Diễn đạt theo cách nói của người Việt là diễn đạt hay

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 71 - 81)

CHƯƠNG 5 CÂU HAY

5.2. Diễn đạt theo cách nói của người Việt là diễn đạt hay

Nói đúng, nói chính xác là một phương châm quan trọng trong giao tiếp. Để giao tiếp có hiệu quả, cần nói năng dễ nghe, dễ hiểu. Muốn vậy, cần nói như người Việt thường nói.

5.2.1. Người Việt thường nói thế nào? Nhà văn hóa Phan Khôi cho ví dụ: Trên đường về, nghe hỏi ‘Anh đi đâu về đấy?’ người thợ săn Việt Nam sẽ trả lời:

(1) Tôi đi săn về.

Người thợ săn Pháp lại lấy cái việc chính mình đang làm (tôi trở về...) để trả lời:

(2) Tôi trở về từ sự đi săn. (Je reviens de la chasse)

Vậy là người Việt trả lời theo cách kể lại tuần tự những việc đã xảy ra: tôi đi - tôi săn - tôi về, và thành ‘Tôi đi săn về’.

Người Việt nói ‘từ A trở về’,‘từ A đến B’,... còn ‘trở về từ A’, ‘B đến từ A’... là cách diễn đạt mượn của tiếng Anh, tiếng Pháp. Không nên viết ‘Rất nhiều kỹ sư vi tính trẻ đang trở về từ Hoa Kỳ để tiến hành hoạt động kinh doanh Internet tại quê hương’. Nên viết ‘Rất nhiều kỹ sư vi tính trẻ đang từ Hoa Kỳ trở về tiến hành hoạt động kinh doanh Internet tại quê hương’. Một trong các cách nói của người Việt là trật tự thời gian các hiện tượng, sự việc đã xảy ra thế nào thì trật tự từ ngữ phản ánh chúng cũng như vậy. Xét thêm câu:

(3)... Tùng bài bạc gì đó thua hết tiền, lại bán xe máy mẹ vợ vay tiền mua cho làm phương tiện kiếm sống. (b., 20.03.2009)

Câu trên do hai câu đơn giản hơn hợp lại:

(3a) Tùng bài bạc gì đó thua hết tiền, lại bán xe máy.

(3b) Mẹ vợ vay tiền mua (xe máy) cho làm phương tiện kiếm sống.

Ở mỗi câu (3a), (3b), chúng ta gặp những chuỗi động từ theo đúng trật tự thời gian xảy ra nên vẫn nghe được: (3a) bài bạc - thua hết - bán; (3b) vay - mua - cho - làm - kiếm.

Cách diễn đạt theo trật tự thời gian dẫn tới hiện tượng tiếng Việt dùng nhiều động từ đi thành chuỗi, dùng nhiều động từ, dùng ít danh từ. Ví dụ: (4) Tôi đi tìm mua một số sách tặng học sinh giỏi.

Câu trên đã xâu bốn động từ đi, tìm, mua, tặng thành chuỗi. Cách xâu chuỗi

động từ kiểu này khiến tiếng Việt có nhiều động từ ghép theo quan hệ nhân quả: bệnh tật; đổ vỡ (có đổ mới vỡ); nghèo hèn (vì nghèo nên hèn); giàu sang; cổ kính (có cổ mới kính)...

Thường thì câu càng ít những từ sự, việc càng dễ nghe hơn, càng hợp với lỗ tai của người Việt hơn. Người Việt không nói:

(5) Sự có mặt của giám đốc làm chúng ta rất phấn khởi.

Từ ‘sự’ làm câu này thành tĩnh, chuyển danh ngữ ‘Sự có mặt của giám đốc’ thành cụm chủ vị ‘giám đốc đến’ câu bớt được sự và của, ngắn hơn và trở nên động, phù hợp với đặc điểm ‘rất phấn khởi’ hơn:

(5b) Giám đốc đến (làm) chúng ta rất phấn khởi.

Quan hệ ‘thua hết tiền - bán xe’, ‘giám đốc đến - chúng ta phấn khởi’ là những quan hệ nhân quả. Thông thường người ta dùng câu ghép nguyên nhân - kết quả, điều kiện - kết quả thể hiện quan hệ này. Có thể dùng động

từ khiến, làm cho... để nêu quan hệ này trong một câu đơn giản như 3, 5b.

