Vai trò của trật tự từ

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 58 - 64)

CHƯƠNG 4 DIỄN ĐẠT

4.5. Vai trò của trật tự từ

4.5.1. Trật tự từ là một phương tiện ngữ pháp

Trong tiếng Việt trật tự từ ngữ có vai trò cực kỳ quan trọng. Nó vừa là công cụ thể hiện ngữ pháp, vừa là công cụ thể hiện ngữ nghĩa. Năm 1948, Lê

Văn Lý cho ví dụ: Với 5 tiếng nó, bảo, sao, không, đến có thể tạo ra trên 30

câu khác nhau: Nó bảo sao không đến; nó bảo sao đến không; nó bảo đến không sao; nó bảo đến sao không; nó bảo không sao đến; bảo nó đến không sao; bảo nó đến sao không; bảo nó sao không đến; bảo nó sao đến không;... Đầu tiên cần chú ý tới sự khác biệt về trật tự từ giữa ngữ pháp tiếng Việt và ngữ pháp tiếng Hán. Một cụm từ, theo ngữ pháp tiếng Việt thì yếu tố

chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau. Ví dụ: điểm yếu, điểm mạnh, điểm đỏ, điểm sáng, điểm tốt... Còn theo ngữ pháp tiếng Hán yếu tố phụ đứng trước yếu tố chính đứng sau. Ví dụ: yếu điểm, ưu điểm, nhược điểm, khuyết điểm, tâm điểm... Như vậy, ‘yếu điểm’ là ‘điểm quan trọng’ chứ không phải là ‘điểm yếu’. Chú ý tới điều này, chúng ta dễ dàng phân biệt được nghĩa của nhiều từ ngữ và tránh được những hiểu lầm đáng tiếc. Mặt khác nhờ phương thức trật tự chúng ta biết cách chuyển một cụm từ theo cấu tạo Hán-Việt sang cấu tạo thuần Việt. Ví dụ: Trong các từ điện năng, hóa năng, quang năng, nhiệt năng... thì ‘năng’ có nghĩa là ‘năng lượng’. Như vậy các từ trên đồng nghĩa với năng lượng điện, năng lượng hóa học, năng lượng ánh sáng, năng lượng nhiệt...

Trật tự từ và cách nói thuận tai

- Biện pháp chống nạn tràn ngập đơn thư khiếu tố tại Tp. Hồ Chí Minh. (Tít báo, 28.06.1999)

Cách tường thuật sự kiện đã xảy ra theo trật tự chủ vị ‘đơn thư khiếu tố tràn ngập’ nghe thuận tai hơn cách đảo ngược trật tự ‘tràn ngập đơn thư khiếu tố’. Vậy thì chỉ cần đảo vị trí ‘tràn ngập’ xuống cuối là được một tít báo thuận tai: ‘Biện pháp chống nạn đơn thư khiếu tố tràn ngập tại Tp. Hồ Chí Minh’

- Hiện nay ở Thừa Thiên Huế vẫn còn số gia đình sinh con thứ ba cao. (đ., 25.12.2003)

Cách diễn đạt này làm đứt mạch văn ‘vẫn còn cao’. Hãy đẩy ‘vẫn còn’ xuống cuối: ‘hiện nay ở Thừa Thiên Huế số gia đình sinh con thứ ba vẫn còn cao’.

Đảo trật tự từ giúp tránh được những câu mơ hồ tai hại hoặc những câu gây hiểu sai nghĩa.

- Barack Obama không là con người mềm yếu như ông đã cho thấy. (b., 08.06.2008)

Đặt cụm từ so sánh ở cuối câu khiến người đọc có thể hiểu lầm câu trên thành ‘Barack Obama không là con người mềm yếu như bề ngoài của ông’. Nên đảo lại trật tự: ‘Barack Obama đã cho thấy ông không là con người mềm yếu’.

