Câu dùng thích hợp với tình huống, phù hợp với văn hóa người Việt

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 85 - 93)

CHƯƠNG 5 CÂU HAY

5.4. Câu dùng thích hợp với tình huống, phù hợp với văn hóa người Việt

người Việt

Những câu không thích hợp với tình huống và văn hóa giao tiếp là những câu dở.

Tình huống giao tiếp liên quan tới Ai nói? Ai nghe? nói điều gì? nói ở đâu? nói khi nào? nói trong hoàn cảnh nào?

Cùng chỉ người mẹ nhưng dùng u, bu, đẻ, má, bầm... tùy nơi tùy lúc thích hợp mới đạt hiệu quả như mong đợi.

Văn hóa giao tiếp là giao tiếp có văn hóa và phù hợp với văn hóa người Việt.

Trong một báo cáo tin chiến thắng thời chống Pháp, có câu ‘Trận đánh đẹp’. Câu này đúng nhưng không thích hợp với điều được nói đến. Bác Hồ gạch từ ‘đẹp’ đi: Trận đánh nào cũng gian khổ, có chết chóc, không có trận đánh đẹp.

Câu ‘Ngô Đình Nhu (em của Ngô Đình Diệm) là con út của Ngô Đình Khả, Bộ trưởng Bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái’ (b., 01.02.2008) có hai chỗ sai. Thứ nhất, Nhu không phải là con út, vì còn là anh của Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Cẩn. Thứ hai, từ ngữ không phù hợp với ngôn ngữ thời đại được nhắc tới: Các triều vua Việt Nam không có chức bộ trưởng, chỉ có chức thượng thư. Đây là lỗi phong cách.

Yếu tố người nói cũng giúp chúng ta đánh giá mức độ sai của một câu. ‘Cô: Muốn giữ cho miệng sạch sẽ chúng ta phải làm gì nào?

Bé: Dạ, phải tắm cho cái miệng.’ (b., 12.01.2008). Người lớn không được nói ‘tắm cho cái miệng’ (chỉ nói tắm mình) Nhưng với trẻ em còn thiếu nhiều từ ngữ, có thể thông cảm với lối nói này.

Trong một bài ký, Nguyễn Duy thuật lại:

- Tàu bay chạy chậm dần trên đường băng, một bà nhắc mọi bà: ‘Chờ cho tàu bay họ rồi hãy cởi dây, nhá.’ Cô giáo Thủy hỏi tôi: ‘Em chưa hiểu tiếng họ nghĩa là gì?’. ‘họ là tiếng người đi cày ra lệnh cho trâu bò dừng lại - một động từ chỉ dành riêng cho trâu bò thôi’. Em cười ngất, trên tàu bay lại học được một từ mới, một mệnh lệnh của người đi cày. (Văn nghệ, 20.07.1996).

Động từ họ trong câu ‘chờ cho tàu bay họ rồi hãy cởi dây, nhá’ dùng không đúng, nhưng là lời của người nông dân lần đầu đi máy bay nên có thể châm

chước lỗi này.

Quy tắc chung cho con người trong giao tiếp có văn hóa là biết tôn trọng thể diện và giữ lịch sự.

Thể diện là một đặc điểm của con người liên quan đến lòng tự trọng của mỗi cá nhân. Rất nhiều ngôn ngữ có cụm từ ‘giữ thể diện’ và ‘mất thể diện’ mà người Việt gọi là ‘mất mặt’. Cách nói sượng mặt, tím mặt, mặt mo, mặt thớt... đều liên quan tới mất ‘thể diện’.

Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ‘Thật ra tôi biết có nơi, có người phê phán lãng phí nhưng mình cũng lãng phí, cũng chi vượt... Tôi không tiện nói cụ thể nhưng đều có tên tuổi đầy đủ trong các báo cáo hết đấy (Tuổi Trẻ, 13.11.2002). Hai phương diện của thể diện: thể diện dương hay thể diện tích cực, là những điều mà con người muốn mình được tôn trọng, và thể diện âm hay thể diện tiêu cực là những điều mà con người muốn mình được tự do hành động. Mỗi người có một không gian cá nhân tự do. Không gian này còn là lãnh địa. Không ai muốn người khác xâm phạm lãnh địa của mình. Trong giao tiếp cần tôn trọng thể diện người khác. Nói sao cho người ta ‘nở mày nở mặt’ và không bị ‘bôi gio trát trấu (vào mặt)’ tức là không bị xúc phạm thể diện như vậy là nói hay.