Cũng vậy, danh từ ‘tính tiêu cực’ làm câu sau đây nặng nề:

(6) Mặt khác, phe chính trị đối lập Israel cũng đòi điều tra chính thức những lời cáo giác về Iraq do Mossad đưa ra vì điều này phản ánh tính tiêu cực lên tính trung thực trong thông tin tình báo của Israel. (b., 23.12.2003). Chuyển nó thành động từ thì câu thuận hơn:

(6b) ... vì điều này phản ánh tiêu cực đã chi phối tính trung thực trong thông tin tình báo của Israel.

Vì sao câu 7 dưới đây khó hiểu?

(7) Nếu chuyên viên không ngay ngắn và thiếu am hiểu sâu sắc công việc để kiểm tra của lãnh đạo thường phát sinh tiêu cực ở khâu nghiên cứu, trình xử lý. (b. 17.07.2003)

Từ của làm câu trên nặng nề.‘Công việc để kiểm tra của lãnh đạo’ là một danh ngữ nghe lạ tai. Thường nói ‘lãnh đạo kiểm tra công việc’. Cũng có thể chuyển thành một danh ngữ: công việc để (/mà) lãnh đạo kiểm tra. Cho nên, nếu dùng kết cấu chủ - vị ‘lãnh đạo kiểm tra’ để mở rộng từ kiểm tra thì câu nghe ‘thuận’ hơn, nhẹ nhàng hơn:

(7b) Nếu chuyên viên không ngay ngắn và thiếu am hiểu sâu sắc công việc để (/mà) lãnh đạo kiểm tra, thường phát sinh tiêu cực ở khâu nghiên cứu,

trình xử lý.

(8) Mục tiêu để giám sát bất cứ khi nào ra khỏi tầm mắt của họ chính là các ông chồng. (b., 15.10.2011)

Câu (8) Nghe rất lủng củng. Mục đích là giám sát. Chúng ta hỏi: giám sát ai - khi nào? Theo trật tự ấy, ta viết:

(8b) Mục tiêu giám sát chính là các ông chồng bất cứ khi nào ra khỏi tầm mắt của họ.

Viết như trên vẫn dài vì ‘bất cứ khi nào’ là ‘mỗi khi’. Vậy có thể nói ngắn hơn nữa:

(8c) Mục tiêu giám sát chính là các ông chồng mỗi khi ra khỏi tầm mắt của họ.

Chú ý tới cách diễn đạt câu theo luật nhân quả chúng ta sẽ bớt đi những cách nói nặng nề:

(9) Không khí trong cuộc họp trở nên rất căng thẳng. Trước tình hình đó, ông Ba bỏ ra ngoài.

‘Trước tình hình đó’ khiến vế sau nặng nề. Người dân bình thường sẽ dùng quan hệ ‘nhân quả’ vì vậy, thấy vậy:

(9b) Không khí trong cuộc họp trở nên rất căng thẳng. Thấy vậy, ông Ba bỏ ra ngoài.

Có những cách nói vay mượn, nghe mãi cũng thành quen. Nhiều xướng ngôn viên trên tivi nói ‘Cám ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn’. Nhưng ‘Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi’ vẫn thuận tai hơn.

5.2.2. Trong câu nhân quả thì nguyên nhân, điều kiện xảy ra trước kết quả xảy ra sau.

Nguyên nhân xảy ra rồi kết quả mới xảy ra. Vậy cách nói ‘Vì A nên B’; ‘Do A mà B’ thuận tai hơn cách nói ‘B bởi A’; ‘Sở dĩ B vì A‘. Câu ‘nếu chăm sẽ giỏi’ nghe thuận tai hơn ‘Sẽ giỏi nếu chăm’. Câu ‘nếu có tiền tôi sẽ mua xe Honda’ dễ nghe hơn câu ‘Tôi sẽ mua xe Honda nếu có tiền’. Viết kết quả trước, nguyên nhân sau nên câu dưới đây khó hiểu:

(10) Thế nhưng khi những tay cá cược mê Manchester City sắp ‘dọn nhà’ ra vỉa hè ở vì... Anelka, thì tiền đạo này lại cất tiếng hát: từ đầu mùa bóng đến nay Anelka liên tục ghi bàn cho Manchester City. (b., 27.09.2003) Nên sửa lại như sau:

(10b) Thế nhưng khi những tay cá cược vì Anelka mà ‘bắt’ Manchester City sắp ‘dọn nhà’ ra ở vỉa hè, thì tiền đạo này lại tỏa sáng: từ đầu mùa bóng đến nay anh liên tục ghi bàn cho Manchester City.

