Giai đoạn từ 2008 tới nay

Một phần của tài liệu Ve giáp (Acari: Oribatida) ở hệ sinh thái đất cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Trang 30 - 35)

Vùng nghiên cứu Ve giáp được mở rộng đến các vùng đồi núi Đông Bắc, các VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội), Xuân Sơn (Phú Thọ) và một số địa điểm ở miền Trung và Nam Việt Nam. Một trong những kết quả nghiên cứu đáng kể nhất là 2 công trình luận án tiến sĩ của Đào Duy Trinh, nghiên cứu Oribatida ở VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ (2011) [38], và của Nguyễn Hải Tiến, nghiên cứu Oribatida ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình (2012) [35].

Các nghiên cứu trên cơ sở khảo sát cấu trúc quần xã động vật Ve giáp về đa dạng thành phần loài, mật độ và đặc điểm phân bố, liên quan đến sự thay đổi điều kiện tự nhiên môi trường cũng đã được triển khai mạnh mẽ. Một số các nghiên cứu điển hình như: Nghiên cứu của Vũ Quang Mạnh và cs (2008) về cấu trúc quần xã động vật đất - yếu tố chỉ thị sự phát triển bền vững của hệ sinh thái đất, đã nhận thấy cấu trúc quần xã Microarthropoda và Mesofauna ở hệ sinh thái đất thay đổi theo đặc điểm thảm thực vật, cây trồng, và theo đặc điểm môi trường đất [28]. Nhóm Ve giáp chiếm ưu thế trong cấu trúc số lượng của quần xã Microarthropoda ở 3 trong 4 loại đất nghiên cứu, là đất phù sa cổ, đất phù sa Sông Hồng, và đất đỏ nâu trong nền đất đá vôi; tương ứng chiếm 40-49% tổng số lượng. Mật độ quần xã nhóm Ve giáp xác định được đất phù sa Sông Hồng cao nhất; rồi giảm dần từ đất phù sa cổ, đến đất đỏ nâu trên nền đá vôi; và thấp nhất ở đất phù sa sông Thái Bình, với 6311 cá thể/ m2mặt đất. Qua đó có thể khảo sát Oribatida, như một yếu tố chỉ thị sinhhọc, đánh giá sự thay đổi và quản lý bền vững hệ sinh thái đất Việt Nam [32].

Nghiên cứu của Đào Duy Trinh và cs (2010) về cấu trúc quần xã Oribatid ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), đã công bố danh sách 103 loài thuộc 48 giống, 28 họ. Số loài trong các sinh cảnh sống khác nhau dao động từ 22 loài tới 90 loài. Số loài tại ba độ cao dao động từ 62 loài ở độ cao 300-600m đến 55 loài ở độ cao 600-1000m và giảm xuống 47 loài ở độ cao 1.000-1.600m. Nghiên cứu cũng xác định đặc điểm địa động vật khu hệ Oribatida VQG Xuân Sơn thể hiện rõ yếu tố

Ấn Độ - Mã Lai (chiếm 71,77%), ngoài ra còn có sự tham gia của các yếu tố khác: Phân bố rộng (11,77%), Toàn Bắc (10,59%), và Tân nhiệt đới (5,88%) [40].

Nghiên cứu của Nguyễn Hải Tiến và cs (2012) về khu hệ động vật Oribatida của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đã lần đầu tiên được xác định, ghi nhận 106 loài và 01 phân loài thuộc 73 giống, 40 họ. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện 78 loài mới cho khu hệ Ve giáp Việt Nam. Nghiên cứu cũng đã xác định độ phong phú thành phần loài, mật độ và đặc điểm phân bố của cấu trúc quần xã Ve giáp Oribatida có liên quan rõ rệt với biến đổi khí hậu mùa, kiểu sinh cảnh và chiều sâu thẳng đứng trong hệ sinh thái đất tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng [30], [36], [37].