Có những cách nói khác nhau để đạt mục đích. Ví dụ:

- Đêm đã khuya, trong khi hai vợ chồng già rất khó ngủ thì anh thanh niên hàng xóm lại mở nhạc rất to, rất ồn. Họ không sao ngủ được. Cụ ông đứng dậy đi ra cửa. Cụ bà hỏi đi đâu vậy.

Cụ ông: Tôi định bảo hắn là hãy chấm dứt ngay cái trò mở nhạc nhảy, gào thét ầm ĩ đó đi.

Cụ bà: Có lẽ ông chỉ nên hỏi anh ta xem trời đã khuya rồi liệu anh ta có định đi nghỉ sớm không mà ai thì cũng cần phải đi ngủ.

Lời cụ ông là xúc phạm thể diện, còn lời cụ bà là tôn trọng thể diện anh thanh niên.

Để không xúc phạm tới thể diện tiêu cực của người khác, có chiến lược lấy né tránh, lấy chấp nhận, không can dự vào quan điểm của người đối thoại làm cơ sở. Đó là cách nói vòng vo, không đề cập thẳng vào vấn đề. Nói mập mờ gây nên những cách suy nghĩ theo hướng khác theo kiểu ‘người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo’. Sẵn sàng xin lỗi. Không làm nổi bật bản thân, không tự đề cao. Thậm chí, bày tỏ thái độ bi quan cũng khiến người đối thoại suy nghĩ, xem xét lại quan điểm của mình. Lễ phép và lịch sự nhiều nước phương Tây coi lịch sự như là một yếu tố

cần thiết để giữ thể diện, đảm bảo cho cuộc giao tiếp thành công. Lịch sự tích cực là không làm điều gì xúc phạm tới thể diện người khác. Đó là cần biết lắng nghe, không áp đặt, đối xử bình đẳng và để người nghe tự do lựa chọn.

Với quan niệm về lợi ích và tổn thất, Leech đưa ra nguyên lý lịch sự: hãy

tối thiểu hóa những lối nói mà mình cho là bất lịch sự (lịch sự tiêu cực) và tối đa hóa những lối nói mà mình cho rằng lịch sự (lịch sự tích cực). Nó được cụ thể thành các phương châm giao tiếp lịch sự: khéo léo, hào hiệp, tán đồng, khiêm tốn, thiện cảm.

Ai cũng cần học nói hay. Có nhiều triết lý về nói năng. ‘Một thương tóc bỏ đuôi gà/ hai thương ăn nói mặn mà có duyên...’; Thiệt vàng thử lửa thử than/ Chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời.’ nếu như thành ngữ Việt là ‘Ăn có nhai, nói có nghĩ’, ‘Chó ba khoanh mới nằm, người ba năm mới nói’ thì người Pháp cũng có thành ngữ tương tự ‘Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói’. Nói hay là một trong tứ đức công, dung, ngôn, hạnh của phụ nữ Việt Nam. ‘Đa ngôn đa quá’.

‘nói ngọt lọt đến xương’ là khéo léo. Người ta thường thích khen, kể cả Diêm Vương.

- Một anh chuyên nịnh bợ người khác. Khi chết xuống âm phủ vừa ló mặt vào đã bị Diêm Vương đập bàn quát: ‘Tại sao cứ đi bợ đỡ người khác. Ta chúa ghét loại người như mi.’ Tên nịnh bợ khấu đầu thưa: ‘Bẩm vì người đời ai cũng ưa nịnh nên con mới phải nịnh hót người ta. Chứ như đại vương là bậc công minh chính trực, soi xét rõ ràng từng chân tơ kẽ tóc thì ai dám nói nịnh bợ một câu nào ạ!’ Diêm Vươg khoái quá, luôn miệng tán thưởng: ‘Đúng, đúng vậy! Có cho phép mày cũng chả dám!’

