Câu sai phong cách

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 55 - 58)

CHƯƠNG 4 DIỄN ĐẠT

4.4. Câu sai phong cách

4.4.1. Câu sai phong cách là những câu viết không đúng những quy tắc về phong cách.

Mỗi thể loại văn bản đòi hỏi một phong cách ngôn ngữ riêng. Mỗi tình huống giao tiếp cần có một lối nói thích hợp. Mỗi giai tầng xã hội cũng có lối nói và dùng những lớp từ vựng đặc thù. Mỗi thời đại lại có những lớp từ khác nhau. Tiếng Việt có lối diễn đạt khác với lối diễn đạt của những ngôn ngữ khác. Có những câu không sai ngữ pháp nhưng nếu không diễn đạt đúng với thể loại văn bản, không diễn đạt đúng với tình huống giao tiếp hoặc không diễn đạt đúng với cách nói của người Việt thì vẫn là sai về phong cách.

+ Hoàng thượng dạo này [...] thiếu quyết đoán để đưa ra những chỉ thị cần

thiết. (TV, 22.07.2011; p. Huyền sử thiên đô, tập 28) Vua không ra chỉ thị

+ Phong cách liên quan đến quan điểm người nói. Một sĩ quan trong quân đội Pháp ở Hà Nội (1950) Nói ‘Một viên tướng mới ở Pháp sang, nhận

nhiệm vụ tư lệnh trưởng quân đội viễn chinh ở miền Bắc.’ (ST, Miền đất lạ, tr.67) Viên tướng viễn chinh Pháp không nói ‘miền Bắc’ mà nói Bắc

Việt.

(1) Ngoài Bớc-sét mà tôi đã quen ở Việt Nam, tôi còn được giới thiệu với hai nhà báo Pháp đã nổi tiếng là Mađơlen Riphô và giăng Lacutuya. Một hôm, trước ngày chia tay, Bộ trưởng Hâu Xeng tổ chức một cuộc họp thân mật giữa hai bạn Pháp và tôi. Chuyện trò ‘mày tao’ thoải mái. (b., số 23, 12.1995)

Người Pháp, khi thân mật thì dùng đại từ xưng hô theo kiểu tu, toi (mày), je, moi (tao), tiếng Pháp gọi là tutoyer. Dù thế nào chăng nữa, đây là sự

xưng hô giữa những người có cương vị cao trong báo giới ở những nước khác nhau, cách nói của người Việt trong tình huống này là ‘Chuyện trò cậu - tớ thoải mái’ chứ không phải chuyện trò mày, tao.

Với ngần ấy sính lễ, so với mức sống người dân nông thôn thì vượt quá tầm tay họ.

Trước hết, câu này sai ngữ pháp: Từ ‘với’ làm cho câu không có chủ ngữ. Bỏ từ với đi, chúng ta được một câu đúng ngữ pháp nhưng cách diễn đạt vẫn còn nặng nề:

(2b) Ngần ấy sính lễ, so với mức sống người dân nông thôn, vượt quá tầm tay họ. Nên diễn đạt đơn giản hơn:

(2c) Ngần ấy sính lễ vượt quá khả năng của người dân nông thôn. (2d) Ngần ấy sính lễ vượt quá khả năng của nông dân.

4.4.2. Có những thể loại văn bản nào?

Thể loại văn bản thường được phân loại theo chức năng.

Phong cách phụ thuộc vào chức năng. Có phong cách khẩu ngữ (văn nói) và phong cách bút ngữ (văn viết). Có các thể loại văn bản viết sau: hành chính - công vụ; khoa học; văn học - nghệ thuật; thông tấn - báo chí; ngôn ngữ trong sinh hoạt thường ngày.

Chúng ta chỉ minh họa hai thể loại văn bản. 4.4.2.1. Phong cách văn bản khoa học

Văn bản khoa học có chức năng chứng minh, phân tích, suy luận, lý giải, nhận xét, đánh giá, trình bày những hiện tượng và quy luật của thế giới tự nhiên cũng như xã hội.

Loại văn bản này đòi hỏi tính lô gích, nhất quán, chặt chẽ, chính xác, khách quan, tường minh, không mơ hồ. Ngôn ngữ súc tích, ngắn gọn, không chứa đựng những thông tin dư. Rất ít từ ngữ thuộc lớp khẩu ngữ. Cấu trúc của các đoạn văn rất rõ ràng.