Nghiên cứu của Vũ Quang Mạnh, Ngô Như Hải (2012) về cấu trúc quần xã Ve giáp ở hệ sinh thái đất vùng núi Chè, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã xác định được 38 loài Ve giáp (Acari: Oribatida), thuộc 32 giống và 21 họ. Các tác giả đã ghi nhận được đa dạng thành phần loài Oribatida giảm dần theo các sinh cảnh bị ảnh hưởng nhân tác, theo biến đổi mùa số loài Oribatida giảm vào mùa mưa và tăng vào mùa khô [29]. Năm 2013, Trần Thị Thu Hương đã tiến hành nghiên cứu về quần xã Chân khớp bé Ve giáp (Microarthropoda: Acari: Oribatida) ở hệ sinh thái đất rừng ngập mặn ven biển và trảng cỏ cây bụi thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà và vùng phụ cận, thành phố Hải Phòng, nghiên cứu đã xác định được 34 loài cho khu hệ Ve giáp Cát Bà [4]. Trần Thị Thảo (2014) tiến hành nghiên cứu ở độ cao 100m, tại vườn Quốc gia Cúc Phương, đã xác định được 77 loài, bổ sung thêm 48 loài cho khu hệ Ve giáp Cúc Phương [33]. Trần Bích Thuỷ (2014) khảo sát cấu trúc quần xã ve giáp ở hệ sinh thái đất rừng thông, vùng ven vườn quốc gia Cúc Phương, đã xác định được về đa dạng loài ve giáp có 52 loài thuộc 27 giống và 15 họ, trong đó bổ sung 24 loài mới cho khu hệ ve giáp Việt Nam và 33 loài mới cho khu hệ Ve giáp Cúc Phương [34]. Nguyễn Thị Xuân (2014), điều tra cấu trúc quần xã ve giáp ở hệ sinh thái đất trảng cỏ cây bụi ven vườn quốc gia Cúc Phương, đã xác định 51 loài thuộc 21 giống và 12 họ, bổ sung thêm 21 loài mới cho khu hệ ve giáp Việt Nam [41].

Như vậy tính đến năm 2014, khu hệ Oribatida của Việt Nam đã xác định được 322 loài, trong đó Vũ Quang Mạnh và ctv đã phát hiện 209 loài mới cho khu hệ Vegiáp Việt Nam. Vũ Quang Mạnh và ctv, đã mô tả và công bố quốc tế được 13 loài Ve giáp mới cho khoa học [143], [147].

Năm 2015, Vũ Quang Mạnh đã công bố chuyên khảo đề cập đến các vấn đề về hệ thống và đặc điểm địa động vật học của Ve giáp Việt Nam [144].

Cũng trong năm nay có thêm các nghiên cứu của Đỗ Thị Hoà tại vùng núi mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn [3], Đỗ Thị Duyên tại 4 loại đất thuộc tỉnh Nam Định và TP. Hà Nội [2]. Các nghiên cứu này đều đưa ra kết luận về vai trò sử dụng Ve giáp như là một nhân tố chỉ thị sinh học cho chất lượng đất và sự thay đổi khí hậu ở vùng nghiên cứu. Năm 2016, có nghiên cứu của Phạm Thị Liên ở mô hình canh tác nông - lâm nghiệp ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên, vùng Đông Bắc Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra rằng, trong 4 loại mô hình được khảo sát thì mô hình rừng trồng có số lượng loài, mật độ trung bình, độ phong phú d và độ đa dạng loài H’ cao nhất, nhưng xét về mức độ đồng đều J’ thì mô hình trồng cây ăn quả lâu năm lại cao nhất trong cả 4 mô hình. Nghiên cứu cũng đưa đến kết luận, các loại mô hình nông - lâm nghiệp có sự ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái đất, thể hiện qua sự thay đổi của cấu trúc quần xã Ve giáp [8].

Năm 2020, Vũ Quang Mạnh trong công trình “Oribatid mites (Acari: Oribatida) of Vietnam - species diversity and distribution characteristics” đã tổng kết, số lượng các taxon Ve giáp Việt Nam hiện ghi nhận 726 loài thuộc 245 giống, 90 họ và 41 liên họ [145].