Có những điều không nên nói rõ ra trần trụi khiến ai đó đau lòng, ngượng ngập. Có thể tổn thương tới người nói, người nghe hoặc cả hai. Trong những trường hợp ấy, cần tránh nói những điều kiêng kị, nên chọn những câu dễ nghe trong những cách nói đồng nghĩa, dùng uyển ngữ hoặc tìm cách nói có hàm ý một cách tế nhị để diễn đạt.

Ví dụ:

Thấy người yêu cũ bế một đứa bé tóc vàng. Phước cay đắng hỏi còn Trâm trả lời không rõ ràng nhưng đủ để Phước hình dung ra những bi kịch có thể về một đứa con lai.

- Con của thời loạn. (Kịch Một chuyện tình, đ., 29.06.2008) Trả lời như vậy là khéo.

- Trong hội nghị có người ngủ gật. Báo cáo viên nói: ‘Các bạn dãy thứ ba bên phải tôi vui lòng nói nhỏ đi một chút, kẻo làm giật mình những bạn đang ngon giấc và để cho những người muốn nghe tôi nói được nghe rõ hơn.’ Đó là phê bình khéo.

- Triệu Tử Long vì cứu A Đẩu, con Lưu Bị, mà suýt nguy đến tính mạng. Khi an toàn và gặp chủ tướng, Lưu Bị (có động tác định ném A Đẩu xuống và) Nói ‘Vì mày mà ta suýt mất một tướng tài’. Với câu nói khéo hạ thấp lợi ích của mình và đề cao Triệu Tử Long khiến viên tướng này rất xúc động và càng trung thành với Lưu Bị hơn.

Có thể đề nghị khéo, từ chối khéo hoặc khoe khéo:

(A) Vợ: Anh ơi, chị Thanh vừa mới mua một đôi giày mới kiểu đẹp tuyệt trần.

Chồng: Thế hả? Nếu cô ấy xinh như em thì chẳng cần phải mua kiểu giày đó.

(B) - Cô chuyển về quận 7 đi lại chắc ngại lắm nhỉ?

- Đi đâu đã có ô tô, cũng chẳng thấy ngại. Người trả lời đã chọn một tình huống thích hợp để khoe mới có ô tô. Thế là khéo.

Dùng uyển ngữ là một cách nói khéo. Để tránh những từ kiêng kỵ, có thể mượn tiếng nước ngoài đồng nghĩa cho vào trong ngoặc kép thì sắc thái

nghĩa sẽ chuyển từ xấu sang trung tính. Khi đặt tựa đề Chợ tranh ‘nuy’ đặt

ở trang bìa (b., 12-18.10.2003), Tuổi Trẻ Chủ Nhật đã tránh tựa đề Chợ tranh khoả thân. Từ ‘khoả thân’ có thể gây ra ấn tượng xấu về loại tranh này.

Giao tiếp hào hiệp là tránh tranh cãi không cần thiết, là sẵn sàng cảm ơn, sẵn sàng xin lỗi, nhận phần thiệt về mình ‘ai nhất thì tôi thứ nhì’. Việc đời, năm người mười ý là lẽ thường. Nên sẵn sàng tán đồng để tôn trọng người khác. ‘Cám ơn bạn đã cho biết ý kiến’, ‘Ý kiến chị rất hợp lý’; ‘Tôi chưa đồng ý với anh, nhưng ý kiến của anh rất đáng để chúng ta cùng suy nghĩ thêm’,... Đừng vội ngắt lời khi ai đó đang say sưa trình bày, luận bàn, nhất là khi người ta đang hào hứng kể chuyện mình, kể chuyện con cái, gia đình người ta.

- Vợ chồng bàn nhau nên đi đâu chơi. Chồng: ‘Em chọn đi.’ nói vậy là khéo vì đã tôn trọng, đề cao quyền người vợ.

