Những biện pháp ngôn từ

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 101 - 107)

CHƯƠNG 5 CÂU HAY

5.6. Những biện pháp ngôn từ

5.7.1. Ẩn dụ

Ẩn dụ là một biện pháp ngôn từ tạo ra những cách nói có hình ảnh, những cách nói lời ít ý nhiều.

Cách viết ‘Đáng tiếc nhất cho MU là Rooney lại ‘bắn chim’ khi thực hiện quả đá 11m’ (Tuổi Trẻ, 15.12.2010) hay hơn cách viết theo nghĩa đen ‘Rooney lại đá vọt xà ngang’.

So sánh hai câu:

(a) Em sẽ không đi với anh đâu.

(b) Em sẽ không đi cùng đường với anh đâu.

Đứng một mình, câu a chỉ có nghĩa đen, còn câu b thì khác. Từ đường trong câu b có thể mang nghĩa ẩn dụ đường đời - mục đích quan niệm về lối sống. Vậy nên, ngay cả khi đứng một mình nó vẫn có thể có nghĩa bóng ‘em khác anh về quan niệm sống và do vậy em sẽ không phụ họa, không theo anh đâu.’ Đây là câu hay.

Các dân tộc thường có những ẩn dụ giống nhau vì ẩn dụ liên quan mật thiết tới nhận thức. Điều này cho phép dịch khá dễ dàng những ẩn dụ, người đọc tiếp nhận tự nhiên và cảm nhận được cái hay của ẩn dụ. Lấy từ chết để minh họa.

(1) ‘Lách’ luật hay là ‘chết’? (Pháp luật, 04.12.2001)

‘Chết’ trong tít trên được hiểu một cách ẩn dụ. Doanh nghiệp lách luật để tồn tại, nếu không sẽ phá sản tức là ‘chết’.

(2) Ông ấy rầu lắm, ngồi đâu là ngồi chết một chỗ. Ông ấy không tha thứ. Nhất định từ con.

Ngồi chết là ngồi một chỗ bất động rất lâu. Chết có ẩn dụ là bất động. Cũng vậy, có cách nói mực nước chết trong các công trình thủy điện.

Mở rộng nghĩa của bất động thể xác sang bất động trong đời sống, hoạt động tinh thần, chúng ta gặp câu nói nổi tiếng của một nhà văn Pháp:

(3) Trên bia mộ của nhiều người đáng lẽ phải chữa lại là chết lúc ba mươi tuổi, chôn lúc sáu mươi tuổi.

Một bài báo viết:

- Nói theo Tổng thống Nga V. Putin thì ‘cả hai cuộc khủng bố có cùng chữ ký’: từ phương thức (dùng xe chở chất nổ), chiến thuật (đánh bom liều chết) đến tính chất của địa điểm (đều là các toà nhà làm việc hoặc cư trú của nhân viên chính phủ). (b., 16.05.2003)

Cùng chữ ký có ẩn dụ là cùng do một tổ chức thực hiện.

Anh em nhà Wright - Wilbur và Orville - người Mỹ, là người khai phá dũng cảm trong lịch sử ngành hàng không. Lần đầu tiên họ đã lái thành công máy bay có động cơ lên bầu trời ngày 17.12.1903. Ít lâu sau, trong tiệc chào mừng những người anh hùng này tại Pháp nhân chuyến du lịch châu Âu, họ được mời nói chuyện. Dù đã hết sức từ chối nhưng cuối cùng Wilbur Wright vẫn phải đứng lên phát biểu trước những nhân vật có danh tiếng ở Paris. Ông nói giản dị: Theo tôi biết, trong các loài chim, biết nói thì chỉ có vẹt. Thế mà vẹt lại bay không cao.

Cho đến nay, bài diễn văn dài một câu này vẫn được coi là hay. Ở đây ông đã dùng ẩn dụ: biết nói - những lời nói hay, bay không cao - không bay lên bầu trời được, không làm được việc gì lớn. Và hàm ý của câu này là ông không giỏi nói những lời đẹp đẽ nên chỉ nói ngắn, và ông chỉ muốn nêu lên một triết lý: muốn thành công thì phải khổ công rèn luyện.

