Vai trò của phương ngữ

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 64 - 68)

CHƯƠNG 4 DIỄN ĐẠT

4.6. Vai trò của phương ngữ

4.6.1. Phương ngữ làm phong phú thêm ngôn ngữ toàn dân, mang lại sắc thái vùng miền mà ngôn ngữ toàn dân khó diễn tả nổi. Những biến thể ngữ âm do phương ngữ, do kiêng kị, do khẩu ngữ như mồng/mùng (một/tơi); nhật/nhựt; bảo/ bửu... được dùng trong những tình huống thích hợp giúp tạo ra những cách nói ấn tượng.

Có một người Đức mê nhạc Trịnh Công Sơn, tự đặt tên Việt là Trịnh Công Duy viết thế này: ‘Tôi học tiếng Việt trong các trường ở vỉa hè,[...], ngôn ngữ ngoài vỉa hè giàu hơn và đời hơn. [...] Tôi làm việc cho một dự án trồng cà phê của người Đức ở Buôn Ma Thuột - Buôn Ma Thuột... buồn thấy mẹ’. (TTCN, 19.10.2003). Ông Tây này dùng khẩu ngữ Nam Bộ thật

tuyệt: Người Bắc Bộ nói buồn nẫu ruột nhưng chỉ Nam Bộ mới buồn thấy mẹ!

Phương pháp cơ bản của viết tiểu phẩm châm biếm là lý lẽ ngược đời, là nói ngược: ‘nói vậy nhưng không phải vậy’. Nói ngược theo cách nói dân gian dễ gây hiệu quả nhất. Vì vậy, tiếng địa phương, kể cả những từ nước ngoài theo biến thể địa phương, được dùng để miêu tả những sự kiện trái khoáy, ngược đời, để nói ngược và bình ngược.

Phương ngữ làm giàu thêm các biện pháp tu từ. Mỗi phương ngữ thường phát âm chuẩn ở bộ phận này của âm tiết nhưng lại sai ở một bộ phận khác.

Nhờ phát âm không phân biệt d~/gi~; d~/r~... Nên sĩ phu Bắc hà mới nghĩ

ra được câu miêu tả đời sống cán bộ thời bao cấp thật là sang: ‘Đi xe cố vấn; Mặc áo chuyên gia; Ăn uống qua loa; Là anh cán bộ’. Nghĩ lại mới thấy cay: Xe đạp của cán bộ, nếu không cố mà vấn mà buộc thì ruột xe lòi ra nổ tung. Vải thiếu, áo rách hở cả da thịt nên được phong là áo chuyên da. Ăn uống thì sao? Cứ nghe qua đài, qua loa... thì vẫn no đủ.

Những thủ pháp chơi chữ như nói lái thì Nam Bắc giống nhau, nhưng nhờ

không phân biệt hai âm đầu d~/r~ nên chuyện cười sau đặc Bắc Bộ:

Bố vợ hay nói lái, con rể ‘theo gương’ bố cũng hay nói lái, đùa ra đùa, nhiều khi quá trớn. Bữa ấy bố vợ tổ chức mừng ông thượng thọ 70. Khách khứa đông. Bữa ăn gần xong, anh con rể:

- Ới bô, bây giờ con đi ‘rửa bô’ nhé?

- Đang ăn uống mà anh nói năng gì lạ thế? ‘Rửa bô?’ có mà rửa bố anh thì có.

Chàng rể lễ phép lui ra, gọi to bảo vợ:

Bố bảo không ‘rửa bô’, mà ‘rửa bố’. Để dưa lê đấy! Chạy ù ra chợ mua ít dứa về ngay!

Người Bắc Bộ nói lái bổ dưa thành rửa bô, bổ dứa (bổ thơm) thành rửa bố, còn bố ơi thành lời kêu cái bô ới bô!

4.6.2. Có những câu sai mang dấu ấn phương ngữ

Phát âm sai dễ dẫn tới những sai chính tả. Không có địa phương nào phát âm hoàn hảo cả. Từ đây, mỗi vùng phương ngữ đều có những lỗi chính tả đặc thù. Dấu vết của loại sai chính tả này để lại khá nhiều trong văn học. Trong Cours de Vietnamien (Giáo trình tiếng Việt) của Antoine Dauphin, nxb Asiathèque, Paris, 1978, có câu ‘Anh hùng đâu cứ phải mài dao’. Ở đâu ra cái thuyết người anh hùng phải giỏi võ nghệ, cung kiếm, nên thường mài dao kiếm? hóa ra ông dẫn câu thơ ‘Ra thế to gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu.’ (Tố Hữu) Nhưng sao mày râu lại thành mài dao? Đây là dấu vết của phương ngữ Nam Bộ, ở đó phát âm không phân biệt ay/ai và au/ao. Và mày râu đọc thành mài rao. Nghe đọc mài rao hẳn là ông người Pháp này đã suy luận mài rao là sai chính tả. Sửa là ‘Anh hùng đâu cứ phải mài dao’ mới đúng (?!)