Một điều đáng chú ý là trong giai đoạn 2008 đến nay, khu hệ Ve giáp Việt Nam tiếp tục dành được sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà khoa học trên thế giới, với số lượng các công trình nghiên cứu Ve giáp ở Việt Nam tăng lên đáng kể:

Trong số các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu Ve giáp tại Việt Nam, phải kể đến Ermilov, Niedbala, Minor (2015), trong đó đáng chú ý Ermilov là một nhà khoa học trẻ người Nga, nhưng có số lượng công trình nghiên cứu nhiều nhất ở Việt Nam. Từ giai đoạn 2010 - 2015 [95], Ermilov liên tục có các công trình công bố loài mới ở Việt Nam. Trong khoảng 5 năm nghiên cứu, số loài mới Ermilov và các cộng sự mô tả được khoảng 80 loài mới cho khoa học, năm 2011 có 12 công trình công bố loài mới, 2012 có 9 công trình, 2013 có 8 công trình, 2014 có 9 công trình và 2015 có 6 công trình. Đáng chú ý năm 2015, Ermilov công bố danh sách các loài Ve giáp ở Việt Nam với tổng số loài tính đến thời điểm đó là 535 loài và phân loài

thuộc 222 giống và 81 giống được ghi nhận, trong đó có 194 loài là mới cho khoa học [89]. Các nghiên cứu của Ermilov chủ yếu tập trung ở khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ của Việt Nam, một số khu tiêu biểu như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai, vườn Quốc gia Bù Gia Mập, rừng ngập mặn, vườn Quốc gia Bi Doup - Núi Bà, vườn Quốc gia Cát Tiên, ở miền Trung có vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của một nhà khoa học nước ngoài, tuy nhiên có một vài lưu ý trong nghiên cứu của Ermilov như việc trích dẫn bản đồ nước CHXHCN Việt Nam thiếu hoàn toàn các đảo và vùng đảo như Trường Sa vì vậy trước khi sử dụng cần được xem xét lại.

Năm 2014, Fernandez và cs nghiên cứu ở Hòn Chông (Kiên Giang) về họ Ve giáp Lohmanniidae với sự mô tả hai loài mới, tác giả nhấn mạnh đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về Ve giáp ở Hòn Chông và điều đặc biệt là loài

Bedoslohmannia anneae n. gen., n. sp. có hình dạng đôi chân rất đặc biệt, vì vậy chúng có quá trình di chuyển rất thú vị [71]. Đến Năm 2015, Fernandez và cs tiếp tục có nghiên cứu thứ hai tại Hòn Chông (Kiên Giang), mô tả hai loài mới

Papillacarus whitteni sp. nov. (họ Lohmanniidae) và Basilobelba maidililae sp. nov. (họ Basilobelbidae) [102].

Năm 2017, Minor và cs tiếp tục có nghiên cứu về đa dạng quần xã Ve giáp ở vùng cao nguyên nhiệt đới thuộc Vườn Quốc gia Bi Doup - Núi Bà, niềm Nam Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy mật độ và sự phong phú về loài Ve giáp bị ảnh hưởng bởi cả hai loại rừng và cơ chất [122], thành phần quần xã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chất nền.

Như vậy, khái quát nghiên cứu Ve giáp tai Việt Nam thấy rằng:

Cho đến nay quá trình nghiên cứu Ve giáp ở Việt Nam đã trải qua thời gian khoảng 50 năm, mặc dù hình thành từ những năm cuối thế kỷ 20, nhưng thực sự trường phái nghiên cứu này đã dần được khẳng định và ngày càng phát triển, từ giai đoạn (1967 – 1986) xây dựng cơ sở và đặt nền móng ban đầu về nghiên cứu Oribatida nói riêng và Microarthropoda nói chung ở Việt Nam. Đến giai đoạn (1987 – 2007) hình thành hướng nghiên cứu chuyên sâu về khu hệ và sinh thái nhóm Arthropoda ở hệ sinh thái đất, với hai nhóm ưu thế là Oribatida và Collembola. Qua