- Kết quả giải bóng đá Ý đêm qua (30.04): Juventus chỉ còn cách Lazio 2 điểm. (b., 01.05.2000)

Tít trên gây hiểu lầm là Lazio đang dẫn đầu giải và Juventus đã gần đuổi kịp. Sự thực ngược lại, Juventus đang dẫn đầu giải. Có hai cách sửa:

a) Đảo trật tự: Lazio chỉ còn cách Juventus 2 điểm.

b) Muốn giữ nguyên trật tự thì cần thay cách bằng hơn: Juventus chỉ còn hơn Lazio 2 điểm.

- Kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ. (Tít báo, 01.01.2011)

Đọc tít trên độc giả không hiểu bài báo muốn nói gì. Người ta nói mức tăng trưởng 2 chữ số, nghĩa là tăng trưởng trên 10%. Nhưng thế nào là tăng trưởng 2 tốc độ? Bài báo viết rằng kinh tế toàn cầu có tăng trưởng nhưng thấp thôi, còn giá cả thì tăng vọt. Hóa ra 2 ‘tốc độ’ là như vậy. Phải chăng nên đảo lại trật tự 2 tốc độ “tăng trưởng” kinh tế? Cái từ tăng trưởng đứng trong ngoặc kép khiến người đọc hiểu ngay được giá cả tăng vọt thì không phải là tăng trưởng.

- Giải ngoại hạng Anh chỉ duy nhất có ở Việt Nam trên VTC (Chương trình quảng cáo trên tivi, 25.08.2009). Giải ngoại hạng Anh thì phải đá ở Anh rồi truyền hình ở Anh chứ sao lại ‘chỉ duy nhất có ở Việt Nam’? Đưa trạng ngữ ‘ở Việt Nam’ lên đầu, câu sẽ mất mơ hồ:

‘Ở Việt Nam, giải ngoại hạng Anh chỉ duy nhất có trên VTC’.

Đặt trạng ngữ ở cuối câu dễ dẫn tới những câu mơ hồ vì không rõ trạng ngữ đó bổ nghĩa cho động từ nào.

- Các cuộc biểu tình phản đối việc bắt giữ ông Julian Assange, hiện đang ở trong nhà giam của Anh, vì các cáo buộc cưỡng hiếp diễn ra trên khắp Tây Ban Nha. (b., 13.12.2010)

Điều gì diễn ra trên khắp Tây Ban Nha? Các cuộc biểu tình hay các cáo buộc cưỡng hiếp? Vì để vị ngữ ‘diễn ra’ đứng cách quá xa chủ ngữ ‘các cuộc biểu tình’ làm đứt mạch văn và để cụm từ ‘trên khắp Tây Ban Nha’ đứng cuối khiến câu thành mơ hồ. Chỉ cần đảo lại trật tự là câu trở nên rõ ràng và thanh thoát:

- Các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Tây Ban Nha phản đối việc bắt giữ ông Julian Assange, hiện đang ở trong nhà giam của Anh vì các cáo buộc cưỡng hiếp.

Nhớ sai trật tự ‘mục đích - kết quả’ khiến câu sai:

- Suy nghĩ mãi, Thế tử Hữu mới tìm ra được một kế, quyết ‘di thân thí pháp’. (dùng thân mình liều với pháp luật - sách) Đúng ra phải là ‘thí thân di pháp’ - hy sinh thân mình (thí thân) để mong sửa đổi được pháp luật hà khắc (di pháp). Thế tử hữu dám liều mình để xin vua cha là Ngô Phù Sai bãi bỏ quân pháp ‘kẻ nào dám can ngăn vua xuất binh đánh Tề bị xử tử’. Ở

đây, chữ dùng sai, chú thích càng sai: đâu phải chuyện dùng thân mình liều với pháp luật!

Đảo trật tự từ, cấu trúc cú pháp thay đổi, câu có thể trúc trắc và dài ra vô ích.