Không nên nói dài. Có người ví von, ‘khi chúng ta trình bày vấn đề, nên như mini giuýp, càng ngắn càng hay’. Mặc Tử: ‘Con nhái bén ngày đêm kêu rát họng mà chẳng ai đoái hoài. Nhưng con gà trống vừa cất lên tiếng gáy sáng là chuyển động cả đất trời.’

Khiêm tốn là tránh khoe mình, tránh nói quá nhiều tới cái ‘tôi’, tránh khoe con cái, tránh khoe kiến thức, tránh khoe giàu sang, tránh nói những từ thể hiện sự quá tự tin, khẳng định tuyệt đối ‘đương nhiên là...’, ‘tất nhiên là...’. Nên dùng những từ tình thái mềm mỏng hơn: ‘Có lẽ’, ‘Tôi nghĩ rằng’... Truyện dân gian từng châm biếm hạng người dùng câu trả lời dư để khoe của: ‘Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này đứng đây, không thấy con lợn nào chạy qua’. Edison khi đã nổi danh liền phải chạy trốn các nhà báo để có thời gian thầm lặng tiếp tục công việc phát minh. Còn Einstein khi buộc phải trả lời một phóng viên Mỹ về công thức dẫn tới thành công, đã đáp: - Đó là A = X + Y + Z, X là công việc, Y là vui chơi...

- Thế còn Z là gì ạ? - Z là im lặng!

Trong không ít trường hợp, im lặng cũng là một cách nói. Văn hào Gamzatov nói ‘Tôi mất ba năm để học nói, nhưng phải mất tới 60 năm để học im lặng!’

Lịch sự còn là không áp đặt. Không dùng quyền lực buộc người khác theo ý mình, kể cả khi phê bình: Nói ‘tôi thấy’, ‘mình thấy’, ‘theo tôi thì’... để người tiếp nhận coi đó chỉ là những ý kiến tham khảo.

Tăng khen, giảm chê là lối nói thiện cảm.

Lưu ý là không phải lúc nào lối nói gián tiếp cũng đồng nghĩa với phép lịch sự.

Dùng lối nói gián tiếp để chỉ trích, mỉa mai, đe doạ... sẽ xúc phạm nặng nề tới thể diện người nghe. Cách nói gián tiếp ‘gái khôn chọn chồng giữa chốn ba quân. gái lỡ thì mới đi lấy thằng nát rượu ấy làm chồng’ biểu thị lời châm chọc hoặc mỉa mai bóng gió nên ít lịch sự hơn lời khuyên trực tiếp ‘Đừng nên lấy thằng nát rượu ấy làm chồng.’

Cách nói trực tiếp ‘Anh phải ăn cơm tối với tôi rồi mới được về’ mới nghe có vẻ áp đặt, nhưng là áp đặt chân tình nên tỏ ra lịch sự hơn cách hỏi: - Sao anh không ở lại ăn cơm tối với tôi rồi hẵng về?

- Anh ở lại ăn cơm tối với tôi rồi hẵng về có được không?

Hai câu hỏi trên gián tiếp mời ở lại ăn cơm nhưng là câu hỏi lựa chọn khiến người nghe cảm thấy khách sáo trong lời mời.

Những từ chỉ mức độ thân mật (từ xưng hô) và những từ bày tỏ sắc thái tình cảm, kêu gọi thiện chí ở người nghe trong những lối nói trực tiếp nhiều khi còn quan trọng hơn là lối nói gián tiếp. ‘Tối nay anh rửa chén giùm em nha!’ dễ nghe hơn ‘Tối nay anh có rửa chén được không?’