Về ngữ pháp, trong văn bản khoa học thường là những câu đầy đủ các thành phần.

Là thể loại chứng minh, nên có nhiều câu phức và câu ghép. Văn bản khoa học trung hoà về phong cách. Người viết không đưa cái ‘tôi’ vào văn bản khoa học. Chủ ngữ thường là ‘chúng ta’ hoặc ‘người ta’, ‘nó’. Nhiều câu vô nhân xưng, chủ ngữ không xác định.

Có những tiểu loại văn bản khoa học quy định nghiêm ngặt về quy cách trình bày và chuẩn mực ngôn ngữ. Ví dụ: đồ án tốt nghiệp, luận án khoa học, quy cách tóm lược một văn bản khoa học.

4.4.2.2. Phong cách văn bản hành chính - công vụ

Văn bản hành chính - công vụ là những văn bản pháp lý của các cơ quan công quyền với chức năng điều hành xã hội, chi phối hành động mỗi cá nhân và mỗi tổ chức xã hội, và cũng là văn bản của mỗi cá nhân gửi tới cơ quan công quyền. Ngôn ngữ loại văn bản này là trung tính, nghiêm túc, khách quan, đơn giản, rõ ràng, không mơ hồ mà chính xác và nhất quán. Không dùng từ ngữ địa phương.

Trong loại văn bản này ngầm ẩn tồn tại một quan hệ tôn ty, thứ bậc giữa các vai - vai của người tạo lập văn bản và vai của đối tượng tiếp nhận văn bản.

Đây là ngôn ngữ viết. Trong thể loại văn bản này, có những quy định rõ ràng về danh xưng, nghi thức lời nói, khuôn mẫu từ ngữ, văn bản.

Chú ý: Cần xưng hô đúng vai, và nhớ: xưng thì khiêm, hô thì tôn. Lưu ý 1: Phong cách về phương diện số lượng.

Dùng nhiều hay ít một một số từ ngữ nào đó cũng biểu hiện phong cách ngôn ngữ của tác giả và thể loại. Lấy các từ tình thái đặt cuối câu à, ạ, ơi, nhỉ... làm ví dụ:

Trong 180 nghìn lượt từ ở ngôn ngữ Hồ Chủ Tịch, những từ này được

dùng rất ít: ơi được dùng 3 lần, từ ạ được dùng 5 lần, từ nhỉ được dùng 2 lần. Trong khi đó ở 60 ngàn lượt từ thơ ca, từ ơi được dùng 129 lần; trong 60 nghìn lần ở ngôn ngữ kịch, từ ạ được dùng 184 lần; từ nhỉ được dùng

35 lần trong 60 nghìn lượt từ ở ngôn ngữ thiếu nhi.

Lưu ý 2: Dù ở thể loại nào thì cũng cần viết đúng theo cách nói của người Việt. Mỗi dân tộc thường có những cách nói khác nhau. Chúng liên quan đến đến đặc điểm của từng nền văn hóa, của từng ngôn ngữ. giữa các ngôn ngữ có những từ ngữ cùng trỏ một đối tượng, cùng trỏ một quan hệ ngữ pháp khiến chúng ta tưởng rằng cách dùng của chúng giống nhau. Nhưng nhiều khi lại khác hẳn nhau. Chúng ta minh họa qua liên từ ‘và’ và ‘and’ (tiếng Anh). Thông thường, dùng từ ‘và’ để dịch từ ‘and’, và ngược lại. Nhưng không ít trường hợp sẽ làm sai lạc nghĩa.

Với câu ‘Sam and Sally got married’ nếu chúng ta dịch là ‘Sam và Sally đã lập gia đình’ thì không ổn. Ở câu tiếng Anh, người ta thường hiểu là ‘Sam and Sally married each other’ (Sam và Sally lấy nhau). Còn câu tiếng Việt lại được hiểu là Sam đã lập gia đình, Sally đã lập gia đình nhưng không phải họ lấy nhau.

Tương tự, câu ‘Jack and Bill went up the hill’ có thể được hiểu là ‘Jack đi lên đồi và Bill đi lên đồi’ mà cũng có thể hiểu là ‘Jack và Bill đi lên đồi với nhau’. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai người Việt lại thường nói ‘Jack đi lên đồi với Bill’. Những khác biệt như thế này rất nhiều.

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)