Từ câu không chuẩn mực tới câu hay và từ câu hay tới câu thường

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 107 - 109)

CHƯƠNG 5 CÂU HAY

5.7. Từ câu không chuẩn mực tới câu hay và từ câu hay tới câu thường

thường

Thông thường chúng ta viết ‘Tôi đọc sách và ăn bánh mì khô với nước lã’. Viết như vậy là rạch ròi chuyện đọc và ăn. Khi viết ‘đọc sách cùng những tạp chí khoa học’ chúng ta hiểu đọc sách và đọc tạp chí khoa học. Viết vậy là chính xác và rõ ràng. Ấy thế nên câu của Doãn hoàng giang: ‘Thời gian rảnh rỗi tôi vùi đầu ở thư viện, ngấu nghiến đọc mọi loại sách cùng bánh mì khô và nước lã’ (Tuổi Trẻ, 11.10.2010) không theo khuôn mẫu thông thường, dường như không chuẩn mực. Ai cũng biết bánh mì để ăn chứ không để đọc nên câu trên gây bất ngờ. Người ta chú ý tới điều bất thường ‘đọc... bánh mì khô và nước lã’. Câu trên không chuẩn mực về cấu trúc ngữ pháp nhưng lại lột tả được ý ‘say mê đọc sách trong cuộc sống rất khó khăn’ nên dễ được chấp nhận và trở thành một câu hay.

Khéo tận dụng các nét nghĩa

Viết ‘Vấn đề nhức nhối hơn cả là số chị em tham gia làm cửu vạn khá đông, chiếm từ 50% - 60% lực lượng buôn lậu, trong đó không ít chị tuổi trên 70 và trẻ em dưới 10 tuổi’ (b., 01.05.1999) là sai. Thứ nhất, dư từ ‘từ’. Thứ hai, không nên trẻ hóa các cụ bà trên 70 tuổi thành ‘chị’. Nên sửa lại thành: ‘Vấn đề nhức nhối hơn cả là số chị em tham gia làm cửu vạn khá đông, chiếm khoảng 50% - 60% lực lượng buôn lậu, trong đó không ít người tuổi trên 70 và có cả trẻ em dưới 10 tuổi’.

Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh mất lúc 79 tuổi, thông thường phải gọi bằng ‘cụ’, nhưng lại có tít ‘Cô Oanh đã ra đi’. (Tuổi Trẻ, 02.05.2009) Sao lại gọi bằng ‘cô’? Có hai lý do cho cách dùng này:

- Để tạo ra không khí gần gũi, thân thương, chúng ta gọi bác, cô: Bác Tôn, và cô Oanh.

- Có những người già nhưng chưa già về năng lực lao động, vẫn còn làm việc có hiệu quả, vẫn sáng tạo, thì họ chưa già về sức sống chúng ta không chú ý tới tuổi tác mà chú ý tới con người hoạt động trí tuệ trong họ. Chúng ta nhắc tới nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà

báo Trần Bạch Đằng... mà không gọi họ bằng ‘cụ’, trừ khi muốn nhấn mạnh tới tuổi tác.

Khuôn sáo. Lúc mới xuất hiện, một tiêu đề nào đó có thể rất hay và do vậy tiêu đề này trở thành khuôn mẫu cho hàng loạt tiêu đề khác, nghĩa là nó có sức sản sinh mạnh. Khuôn mẫu ngôn ngữ của tiêu đề đó thường được sử dụng để đặt nhiều tiêu đề tương tự với sự thay đổi ở những từ ngữ liên quan đến nội dung. Từ đó hình thành các khuôn tiêu đề. Truyện ngắn ‘Có một đêm như thế!’ của Phạm Thị Minh Thư được giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1981. Ấy thế là có một đợt sóng cồn các tiêu đề ‘có một ngày như thế’, ‘có một làng như thế’, ‘có một bệnh viện như thế’, ‘có một cô bảo mẫu như thế’, ‘có một thầy thuốc như thế’, ‘có một cán bộ hội như thế’... Khuôn tiêu đề ‘Có một... Như thế’ nay vẫn được dùng rất nhiều. Tương tự, có những khuôn ngôn ngữ khác cho hàng loạt đề báo như: Một thoáng (+địa danh), nghề X cũng lắm công phu, Thấy gì qua (+sự việc), Mặt trái của...

(tấm huy chương), X - con dao hai lưỡi...

Mặt khác, năm nào cũng luôn có những loại sự kiện giống nhau và giống những năm trước. Đó là những ngày lễ, tết, kỷ niệm, tổng kết thành tích, khen thưởng... thành ra cũng có những bài báo na ná như nhau. Thế là cũng thành những tiêu đề theo khuôn: Phấn khởi chào mừng ngày..., Thi đua lập thành tích kỷ niệm ngày..., Kỷ niệm 40 năm ngày..., Vài suy nghĩ về..., Cố gắng lập thành tích..., Chào mừng ngày..., Đẩy mạnh..., Tăng cường...

Sáo mòn. Cái gì lặp lại mãi rồi cũng thành nhàm chán. Những từ ngữ, hình ảnh dù hay đến mấy nhưng dùng lặp đi lặp lại thì cũng dần dần trở nên quen thuộc với độc giả. Sức hấp dẫn của chúng giảm dần, giảm dần và mất hay. Tới một lúc nào đó, nếu tiếp tục dùng nữa, độc giả sẽ thấy chán: ‘Biết rồi, khổ lắm, viết mãi!’. Điều này giống như uống trà. Thưởng thức một hai nước đầu thật tuyệt. Nhưng uống đến nước sái bốn, sái năm thì còn gì là ngon nữa. Vì vậy, chúng ta nên cố gắng tìm kiếm những cách dùng mới, cố gắng tạo ra những từ ngữ mới, hình ảnh mới thay thế cho những thứ đã bị mòn.

Để chống lại lối sáo mòn Phấn khởi chào mừng 30 năm ngày thành lập

công ty SJC, có nhà báo đã đặt tựa đề Khi SJC có nghĩa là vàng (KTSG,

01.10.1998). SJC là tên tắt tiếng Anh của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn (Saigon Jewelry Company). Tựa đề này cô đúc và rất hình tượng. Hấp dẫn

vì ở đây cụm từ ‘có nghĩa là vàng’ có thể được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. (vàng - thứ của cải quý nhất).

Ăn theo

Khâm phục, học tập những cách viết hay là cần thiết để luôn luôn tự nâng cao năng lực ngôn từ của mình. Nhưng nếu chỉ có rập khuôn, chỉ có ăn theo sẽ dần dần làm bài viết của mình mòn đi, nhạt nhẽo đi. Việc cóp theo những ‘bài văn mẫu’ gây hại nhiều hơn là lợi.

Khai thác các nhân vật điển hình văn học không phải là ăn theo. Những cô Tấm, nàng Kiều, chị Dậu, những Sở Khanh, Xuân Tóc đỏ, Chí Phèo, làng Vũ Đại... đã trở thành những điển hình, đại diện cho những lớp người khác nhau, những nhóm xã hội khác nhau thời xưa cũng như thời nay. Và ai cũng biết. Chúng ta có thể dùng luôn tên những nhân vật này cho xã hội hiện đại. Vậy thì, những bài báo, những truyện ngắn Chí Phèo lấy vợ, Chí Phèo thành tiến sĩ, Chí lên ghế lãnh đạo trong hậu Chí Phèo hay truyện Chí Phèo mất tích?... chỉ là khai thác nhân vật Chí Phèo ở thời hiện đại.

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 107 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)