Trong văn học và báo chí, chúng ta thường xuyên gặp những lối nói ẩn dụ. Tiêu đề truyện ngắn Trong tay có đá của Nguyễn ngọc Tư mang ẩn dụ trong lòng mang hận thù. Bình luận về những hủ tục cưới xin làm mất đi những ý nghĩa cao đẹp của một số phong tục, một phóng viên viết: ‘Thái độ của chủ nhà phụ thuộc vào độ dày mỏng của chiếc phong bì.’ Tít báo ‘Thức dậy vùng đất bãi’ cũng là ẩn dụ. Hơn nữa trật tự đảo ngược này gây ấn tượng mạnh hơn trật tự bình thường: Vùng đất bãi thức dậy.

Dùng sai từ ngữ có thể khiến một ẩn dụ thành Ngô nghê, khó hiểu. Báo Lidove noviny, Cộng hòa Czech, mô tả vai trò của thượng viện sau 13 năm ra đời và lấy làm tiếc vì không làm được việc gì bèn dùng ẩn dụ để hạ tít: ‘Một đứa trẻ không được mong muốn’. (b., 14.01.2010) Tít tiếng Việt này dở, nhưng có thể trở thành hay nếu thêm chữ như: Một đứa trẻ không được như mong muốn.

Có những ẩn dụ đòi hỏi tri thức nền để hiểu: ‘Xe phóng nhanh như vậy thì sớm về Văn Điển lắm đấy’. Nếu không biết Văn Điển là một nghĩa trang ở

Hà Nội thì không thể hiểu rằng câu trên có hàm ý là: ‘Xe phóng nhanh như vậy thì dễ gặp tai nạn chết người lắm đấy’.

Thay thế đồng nghĩa (paraphrase) vào những tình huống phù hợp: khi cần nói những câu dễ nghe, tránh điều kiêng kị: ‘Sinh thời Vũ Bão có tâm niệm viết và đặt tên sách theo đủ 24 chữ cái. Ông đã có các tên sách từ chữ A đến chữ X,... cuốn sách có chữ U được xuất bản sau khi ông mất, còn cuốn chữ Y thì Vũ Bão khất nợ lại trần gian’. (Tuổi Trẻ, 31.10.2011) Cách nói này có hình ảnh và tế nhị hơn cách nói ‘Vũ Bão chết mà chưa kịp viết’. 5.7.2. Châm biếm: vài phương thức thường gặp

Dựa vào quán ngữ ‘hứa cuội’ nhà báo đặt tít những cây cầu nhà họ... ‘hứa’ (Tuổi Trẻ, 05.06.2004) cho bài viết về những cây cầu mà thời hạn hoàn thành cứ được khất lần, lui dần, lui dần... Thậm chí cầu Vàm Sát chưa biết bao giờ mới hoàn thành nên ‘sẽ hoàn thành năm hai ngàn không trăm... chưa biết’. Đó là cách viết châm biếm. Những cách viết này tạo nên lời phê phán châm biếm mạnh mẽ về một lối làm ăn tuỳ tiện không có kế hoạch.

Châm biếm những ai tin vào tử vi hợp tuổi vợ chồng, nhà báo vận dụng thành ngữ ‘cưới chạy tang’ để viết ‘Kiên trì cầm cự cho đến lúc ‘đủ già’ để hiểu rằng xem tuổi là một thứ dở hơi tốn thời gian, thì họ đành phải cưới... chạy tuổi.’ (Tuổi Trẻ, 01.12.2007)

Tạo ra những cách nói châm biếm qua phép liên tưởng. Viết ‘Thái độ của chủ nhà phụ thuộc vào độ dày mỏng của chiếc phong bì’ là lời châm biếm chua cay nền ‘văn hóa phong bì’ trong ứng xử thời nay.

Dùng cách nói ngược: gắn nét nghĩa trỏ hành động tốt cho hành động xấu: Trong bài ‘Mãi lộ vẫn hoành hành’, nhà báo viết ‘Ba cảnh sát giao thông đang... miệt mài làm việc’ (Tuổi Trẻ, 15.02.2008); ‘Được chia tiền tham ô thì cũng được chia tù’.