Trên Tuổi Trẻ (26.07.2009), có hai bài viết rất cảm động về Bruce Weigl đã giáo dục con gái nuôi tên Hạnh của mình tình yêu cội nguồn Việt Nam như thế nào. Ông đón bé Hạnh trong một trại trẻ ở Hà Nam. Khi ấy, ông hứa: ‘hôm nay, tôi nhận của quý vị một đứa bé Việt Nam, tôi hứa sau này sẽ trả lại quý vị một cô gái Việt Nam’. Trong tập thơ xuất bản cuối tháng 06.2009 với tựa đề ‘Declension in the village of Chung Luong’ có bài thơ mang tựa đề tiếng Việt không dấu là Con gai bo (Con gái bố). Trong bài thơ này có câu (được dịch sang tiếng Việt là) ‘những dòng sông của Bình Lục vẫn chảy êm đềm.’ Vậy đây là xã ‘Chung Lương’ của Bình Lục. Nhưng huyện này chỉ có xã Trung Lương. Tựa đề tập thơ này để lại một dấu vết của

phương ngữ Bắc Bộ, ở đó phát âm không phân biệt hai âm đầu ch~/tr~.

Thế là xã Trung Lương đã thành Chung Lương. Hẳn một ai đó ở Hà Nam đã ghi nơi sinh Trung Lương của bé hạnh thành Chung Lương?

4.6.3. Phương ngữ và... tín ngưỡng dân gian

Vì sao trên bàn cúng gia tiên ngày Tết, mâm ngũ quả của miền Nam hoặc là 5 loại trái mãng cầu, dừa, xoài, đu đủ (có thể thêm thơm) hoặc là chùm sung, trái mãng cầu, trái xoài, trái đu đủ?

Có thể giải thích bằng lý do... phương ngữ: Do không phân biệt âm đầu

v~/d~; âm cuối~n/~ng nên dừa đọc thành vừa, mãng cầu đọc thành mãn

cầu, còn xoài biến âm thành xài. Với niềm tin và cầu ước giản dị, người Nam Bộ thể hiện lời khấn ‘cầu vừa đủ xài’ qua 4 loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, và xoài, thêm trái thơm càng tốt? Cũng vậy, thể hiện lời cầu ước ‘sung mãn đủ xài’ không gì tốt hơn chùm sung, trái mãng cầu, trái đu đủ và trái xoài?

4.6.4. Phương ngữ làm ngôn từ thêm sâu sắc nhiều trường hợp từ địa phương rất có ích cho bài viết. Nhờ từ địa phương mà câu mất tính mơ hồ không có lợi.

Trong một bài viết về những nữ sinh viên kiếm thêm tiền ăn học bằng cách đi bán hoa hồng ở các khách sạn, một tờ báo đặt tít theo nghĩa đen: ‘Tôi đi bán hoa!’ Tít này gây ra nghĩa bóng không thể chấp nhận được: Vào khách sạn bán hoa khác gì... ‘Tôi đi bán dâm’? Phương ngữ Nam Bộ có từ bông đồng nghĩa với từ hoa. Do vậy, nên chăng sửa lại thành ‘những cô gái bán bông’?

Trong một số tình huống, một từ địa phương, một từ cổ lại chứa nhiều thông tin ‘đắt’ hơn thông tin của từ toàn dân.

Trưa 08.10.2001, sau khi bom đã rơi xuống Afghanistan, cố vấn an ninh quốc gia Condolezza Rice họp báo tại phòng số 450 trong toà nhà D.D. Eisenhower thuộc khuôn viên nhà Trắng. Nhà báo Randy hỏi:

‘Tôi muốn hỏi về thời điểm. Có một lý do riêng nào đó để chọn ngày Chúa Nhật để tấn công?’ (TTCN, số 40.2001)

Câu hỏi này không phải ‘vô hại’ mà là một cái bẫy. Tại sao? (nếu không dùng phương ngữ Chúa Nhật mà dùng Chủ Nhật, bạn đọc bình thường, nhiều khả năng không thấy điều ám chỉ trong câu hỏi.)

Khi mới mở màn trận chiến này, trong khi phe Taliban hò hét ‘thánh chiến’ (Jihad) thì tổng thống Bush đã buột miệng gọi đây là một ‘crusade’ làm cả

thế giới hồi giáo bàng hoàng: Crusade là cuộc thập tự chinh của những người Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ để giành lại Đất Thánh từ tay những người theo đạo hồi. Người Do Thái và người theo đạo Cơ đốc hiểu hơn ai hết tên gọi thứ bảy và Chủ Nhật. Tuần lễ Do Thái gọi ngày thứ bảy là Sabbath, ngày nghỉ cuối tuần. Đạo Cơ đốc thừa hưởng tuần lễ kiểu Do Thái nhưng lại coi ngày tiếp sau ngày Sabbath mới là ngày nghỉ và đó là ngày của Chúa (Chúa Nhật). Câu chất vấn của Randy hàm chứa ám chỉ ‘Phải chăng đây chính là kế hoạch crusade của tổng thống Bush?’ nữ cố vấn an ninh Rice đã né tránh: ‘Thật ra, đó chỉ là do đúng vào lúc mà mọi công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng, nên cứ thế bắt đầu kế hoạch thôi’.

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)