Câu ‘nốt ruồi trên người em anh nhớ từng vị trí một, em còn giấu anh điều gì!’ (p.CTT, TV, 03.8.2011) dài dòng. Viết theo trật tự thuận sẽ đơn giản và ngắn hơn: ‘Anh nhớ từng nốt ruồi trên người em, còn giấu anh làm gì!’ Câu ‘... điều tra gần đây cho thấy tuổi thọ bình quân ở Nam Phi được dự kiến sẽ giảm gần 20 tuổi đến năm 2010 do HIV/AIDS’. (b., 27.09.2003) Câu này trúc trắc vì không chú ý tới vị trí trạng ngữ và cách diễn đạt câu theo quan hệ nhân quả ‘do... mà...’. Chúng ta sửa:

Hoặc ‘... điều tra gần đây cho thấy do HIV/AIDS, [mà] đến năm 2010 tuổi thọ bình quân ở Nam Phi được dự báo sẽ giảm gần 20 tuổi’.

Hoặc ‘... điều tra gần đây cho thấy do HIV/AIDS, tuổi thọ bình quân ở Nam Phi đến năm 2010 được dự báo sẽ giảm gần 20 tuổi.’

Chú ý về vị trí của bổ ngữ:

Thường thì không nên để các thành phần khác xen giữa vị ngữ và bổ ngữ làm đứt mạch văn và tạo ra những câu khó hiểu.

- Ở trên cao họ có thể nhìn thấy tốt hơn so với mặt biển những gì có ở dưới nước.

Câu này khó hiểu vì cụm từ ‘so với mặt biển’ đã xen giữa động từ ‘nhìn thấy’ và bổ ngữ ‘những gì có ở dưới nước’. Vậy chỉ cần chuyển nó lên đầu câu hoặc xuống cuối câu:

- Ở trên cao họ có thể nhìn thấy những gì có ở dưới nước tốt hơn so với (ở trên) mặt biển.

- So với ở trên mặt biển, ở trên cao họ có thể nhìn thấy những gì có ở dưới nước tốt hơn.

4.5.2. Trật tự từ là một phương tiện ngữ nghĩa

Chúng ta quan sát một đề báo của Trần Bạch Đằng: ‘Mậu Thân và tuổi trẻ Sài Gòn. Tuổi trẻ Sài Gòn và Mậu Thân’. (Tuổi Trẻ, 29.01.2003)

Trong tít trên, vế sau chỉ là vế trước đảo lại trật tự. Điều này cho thấy trật tự từ ngữ chuyển tải được ý nghĩa. Nếu không tác giả đã không cần thêm vế sau nữa.

Trật tự từ ngữ dù là trật tự giữa hai mệnh đề, giữa hai vế trong một câu ghép hay giữa các thành phần trong một câu luôn luôn ảnh hưởng tới nghĩa của câu.

- Bà bị cáo buộc sao chép 25% luận văn của mình về cải cách tiền tệ để nhận bằng tiến sĩ năm 2000. (b.,27.4.2011)

Sao lại ‘sao chép 25% luận văn của mình’? Hẳn là cần viết theo trật tự ‘25% luận văn của mình là sao chép’:

- Bà bị cáo buộc 25% luận văn của mình về cải cách tiền tệ là sao chép để nhận bằng tiến sĩ năm 2000. (b.,27.04.2011)

Thay đổi trật tự từ giữa hai mệnh đề mang lại cảm nhận chủ quan khác nhau.

- Hai sinh viên tranh cãi nhau về chuyện có thể đồng thời học triết học và hút thuốc lá được không. Không ai chịu ai. Họ phải nhờ giáo viên triết phân xử.

A: Thưa thầy, trong khi học triết học Mác-Lênin thì có được hút thuốc lá không ạ?

Thầy giáo triết học (không bằng lòng): Bậy nào, hút thuốc sao được. B bèn nói với A: Cách hỏi của anh sai rồi, để tôi hỏi lại thầy xem.

B: Thưa thầy, trong khi hút thuốc lá thì có được học triết học Mác-Lênin không ạ?

Thầy giáo triết học (hài lòng): Đương nhiên là được rồi.