Cũng vậy, cách nói ‘Tuy A nhưng B’ phổ biến hơn, nghe thuận tai hơn cách nói ‘B tuy A’.

Nguyên tắc trật tự từ ngữ phản ánh trật tự thời gian các hiện tượng, sự việc đã xảy ra cũng được dùng trong những kiểu câu khác như câu hỏi, câu mệnh lệnh...

Nếu việc chưa xảy ra chúng ta hỏi:

(11) Nếu tôi bật tivi có làm phiền anh lắm không? Nếu việc đã xảy ra rồi thì hỏi:

(11b) Tôi bật tivi có làm phiền anh lắm không? Kiểu hỏi sau đây khó nghe:

(11c) Có làm phiền anh lắm không nếu tôi bật tivi?

5.2.3. Ai, nào, sao, gì, đâu, bao giờ,... - những từ phiếm định độc đáo của tiếng Việt.

Ngoài chức năng để hỏi, những từ trên đây còn dùng để tạo ra những câu thể hiện ý tuyệt đối theo phương thức tác động tới yếu tố phiếm định là tác động tới tất cả. Thế nào là ‘tác động tới yếu tố phiếm định’? Một số ví dụ: Trong các câu ‘Ai cũng vậy thôi’ (TY, 39); ‘Ở đời cái gì cũng thế’ (TY,

260) từ cũng đã đối chiếu với yếu tố phiếm định ai, gì... Nên tạo ra những

câu có ý nghĩa tất cả: mọi người đều vậy, ở đời mọi thứ đều thế.

Những câu sau đây đều là những câu chất vấn yếu tố phiếm định để tạo ra ý nghĩa bác bỏ tuyệt đối:

(A) Tôi về bao giờ? (→ tôi chưa hề về)

(B) Các ông có mất gì đâu. - Ngô Tất Tố (→ các ông không mất gì cả) - Tôi nói đâu nào? (→ tôi không hề nói)

- Bác bán rẻ thế còn đâu ra tiền lời. (→ không còn tiền lời) - Làm gì chẳng xong. (→ chắc chắn xong)

- Ông là người Êđê, có học, lẽ nào ông quên câu nói đó. (Xuân Du) (→ ông không thể quên)

- Được là được thế nào? (MĐLNNM, 77) (→ không được) - Tôi nói điều đó để làm gì kia chứ? (→ tôi không nói)

- Sao lại không liên quan đến ai? (TY, 510) (→ có liên quan đến người khác)

- Thoát khỏi thế nào được! (→ không thể thoát được) - Còn gì nữa đâu mà yêu. - Lê Lựu (→ không còn gì nữa)

- Nào ai còn dám nói năng một lời. - Kiều (→ không ai dám nói).

(C) Trong các câu ‘Chẳng ai đến cả’; ‘Không đời nào họ cho anh vay’; ‘Chẳng sao cả’; ‘Không đâu còn thứ hàng này’... từ ‘chẳng’ đã phủ định

yếu tố phiếm định ai, đời nào, sao, đâu... để tạo ra những câu có ý nghĩa

phủ định tuyệt đối: mọi người đều không đến, chắc chắn họ không cho anh vay, mọi nơi đều không còn hàng này,...

Những phương thức (A), (B), (C) không thấy ở tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và nhiều ngôn ngữ khác, nên khi dịch những kiểu diễn đạt đặc Việt Nam này, hoặc người ta tìm những cách diễn đạt khác, hoặc chỉ dịch ý hoặc người ta né và bỏ qua. Chúng tôi đã kiểm tra điều này qua tuyển tập truyện ngắn Tình yêu sau chiến tranh (2003) - và bản dịch có uy tín Love after war (2003) - của Wayne Karlin và Hồ Anh Thái (chủ biên).

