kiểm soát chi “một cửa”
Nhằm thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các khâu nghiệp vụ trong quản lý NSNN, nhưng vẫn bảo đảm an toàn và tiết kiệm, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai quy trình “ Kiểm soát chi NSNN theo cơ chế một cửa”. Sau một thời gian thực hiện, quy trình này đã phát huy tác dụng, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Năm 2007, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản mới quy định lại một số cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, chế độ, định mức chi NSNN như: mua sắm phương tiện đi lại, kiểm tra thanh toán vốn đầu tư, dự toán và chương trình mục tiêu quốc gia, công tác phí, hội nghị, tiếp khách. Theo đó, HĐND và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có các văn bản triển khai thực hiện những quy định về chế độ, định mức chi tiêu của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho Kho bạc hoàn thiện nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách, góp phần thực hiện tốt Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Riêng công tác chi thường xuyên, KBNN đã kiểm soát thanh toán 1480 tỷ đồng, hướng dẫn cho 615 đơn vị lập lại chứng từ, bổ sung hồ sơ cho đúng chế độ chi tiêu và đã từ chối chi 175 khoản chi
sai quy định với số tiền 2,739 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng số chi thường xuyên. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng NSNN trong việc chấp hành chế độ, chính sách quản lý tài chính.
Trong công tác kiểm soát chi, KBNN Bà Rịa - Vũng tàu luôn cải tiến quy trình nghiệp vụ để giảm bớt thủ tục hành chính, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm. Quy trình “ giao dịch một cửa” đã được triển khai tại văn phòng Kho bạc tỉnh từ 1/10/2007 để tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ, trình ký và trả kết quả thanh toán chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Khách hàng chỉ giao dịch với một bộ phận nghiệp vụ của Kho bạc lúc nộp hồ sơ đề nghị thanh toán và nhận lại kết quả duyệt chi.
Sau một thời gian thực hiện quy trình giao dịch ‘một cửa” trong kiểm soát chi, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho các khách hàng là đơn vị thụ hưởng ngân sách đến giao dịch thanh toán. Tuy nhiên, trong điều kiện biên chế nhân sự không tăng, lại phải bố trí một số cán bộ nghiệp vụ để thực hiện quy trình “ một cửa” nên áp lực công việc tăng cao, nhất là tại bộ phận nghiệp vụ trực tiếp giao dịch một cửa với khách hàng.
Do đặc thù khách hàng đến giao dịch với nhiều nội dung chi, nhiều loại hồ sơ chi nên việc tách bạch hồ sơ để giao cho cán bộ Kho bạc, đối với khách hàng vẫn còn nhiều lúng túng. Khối lượng công việc không đồng đều, cán bộ giao dịch thuộc Phòng Kế toán thì khối lượng hồ sơ giao nhận rất ít. Cán bộ giao dịch “một cửa” không phải là người trực tiếp xử lý hồ sơ, chứng từ nên đôi khi có những giải đáp thắc mắc không thỏa mãn khách hàng nên một số khách hàng muốn làm việc trực tiếp với cán bộ kiểm soát chi.