Vậy là hai cấu trúc ‘trong khi A thì B’ và ‘trong khi B thì A’ mang lại những sắc thái nghĩa khác nhau. Ở cấu trúc thứ nhất A là điều đã tồn tại và người ta nói về B, còn ở cấu trúc thứ hai B là điều đã tồn tại và người ta nói về A.

Trật tự giữa hai vế trong một câu ghép

- Có câu chuyện sau: Theo lệnh hoàng đế, Tăng Quốc Phiên (đời nhà Thanh) mang quân triều đình đi đàn áp nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc, tuy nhiên mấy lần đều thất bại. Ông ta định cầu nhà vua cho viện binh. Trong tờ tấu này, tất nhiên không thể nói dối vua, nên ông đã viết ‘đánh mãi mà vẫn thua’. Một mưu sĩ thấy câu này không ổn vì trước đây cũng có một đại tướng đi dẹp loạn không thành đã tâu lên vua một câu đại loại như thế để xin tăng viện. Hoàng đế nổi giận, bảo viên tướng nọ bất tài không dẹp nổi loạn, bèn giáng chức đại tướng và đày ra biên ải. Mưu sĩ này liền bày mẹo đổi lại trật tự trong tờ tấu ‘thua mãi mà vẫn đánh’ làm ý nghĩa câu nói thay đổi hẳn.

Quả nhiên khi đọc tờ tấu này, hoàng đế tươi cười khen: Tăng Quốc Phiên kiên cường lắm, không nhụt ý chí, thua mãi mà vẫn đánh. Trẫm cho thêm viện binh! (dẫn Triệu Truyền Đống)

Vậy là có thể thay đổi trật tự từ ngữ để nguỵ biện, để dẫn dụ người nghe theo một quan điểm nào đó.

Đảo trật tự từ là quan điểm thay đổi: Trọng tâm ngữ nghĩa rơi vào phần đứng sau từ nhưng.

Ví dụ:

a. Ngành này dễ kiếm việc làm nhưng khó học lắm. b. Ngành này khó học lắm nhưng dễ kiếm việc làm.

Chúng ta đều cảm nhận được người nói câu (a) Ngại học ngành khó còn người nói câu (b) coi dễ kiếm việc làm là quan trọng nhất, nên sẵn sàng chấp nhận học ngành khó.

Trật tự giữa các thành phần trong một câu

Thay đổi trật tự từ để tạo ra điểm nhấn của câu, trọng tâm ngữ nghĩa sẽ thay đổi.

- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra việc báo Nhân Dân nêu về thực hiện Chương trình 135 ở Cao Bằng. (Tít, Nhân Dân, 28.01.2005)

Viết như trên, độc giả có thể hiểu điểm nhấn của câu là ‘kiểm tra xem việc báo Nhân Dân nêu có đúng hay không’. Lẽ ra nên viết: ‘Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Chương trình 135 ở Cao Bằng mà báo Nhân Dân đã nêu’. Sửa như vậy, độc giả sẽ hiểu rằng ‘Thủ tướng Chính phủ cho rằng không ít thì nhiều vấn đề mà báo Nhân Dân nêu là đúng. Vậy cần kiểm tra xem mức độ của nó thế nào’.

- Nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IV viết: a. Xây dựng Việt Nam thành nước công nông nghiệp hiện đại.

b. Xây dựng các huyện thành những huyện nông công nghiệp hiện đại. Câu trên cho biết công nghiệp hiện đại là mục tiêu trọng tâm trong việc xây dựng đất nước. Câu dưới lại thể hiện ý nông nghiệp hiện đại là mục tiêu trọng tâm trong việc xây dựng cấp huyện.

- Tôi đã từng có cô ấy, mà có lẽ đúng hơn là cô ấy đã từng có tôi. (Rừng na-uy, tr.15)

Với từ từng và chuyển chủ ngữ thành bổ ngữ khiến hai câu ‘Tôi đã từng có cô ấy’, ‘cô ấy đã từng có tôi’ có hàm nghĩa khác nhau.

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)