung cấp và các nguồn thông tin khác (từ NHNN, Cục công nghệ tin học ngân hàng, Trung tâm thông tin tín dụng...). Do đó, để có thể tính toán được các chỉ tiêu định tính, định lượng một cách chính xác thì các thông tin này phải thu thập đầy đủ, kịp thời, trung thực. Đồng thời phải có phần mềm công nghệ thông tin hiện đại trợ giúp việc phân tích, tính toán, tổng hợp dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác.

- Cần có các nguồn lực để quản lý hệ thống này một cách thích hợp: đo

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ CỦA BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP (Trang 92 - 115)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w