THAY THẾ VÀ HỖ TRỢ

Một phần của tài liệu Ebook Không đến một: Phần 2 (Trang 70 - 73)

CON NGƯỜI VÀ MÁY MÓC

THAY THẾ VÀ HỖ TRỢ

15 năm trước đây, người lao động Mỹ lo lắng về sự cạnh tranh với lao động giá rẻ người Mexico. Điều đó cũng có lý, bởi vì con người thì thật sự có thể thay thế nhau. Ngày nay, người Mỹ nghĩ họ có thể nghe lại cái “âm thanh nuốt chửng chát chúa” - cụm từ nổi tiếng của ứng viên Tổng thống Mỹ Ross Perot khi ông dùng để phản đối hiệp định NAFTA, cho rằng nó sẽ khiến người Mỹ mất việc vào tay công nhân giá rẻ Mexico - nhưng họ sẽ nghĩ về những trung tâm server máy tính lớn ở Texas hơn là những nhà máy sản xuất đồ giá rẻ ở thành phố Tijuana biên giới Mexico. Điều đó có nghĩa là, họ sợ mất việc vào những chiếc máy tính hơn là vào nhân công giá rẻ. Người Mỹ sợ công nghệ trong tương lai gần bởi vì họ xem nó như sự lặp lại của toàn cầu hóa trước đây. Nhưng hoàn cảnh thì rất khác: con người cạnh tranh với nhau vì việc làm và nguồn lực; máy tính thì chẳng cạnh tranh vì cái gì cả.

Toàn cầu hóa đồng nghĩa với thay thế

Khi ứng viên Tổng thống Mỹ Perot cảnh báo về sự cạnh tranh của nhân công nước ngoài, cả George H. W. Bush và Bill Clinton đều ủng hộ hiệp định thương mại tự do: vì mỗi người đều có một thế mạnh tương đối ở một công việc nhất định, về lý thuyết thì nền kinh tế sẽ tối đa hóa của cải khi người ta chuyên sâu theo thế mạnh của mình và sau đó trao đổi thương mại với nhau. Trên thực tế, thương mại tự do tốt ra sao cũng khá mơ hồ, ít nhất với nhiều công nhân. Lợi ích đạt được từ thương mại sẽ lớn nhất khi có sự khác biệt lớn nhất trong lợi thế cạnh tranh, nhưng nguồn cung toàn cầu về những người công nhân sẵn sàng làm những công việc lặp đi lặp lại với mức lương cực thấp thì vô cùng lớn.

Con người không chỉ cạnh tranh để cung cấp sức lao động; họ còn đòi hỏi có những nguồn lực giống nhau. Trong khi người tiêu dùng Mỹ hưởng lợi từ việc tiếp cận đồ chơi và vải vóc rẻ từ Trung Quốc, thì ngược lại họ phải trả cao hơn cho sản phẩm xăng dầu, vốn được tiêu thụ nhiều bởi hàng triệu người đi xe máy tại Trung Quốc. Dù cho người ta ăn vây cá mập tại Thượng Hải hay chả cá Mexico tại San Diego, họ đều cần thức ăn và họ đều cần nhà ở. Và nhu cầu thì không bao giờ dừng lại khi họ vẫn tồn tại - người ta sẽ đòi hỏi nhiều hơn khi toàn cầu hóa tiếp tục. Hiện tại thì

Con người và máy móc

hàng triệu nông dân Trung Quốc cuối cùng cũng có thể hưởng được nguồn cung đầy đủ những calori căn bản, và họ muốn nhiều hơn thế đến từ thịt heo thay vì chỉ từ gạo. Sự hội tụ của khát khao càng hiển nhiên và rõ nét hơn ở vị trí chóp bu: tất cả những chính trị gia hàng đầu đều có cùng sở thích sâm-panh Cristal, dù cho đến từ Petersburg hay là Bình Nhưỡng.

Công nghệ đồng nghĩa với hỗ trợ

Bây giờ hãy thử nghĩ về viễn cảnh cạnh tranh đến từ máy tính thay vì từ con người. Về phía nguồn cung, máy tính thì khác con người hơn rất nhiều so với con người khác con người: con người và máy móc có thể giỏi ở những việc căn bản là khác nhau. Con người luôn có chủ đích - chúng ta lập kế hoạch và ra quyết định trong những hoàn cảnh phức tạp. Chúng ta không giỏi tìm hiểu một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Máy tính thì hoàn toàn ngược lại: chúng tuyệt hảo khi xử lý dữ liệu, nhưng sẽ luôn chật vật để đưa ra những phán đoán căn bản mà đối với con người thì cực kỳ đơn giản.

Để hiểu quy mô của sự khác biệt này, hãy xem xét một dự án máy tính thay thế con người của Google. Năm 2012, một trong những siêu máy tính của Google được lên tin nóng thời sự bởi, sau khi quét 10 triệu ảnh đại diện của các video trên YouTube, nó biết cách nhận ra một con mèo với độ chính xác 75%.

Điều đó trông có vẻ ấn tượng - cho tới khi bạn nhớ rằng bình thường một đứa trẻ 4 tuổi có thể dễ dàng làm điều đó. Khi một máy laptop rẻ tiền thắng được những nhà toán học thông minh nhất nhưng một siêu máy tính với 16.000 CPU không thể thắng một đứa trẻ, bạn có thể nói rằng con người và máy tính không chỉ mạnh hơn hay yếu hơn khi so sánh với nhau - mà đó là hai dạng khác biệt nhau.

Một phần của tài liệu Ebook Không đến một: Phần 2 (Trang 70 - 73)