‘Tỉnh người ta thiếu gì?’ ‘Thiếu gì’ nghĩa là không thiếu gì nên được dịch ý là ‘Tỉnh người ta có đầy người như vậy’. ‘Đâu còn thì giờ lo chuyện nhà cửa’ (TY, 35); ‘Đâu còn thì giờ’ nghĩa là không còn thì giờ, nên được dịch ý là ‘quá bận’: she was too busy’ (LAW,19); ‘Dời đi đâu? Tiền đâu mà dời?’ (TY, 35). Chất vấn ‘tiền đâu?’ tức là không có tiền, nên được dịch ý là quá nghèo: Evacuate to where?... our village is real poor’ (LAW,19). ‘Nào có thấy nhà em về đâu ạ! Chờ hết nước hết cái mà hoài công, anh ơi!’ (TY, 23). ‘Nào có thấy’ tức là tuyệt đối không thấy. Thế là được dịch thành ‘he’s nowhere to be seen...’ (LAW,6); ‘nếu không thì lo gì tôi’ (TY, 116). ‘Lo gì tôi’ tức là ‘không phải lo cho tôi’. Và đã được dịch thành một mệnh đề ghép phủ định ‘If you’re not, then don’t worry about me’.

Tương tự, những cách so sánh cực cấp nhất dưới đây cũng là kiểu diễn đạt đặc Việt Nam vì không thấy ở mấy ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga. Câu ‘Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng?’ có nghĩa là nhi đồng yêu Bác Hồ Chí Minh nhất. Câu ‘Mẹ không thương con thì thương ai?’ có nghĩa là mẹ thương con nhất. Câu ‘Anh ta mà giỏi thì còn ai không dốt?’ có nghĩa là anh ta dốt nhất.

Chú ý tới quy tắc trên đây sẽ tránh được những câu dư thừa.

(12) Tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ đội bóng nào muốn gặp chúng tôi vào lúc này. (b., 24.06.2012) hai lỗi trong câu trên là:

a) Câu này bày tỏ ý kiến của người nói. Vậy nên viết ‘Tôi nghĩ rằng [không...]’. Nếu bác bỏ ý kiến người khác thì mới viết ‘Tôi không nghĩ rằng...’

b) Chỉ cần viết ‘không đội bóng nào’ là đã diễn tả được ý phủ định tuyệt đối ‘mọi đội bóng đều không...’. Câu trên đã dư từ ‘bất kỳ’. Chúng ta sửa lại:

(12b) Tôi nghĩ rằng không có đội bóng nào muốn gặp chúng tôi vào lúc này.

5.2.4. Trong tiếng Việt có những cấu trúc hay dùng. Người Việt thích dùng câu chủ động, ít dùng câu bị động.

Cách thể hiện ý bị động cũng khác. Đó là phương thức đảo bổ ngữ lên đứng ở đầu câu và có thể không cần dùng trợ từ thể hiện phương thức bị động ‘bởi’, ‘bằng’ như ở nhiều ngôn ngữ khác. Còn lại, trật tự tác nhân - hành động (trật tự chủ ngữ - vị ngữ trong câu chủ động) vẫn giữ nguyên. Ở dạng chủ động chúng ta nói:

(a) Ba buộc một con trâu ở bụi tre. (b) Ba tặng sách cho Năm.

Chuyển sang dạng bị động, người Anh hay người Pháp sẽ nói: ‘Một con trâu bị (/được) buộc ở bụi tre bởi Ba’; ‘Năm được tặng sách bởi Ba’. Nói vậy không sai ngữ pháp nhưng không là cách nói của người Việt. Chúng ta nói:

(a’) Một con trâu (bị/được) Ba buộc ở bụi tre. (a’’) Một con trâu buộc ở bụi tre.

(b’) Năm được Ba tặng sách.

Cũng vậy, không nên nói: ‘hàng nghìn nạn nhân đã bị giết chết bởi bom nguyên tử (Tivi, 08.01.2006). Nên nói: hàng nghìn nạn nhân đã bị bom nguyên tử giết chết.

Nên sửa câu dưới đây thế nào?

(13) Bằng cách này, chính quyền Mỹ có thể hạn chế những lời chỉ trích đến

từ Israel và những người Mỹ gốc Do Thái vì đã nghiêng về phía Palestine.

Có ba điều lưu ý về bổ ngữ của câu trên:

a) giới ngữ đến từ... không thuận tai.

b) Chuyển danh ngữ ‘những lời chỉ trích đến từ Israel...’ thành câu chủ động‘Israel... chỉ trích’ sẽ dễ nghe hơn. ‘Israel... chỉ trích’ sẽ dễ nghe hơn.

c) ‘Lời chỉ trích... vì đã...’ là cách diễn đạt kết quả-nguyên nhân ngược vớitrật tự nhân quả. Thay ‘vì’ bằng ‘là’ sẽ chuyển thành cách diễn đạt sự kiện- trật tự nhân quả. Thay ‘vì’ bằng ‘là’ sẽ chuyển thành cách diễn đạt sự kiện- giải thích. Vậy:

(13b) Bằng cách này, chính quyền Mỹ, có thể hạn chế Israel và những người Mỹ gốc Do Thái chỉ trích là đã nghiêng về phía Palestine.

