Hiệu ứng mạng lưới làm cho một sản phẩm trở nên có ích khi ngày càng có nhiều người sử dụng. Ví dụ, nếu tất cả bạn bè của bạn sử dụng Facebook, thì việc bạn mở một tài khoản Facebook là chuyện dễ hiểu. Nếu đơn phương chọn một mạng xã hội khác chỉ khiến bạn trở thành một kẻ lập dị.
Hiệu ứng mạng lưới có thể rất mạnh, nhưng bạn sẽ không bao giờ đạt được nếu sản phẩm của bạn không mang lại giá trị cho những khách hàng đầu tiên, lúc mạng lưới còn nhỏ hẹp. Ví dụ, vào năm 1960 công ty Xanadu muốn xây dựng một mạng thông tin hai chiều giữa các máy tính - một hình thức giống như thời kỳ đầu của World Wide Web. Sau hơn ba thập kỷ nỗ lực vô ích, Xanadu đóng cửa bởi kết nối web đã trở nên một thứ rất bình thường. Công nghệ của họ chỉ có thể hiệu quả ở một quy mô nhất định: đòi hỏi mỗi máy tính phải tham gia vào mạng lưới cùng một thời điểm, và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Nghịch lý thay, những mô hình kinh doanh có hiệu ứng mạng lưới buộc phải bắt đầu từ những thị trường nhỏ. Facebook khởi đầu chỉ với sinh viên Harvard - sản phẩm đầu tiên của Mark Zuckerberg được thiết kế để bạn cùng lớp tham gia, chứ không phải để thu hút tất cả mọi người trên thế giới. Đó là lý do tại sao những công ty mạng lưới thành công rất hiếm khi khởi đầu theo kiểu truyền thống được dạy trong chương trình MBA: những thị trường thời kỳ đầu sẽ rất nhỏ đến mức chúng thường không được xem là những cơ hội kinh doanh.