Trong tiểu phẩm cười, thường dùng biện pháp đọc chệch âm, giao lưu thành ‘giao lu’, những ‘kiến thức’ ngược đời, những cách suy luận ngược đời:

Sách giáo khoa Tiếng Việt 4, đã tái bản tới lần 3 mà vẫn cung cấp kiến thức ‘hồ Ba Bể nằm giữa bốn bề vách đá, trên độ cao 1.200 mét so với mực nước biển’. Điều này vênh rất nhiều với thực tế, hồ Ba Bể chỉ cao 145m so với mực nước biển. Tuổi Trẻ Cười bèn bình: Có lẽ sách giáo khoa

tính theo ‘thước’ của thiếu nhi nên nhiều hơn chăng? (Tuổi Trẻ Cười, 01.11.2009)

Chưa từng ai hạn chế tốc độ người đi bộ, ấy thế nhưng trên một đoạn đường nhựa phẳng lỳ thẳng tắp vẫn còn lại tấm biển báo tốc độ 5km/giờ. Thế là trang báo mạng thanhnienonline châm biếm về thói làm ăn cẩu thả bằng tít ‘Biển báo tốc độ cho người... đi bộ’. (23.06.2011)

5.7.3. Chơi chữ nói lái là một cách chơi chữ

Nhưng đôi khi người ta thực hiện việc nói lái còn nhằm mục đích giữ bí mật.

Trong bài ‘Xé bức màn dối trá trong vụ thảm án Lệ Chi Viên’, tiến sĩ Đinh Công Vĩ viết rằng Thái hậu Nguyễn Thị Anh dàn dựng vụ án này. Theo bài báo, Nguyễn Thị Anh có thai sẵn từ ngoài nhưng khôn khéo được vào cung, đẻ ra Bang Cơ (vua Nhân Tông) mà vua Thái Tông vẫn tưởng là con mình. Chuyện này hai quan thị Đinh Thắng, Đinh Phúc biết, vì họ là người phải ghi chép lại ngày giờ phi tần ‘vào’ với nhà vua. Hai ông đã mật báo cho Thái sư Lân quốc công Đinh Liệt biết việc này. Sau khi Nhân Tông bị giết, Đinh Liệt mới kín đáo ghi vào Bút ký Hồng Mai vần thơ sau:

‘Nhung Tân hà hữu tống thai tinh Lục nguyệt khai hoa quái dị hình Niên nguyệt nhật thời Thăng Đính ký Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh’

Tạm dịch: ‘Nhân Tông đâu phải máu con rồng/ Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng/ năm tháng, ngày, giờ Đinh Thắng chép/ hoàng bào để vết tiếng ngàn năm’. (Văn nghệ, 05.10.2002)

Nói lái: Nhân Tông → nhung Tân; Đinh Thắng →Thăng Đính.

- Sau trận Anh hòa với Algerie 0 - 0 ở Cape Town, báo chí Anh đã châm biếm:

‘Thật là một đống Roobish’; ‘Trận đấu của anh hề Cape’ (Daily Mirror). Đó là chơi chữ: Roobish là từ ghép tên cầu thủ Rooney với từ rubbish (rác rưởi); Còn Cape vừa ám chỉ sân đấu ở Cape Town, vừa ám chỉ huấn luyện viên Capello. (b., 20.06.2010)

- Sau vụ NATO tấn công Nam Tư, người ta đã ‘định nghĩa’ lại tổ chức này thành:

= New American Terrorist Organization (Tổ chức khủng bố mới của Mỹ), hoặc:

= Nazi American Troop Organization (Tổ chức của đội quân phát xít Mỹ) = New Armed Test Organization (Tổ chức thử nghiệm vũ khí mới) NATO còn có nghĩa là ‘ngày tận thế’, vì tên bộ phim Terminator (ngày tận thế), có chứa từ này.

Chơi chữ để câu nói thêm dí dỏm và gây ấn tượng.

- Trả lời phỏng vấn về cảm tưởng khi không được vào đội tuyển Anh đi Nam Phi. Theo Walcott cười: ‘I’m a winger, not a wingher’ (Tôi là tiền vệ cánh chứ không phải một người hay than vãn). Theo Walcott đã chơi chữ: winger (tiền vệ cánh) phát âm gần giống wingher (người hay than vãn). (Tuổi Trẻ, 30.10.2010)

5.7.4. So sánh

So sánh là biện pháp ngôn từ thường gặp. Chúng luôn luôn gây những ấn tượng mạnh mẽ. Dùng cách so sánh có thể chuyển tới người tiếp nhận những thông điệp đằng sau câu chữ.

