Bên cạnh những thành tựu đạt được thì hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN cũng không tránh khỏi có những hạn chế.
2.3.2.1. Hạn chế trong công tác giám sát từ xa
- Kết quả giám sát của BHTGVN mới phản ánh được bề nổi tình hình hệ thống tài chính, chưa đi sâu phân tích từng ngân hàng, mới chỉ nêu được những nét khái quát theo nhóm TCTD, nên chưa thể đánh giá chuẩn xác về tình hình tài chính và mức độ rủi ro của TCTD. Hiện tại, chủ yếu thực hiện giám sát tuân thủ đối với một số chỉ tiêu an toàn của NHNN và so sánh mức độ biến động của các chỉ tiêu giữa các kỳ báo cáo, chưa vận dụng mô hình giám sát tiên tiến theo thông lệ quốc tế. Do vậy, kết quả giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu cảnh báo sớm, phòng ngừa rủi ro tới các TCTD; chưa thực hiện được việc xếp loại đối với các tổ chức tham gia BHTG thông qua kết quả giám
sát; giám sát từ xa của BHTGVN hiện nay được thực hiện theo định kỳ quý, nên chưa đảm bảo tính kịp thời.
- Ngoài ra, hoạt động giám sát từ xa của BHTGVN cũng gặp phải không ít khó khăn, đó là: i) hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động BHTG nói chung, hoạt động giám sát từ xa của BHTGVN còn chưa đồng bộ và chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; ii) chưa có cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giám sát giữa các cơ quan giám sát như Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng nhà nước, Bộ tài chính và BHTGVN đối với các tổ chức tham gia BHTG; iii) tính minh bạch thông tin và chất lượng thông tin báo cáo của các TCTD còn thấp; iv) chưa xây dựng được hệ thống chỉ tiêu phân tích, đánh giá rủi ro và hoạt động của TCTD; v) năng lực cán bộ làm công tác giám sát từ xa còn có những hạn chế nhất định. Đây là những thử thách không nhỏ đối với BHTGVN trong quá trình hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát từ xa đối với các tổ chức tham gia BHTG.
2.3.2.2. Hạn chế trong công tác kiểm tra tại chỗ
- Cơ chế nghiệp vụ còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự thay đổi của các quy định theo pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng. Việc triển khai các quy định về đảm bảo an toàn, quản lý rủi ro, thông tin báo cáo của các TCTD còn nhiều vướng mắc. Quy chế, quy trình nghiệp vụ và công nghệ phục vụ kiểm tra an toàn còn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng.
- Đối với nhóm khách hàng là QTDND cơ sở, BHTGVN đã tiến hành kiểm tra toàn diện từ khi bắt đầu triển khai hoạt động kiểm tra tại chỗ, tuy nhiên việc kiểm tra an toàn chủ yếu tập trung vào kiểm tra tuân thủ, việc phân tích, đánh giá mức độ rủi ro trong hoạt động còn hạn chế. Còn đối với nhóm khách hàng là NHTM và TCTD phi ngân hàng, BHTGVN mới chỉ thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về BHTG, nên chưa phát huy được hết vai trò của BHTGVN trong việc góp phần đảm bảo an toàn hoạt
động ngân hàng, giảm thiểu rủi ro, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu như hiện nay.
- Với chức năng kiểm tra tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhưng công cụ duy nhất để BHTGVN có thể tác động đến các tổ chức tham gia BHTG là phạt tiền đối với số phí chậm nộp, không được thực hiện xử phạt đối với vi phạm về an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là những vi phạm liên quan đến việc thực hiện chế độ BHTG như niêm yết chứng nhận BHTG, chế độ thông tin báo cáo,... cũng không được xử phạt mà chỉ được nhắc nhở và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt, do đó đã phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả và hiệu lực của công tác kiểm tra.
- Kỹ năng kiểm tra, phân tích đánh giá chuyên sâu về hoạt động của TCTD được kiểm tra, đặc biệt là đánh giá mức độ rủi ro còn hạn chế, do trình độ cán bộ làm công tác kiểm tra đã có nhiều tiến bộ, nhưng so với yêu cầu hiện nay vẫn còn bất cập và quá trình kiểm tra vẫn còn mang dáng dấp “lao động thủ công”, chưa có phần mềm phục vụ cho việc phân tích, tổng hợp số liệu kiểm tra.
2.3.2.3. Hạn chế trong công tác hỗ trợ tài chính
- Hai Quy chế cho vay và Bảo lãnh đã được nghiên cứu, xây dựng theo khung pháp lý hiện hành từ năm 2006 nhưng đến nay chưa thể trình ban hành do khung pháp lý cho hoạt động BHTG mới chỉ dừng lại ở cấp Nghị định, các văn bản pháp luật về BHTG còn thiếu nhất quán, chưa đồng bộ.
- BHTGVN mới thực hiện thí điểm hỗ trợ đối với các tổ chức tham gia BHTG là QTD dưới hình thức cho vay, chưa thực hiện hỗ trợ đối với các đối tượng khách hàng khác, cũng như chưa đa dạng các loại hình hỗ trợ. Hơn nữa các điều kiện để QTDND cơ sở được nhận hỗ trợ khá chặt chẽ nên số lượng các quỹ được nhận hỗ trợ còn hạn chế. Do đó, việc thực hiện nghiệp vụ hỗ trợ
thời gian qua là chưa thực sự hiệu quả và chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của tổ chức tham gia BHTG.
2.3.2.4. Hạn chế trong công tác chi trả, xử lý nợ và thanh lý tài sản
- Hình thức chi trả tiền gửi được bảo hiểm là tiến hành chi trả trực tiếp cho người gửi tiền nên chi phí cao, thời gian kéo dài.
- Hiệu quả thu hồi nợ của BHTGVN không cao do công tác thanh lý tài sản các TCTD bị giải thể, phá sản gặp nhiều khó khăn đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hoạt động của hội đồng thanh lý. Ngoài ra, BHTGVN có quyền tham gia vào các hội đồng thanh lý này nhưng cũng rất hạn chế. Hiện tại, thu hồi nợ trong quá trình thanh lý của BHTGVN đơn thuần là thực hiện các biện pháp đôn đốc tận thu trong điều kiện có thể, do hành lang pháp lý về nghiệp vụ này ở nước ta còn nhiều bất cập.