nghiên cứu và đào tạo, đã hình thành một tập thể chuyên gia, bao gồm 2 PGS.TS. và 14 thạc sĩ chuyên ngành. Địa bàn nghiên cứu đã được mở rộng ra nhiều tỉnh thành, địa phương trong cả nước. Giai đoạn 2008 - nay: hướng nghiên cứu chuyên sâu về khu hệ và sinh thái động vật Arthropoda ở hệ sinh thái đất ngày càng phát triển, đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu có trình độ được nâng cao hơn gồm 1 GS.TSKH, 1 PGS. TS, 7 tiến sĩ và khoảng 30 thạc sĩ chuyên ngành tính đến năm 2015, công tác trong nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu ở khắp các vùng miền trong cả nước, địa bàn nghiên cứu được mở rộng ra khắp các miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, miền Nam; số lượng các công trình nghiên cứu ngày càng tăng và rất đa dạng, bao quát ở nhiều lĩnh vực như nghiên cứu về đa dạng thành phần loài, nghiên cứu về sinh thái học, về vai trò chỉ thị sinh học….

Số lượng loài Ve giáp phát hiện được tăng lên hàng năm, cao nhất trong giai đoạn năm 2008 đến nay. Giai đoạn 1967 - 1986: ghi nhận 73 loài (Luận án Phó Tiến sĩ, 1986, Vũ Quang Mạnh). Giai đoạn 1987 - 2007: tổng kết khoảng 150 loài (ĐV Chí, Tập 21: Bộ Ve giáp, 2007, Vũ Quang Mạnh). Giai đoạn 2008 - nay: tổng kết 726 loài thuộc 245 giống, 90 họ và 41 liên họ (Vũ Quang Mạnh, 2020).

Sự đóng góp nghiên cứu khu hệ Ve giáp Việt Nam của các chuyên gia nước ngoài ngày càng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn 2008 đến nay. Giai đoạn 1967 - 1986: có 6 chuyên gia nước ngoài với 4 công trình được công bố: Balogh và Mahunka (1967), Rajski và Szudrowicz 1974; Golosova (1983, 1984); Jeleva & Vu 1987. Giai đoạn 1987 - 2007: có 5 chuyên gia nước ngoài với 9 công trình được công bố: Mahunka (1987, 1988, 1989), Niedbala (1989), Krivolustky (1991, 1997, 1998), Pavlichenko (1991), Stary (1993). Giai đoạn 2008 - nay: có 5 chuyên gia nước ngoài nhưng có tới 51 công bố đặc biệt là sự đóng góp của Ermilov (2010 - 2015) với 44 công trình nghiên cứu, Niedbala (2013, 2014), Fernandez (2014, 2015), Minor (2015, 2017), Miko (2017).

Từ bản đồ thu mẫu, thấy rõ các nghiên cứu ở khu hệ Ve giáp Việt Nam được tiến hành rải rác từ Bắc đến Nam, nhưng phần lớn vẫn tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Bắc và vùng Đồng Bằng Sông Hồng, khu vực Tây Bắc vẫn còn là một địa bàn với số lượng nghiên cứu ít. Gần đây khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ Việt Nam được các nhà khoa học nước ngoài chú trọng và quan tâm nghiên cứu nhiều hơn.

Các định hướng nghiên cứu ở Việt Nam, gồm khảo sát đa dạng thành phần loài, mô tả và công bố các loài mới vẫn là định hướng được chú trọng, song song với đó là những nội dung nghiên cứu mở rộng về đánh giá đặc điểm phân bố, cấu trúc quần xã Ve giáp khảo sát liên quan đến sự biến động môi trường trong các sinh cảnh khác nhau, trong các tầng đất, trong các mùa...nghiên cứu về vai trò của Ve giáp như một yếu tố chỉ thị sinh học (bioindicator) cũng dần được quan tâm nghiên cứu, nghiên cứu xác định khả năng là Vecto mang truyền nang sán của Ve giáp, nghiên cứu đặc điểm tính chất đại lý động vật của khu hệ động vật Ve giáp.

Một phần của tài liệu Ve giáp (Acari: Oribatida) ở hệ sinh thái đất cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(197 trang)
w