Nên chú ý tới những câu đồng nghĩa để tránh câu mơ hồ gây hiểu lầm tai hại, như:

‘Ngày 15.01, phiên bản có tiếng video clip sex của HTL... và bạn trai lại xuất hiện trên mạng’. (b., 16.01.2008)

Trong câu trên, có tiếng được dùng để đối lập với không có tiếng, nhưng người nghe có thể hiểu sang một nghĩa khác: Người viết khen ‘phiên bản video clip sex của HTL là có tiếng’. Vậy nên thay tiếng bằng một từ đồng nghĩa của nó: âm thanh. ‘Phiên bản có âm thanh video clip sex của HTL...’ Trước câu hỏi ‘Chính phủ Mỹ có thừa nhận ông Ahmadinejad là tổng thống hợp pháp của Iran?’, Robert Gibbs - người phát ngôn nhà Trắng - trả lời: - Ông Ahmadinejad là tổng thống được bầu của Iran. Nói vậy là hớ, vì được bầu có hiệu quả là hợp pháp - điều chính phủ Mỹ không muốn thừa nhận, nên hôm sau ông ta phải cải chính:

- Ông ấy đã được nhậm chức và đó là một thực tế. Còn liệu bầu cử có trung thực hay không, rõ ràng là dân chúng Iran vẫn còn có những câu hỏi...’ (Tuổi Trẻ, 14.08.2009)

Trong ngôn ngữ có những từ, những câu được gọi là đồng nghĩa. Nhưng thật ra chẳng có đồng nghĩa tuyệt đối. giữa chúng luôn có những nét nghĩa riêng, dẫn tới những sắc thái riêng và do vậy có thể chuyển tải được (hoặc phản lại) ý định của người viết.

- Có giai thoại sau: Vua nằm mộng có người nhổ hết răng của ông ta đi. gọi người đến đoán mộng.

Tể tướng: Cả nhà bệ hạ sẽ chết trước bệ hạ. Vua giận quá, giết chết tể tướng.

Ai-van-ti: Bệ hạ sẽ trường thọ hơn mọi người trong gia quyến. Vua rất vui, bèn ban thưởng cho Ai-van-ti.

Dùng những từ đồng nghĩa thích hợp có thể tạo ra những cách nói thân thiện hơn. Ngày nay, người Việt không dùng từ ‘đày tớ’, ‘người ở’, mà gọi bằng ‘osin’. Nhiều người tránh luôn từ osin mà dùng ‘người giúp việc (gia đình)’.

Mức độ gây sốc giảm dần khi bày tỏ suy nghĩ muốn phá bỏ một cái thai: ‘Có phá thai hay không’ > ‘Có giữ cái thai này hay không’ > ‘Có sinh đứa

bé này hay không.’ Dùng ‘Tôi cũng chưa quyết định có sinh đứa bé này hay không’ là cách nói khéo.

- Theo nguồn tin cho biết thì hôm đó có hai phiên tòa cùng lúc, nên luật sư phải ‘chạy sô’. (Tuổi Trẻ Cười, 01.08.2008) Người làm các ngành nghề biểu diễn nghệ thuật, người dạy học mới phải chạy sô. Còn luật sư... mà chạy sô thì còn đâu tâm trí, công sức chuẩn bị nữa. Đây là câu châm biếm hay.

Lịch sự còn liên quan tới phong tục của từng vùng miền, từng dân tộc. Người miền Bắc: khi đang ăn hoặc khách đến nhà lúc gần trưa, thì mời khách ‘Tiện thể (/gặp bữa) ông (/bà/ chú/ cô) vào ngồi ăn với chúng tôi’. Không mời là bất lịch sự. Biết quy tắc này, khách thường không nhận lời. Ai mà nhận lời, ngồi vào ăn thì chủ nhà nghĩ ngay là người thô lỗ, không biết gì...

‘Mình chỉ mời rơi mà ông ta cũng nhận lời’.

Người miền Nam: không có quy ước như vậy, đã mời là thật lòng. Ngồi vào ăn thì thêm vui vẻ, không khách sáo.

Không nhận lời thì lại thể hiện sự xa cách, không chân tình. Người Việt có thói quen hỏi về tuổi tác, gia đình... thể hiện sự quan tâm và thân tình. Nhưng nhiều dân tộc khác, hỏi vậy là mất lịch sự, tò mò, thóc mạch chuyện

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 85 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)