- Châm biếm về những lời hứa suông, thủ tướng Hun Sen nói: ‘Các nhà tài trợ giống như những con gà mái cục tác nhiều nhưng chẳng bao giờ đẻ trứng’. (TTCN, 21.08.2001)

- Tổng thống Obama hành động giống cựu tổng thống George Bush hơn là ứng viên tổng thống Obama. (Tuổi Trẻ, 22.12.2009)

Câu này phê phán tổng thống Obama không còn là ông Obama hứa hẹn khi tranh cử nữa, ông ta lại vẫn như tổng thống tiền nhiệm George Bush. Xa hơn, có thể là thông điệp: lời hứa của các chính khách khi tranh cử thường khác xa hành động của họ sau khi trúng cử.

- Trong Chí Phèo, sau khi Chí gặp Thị Nở ở vườn chuối, Nam Cao viết một câu khá lạ: ‘Chúng nó ngủ như chưa bao giờ được ngủ’. Thấy hay hay, nhiều người bắt chước theo: ‘Chúng nó ăn như chưa bao giờ được ăn’; ‘Chúng nó khóc như chưa bao giờ được khóc’... Câu nào được coi là hay, là hấp dẫn sẽ được nhiều người khác dùng theo như một ‘mốt’. Đó là những câu ‘ăn theo’. Càng lặp lại nhiều thì mức độ hay càng bị giảm đi. Tới một lúc nào đó, kiểu câu này sẽ trở thành sáo rỗng.

Kiểu so sánh này được dùng cho những so sánh tuyệt đối: ‘Tiếng đàn bầu khắc khoải, cô độc như nỗi buồn đến chẳng buồn hơn được nữa của những

thân phận đời nổi trôi’. (Tuổi Trẻ, 13.10.2010)

5.7.5. Khẩu ngữ ngôn ngữ văn chương, nếu không phải là những mẩu thoại, thì không nên dùng khẩu ngữ.

Sách hướng dẫn làm bài tập tự luận và cảm thụ văn thơ 12 (nhà xuất bản Đ., 2008), viết ‘Lỗ Tấn là một danh thủ truyện ngắn trên thế giới, đã cống hiến cho nhân loại những hình thức dân tộc không thể bắt chiếc được’. Viết bắt chước chứ không viết theo khẩu ngữ Bắc Bộ là bắt chiếc. Hơn nữa, Lỗ Tấn còn là một tài năng thể thao hay sao mà gọi là danh thủ?

Khi viết văn châm biếm, bạn có thể và nên dùng khẩu ngữ. Khẩu ngữ trong những cách nói ngược khiến ta hình dung ra một người đang nói giễu, đang mỉa mai:

- Trong thiên hạ, sinh viên là nhân vật biểu trưng tươi đẹp nhất của người nghèo, người có thu nhập thấp, có khi chẳng có thu nhập gì sất. (Tuổi Trẻ Cười, 01.11.2009)

- Chủ trương nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đây đã bị các ông bà mần ra dự án này làm cho hư bột hư đường rồi. (Tuổi Trẻ Cười, 01.11.2009)

- Oách gớm nhẩy! Cổng ra cổng nhé. (Chu Lai, Phố, 374) (nhẩy ← nhỉ) Nhị Thủy vào ở hẳn ký túc xá:

- Để chị bớt lo cho em... ‘ví lại’ em không thích làm một thứ manơcanh. - Người mẫu thời trang chứ! - Kỳ Duyên chữa lời nó.’ (Văn nghệ, 23.03.1996)

Khẩu ngữ là ngôn ngữ giao tiếp. Các lời thoại trong phim là khẩu ngữ. Khẩu ngữ giúp ta nói ngắn gọn:

- Em biết rồi.

- Biết cái gì mà biết! (Kim sưn cố lên!, tập 35) Nói ‘Em không biết gì mà lại bảo là biết!’ thì dài hơn Nhiều.

Trong khẩu ngữ có những cách nói ngược làm nên màu sắc khẩu ngữ đặc thù.

- Người như thế này mà lại đi ăn cắp, đẹp mặt chưa!

Cách nói mỉa mai ‘Đẹp mặt chưa!’ đã xúc phạm thể diện nặng nề hơn, đau hơn lời nói thẳng ‘đồ xấu xa!’.

Cách nói mát hay thật là lời trách móc, chê bai. Mẹ nựng con: ‘Chó con của mẹ, trông dễ ghét chưa kìa!’

Một phần của tài liệu Ebook Từ câu sai đến câu hay: Phần 1 (Trang 101 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)