Thuận cấu trúc tiếng Việt là thuận theo trật tự hành động như ‘giao ai làm việc gì’. Có giao việc rồi mới làm việc, vậy là thuận. Bằng cách đảo trật tự, chúng ta tạo một câu đồng nghĩa ‘giao việc gì cho ai (làm)’, nhưng ít người dùng cách nói này vì không ‘thuận tai’ người Việt.

Trong quá trình hội nhập hợp tác quốc tế, nhiều văn bản thương mại, văn hóa, khoa học,... được soạn theo hai thứ tiếng. Trong những trường hợp này lại càng cần chú ý viết tiếng Việt theo cách nói của người Việt. Không nên gò tiếng Việt theo khuôn tiếng Anh hay tiếng nước ngoài nào khác. Trên báo Tuổi Trẻ ngày 24.04.2002 dẫn nhiều ví dụ về lời văn trong hiệp định thương mại Việt-Mỹ sao mà ‘xa lạ, khó hiểu và mơ hồ’ khiến nhiều doanh nghiệp nói họ không nắm hết các ý của bản hiệp định này.

Ví dụ:

1) Thương mại hàng dệt và sản phẩm dệt. (khoản 4, điều I, chương I) Sao không viết ‘mua bán mặt hàng dệt’?

2) Giao lưu biên giới. (khoản 3, điều I, chương I) Sao không viết ‘buôn bán tiểu ngạch’ hay ‘biên mậu’? 3) Giao hàng từ cửa đến cửa. (door to door delivery)

Sao không dùng cách nói quen thuộc ‘giao hàng tận nhà’ của người Việt? 4) Mỗi bên điều hành các biện pháp thuế quan và phi thuế quan có ảnh hưởng tới thương mại để tạo cho hàng hóa của bên kia những cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa đối với các nhà cạnh tranh trong nước. (Điều 2, chương I) Chúng ta không nói ‘điều hành các biện pháp thuế quan’, mà cũng không nói ‘nhà cạnh tranh trong nước’. Cho nên, lẽ ra điều trên cần được viết là ‘Mỗi bên áp dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan tác động đến thương mại sao cho tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng đối với sản phẩm của bên kia so với sản phẩm trong nước’.

5.2.5. Trật tự bình thường trong một câu tiếng Việt là: trạng ngữ - chủ ngữ - vị ngữ - bổ ngữ - công cụ.

(14) Ngày 20.03, cựu nữ hoàng Juliana, người cai trị Hà Lan trong 32 năm (1948 - 1980), đã qua đời do nhiễm trùng phổi tại cung điện Soestdijk, Hà Lan, thọ 94 tuổi. (b., 22.03.2004)

Cách viết trên mơ hồ vì đứt mạch văn: chết tại cung điện Soestdijk chứ không phải do nhiễm trùng phổi tại cung điện. Chúng ta sửa bằng cách đảo lại trật tự thành phần câu: Đưa trạng ngữ chỉ nguyên nhân ‘do nhiễm trùng phổi’ lên đầu câu:

(14b) Do nhiễm trùng phổi, ngày 20.03, cựu nữ hoàng Juliana, người cai trị Hà Lan trong 32 năm (1948 - 1980), đã qua đời tại cung điện Soestdijk, Hà Lan, thọ 94 tuổi.

(15)... đàn ông thường xuyên tập thể dục có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giảm so với người không có hoạt động thể chất. (b., 04.12.2010)

(16)... đàn ông và phụ nữ tham gia vào các hoạt động thể chất vừa phải và mạnh có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi giảm. (b., 04.12.2010) hai câu trên đã diễn đạt ngược trật tự vị ngữ-bổ ngữ. Giảm gì? - giảm nguy cơ mắc bệnh. Vậy nói ‘Có nguy cơ mắc bệnh giảm...’ là ngược trật tự, khiến người đọc nhanh vội lầm tưởng là ‘có nguy cơ mắc bệnh...’. Nên sửa là:

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 71 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)