Vị trí địa lý, địa hình và thổ nhưỡng

Một phần của tài liệu Ve giáp (Acari: Oribatida) ở hệ sinh thái đất cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Trang 36 - 39)

Vị trí địa lý:

Mộc Châu là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía đông nam của tỉnh Sơn La. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 1.050 m. Tọa độ địa lý 20o63' vĩ độ bắc và 104o30' – 105o7' kinh độ đông, có đường biên giới chung dài 40,6 km. Phía đông và đông nam giáp huyện Vân Hồ, phía tây giáp huyện Yên Châu, phía nam giáp huyện Vân Hồ và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), phía bắc giáp 2 huyện Phù Yên, Bắc Yên (Sông Đà là ranh giới). Từ thành phố Sơn La đến huyện Mộc Châu đi theo quốc lộ 6 dài 115 km [180]. Từ Hà Nội đến huyện Mộc Châu theo quốc lộ 6 dài 195 km.

Địa hình:

Mộc Châu là vùng đất có địa hình cácxtơ (núi đá vôi), có nhiều núi, đồi cao nhấp nhô, nằm gối kề nhau chạy theo hướng tây bắc – đông nam, xen lẫn với những vùng cao nguyên rộng lớn là những vùng thảo nguyên, lòng chảo, những khe vực,

suối, sông làm cho địa hình Mộc Châu trở nên đa dạng. Mộc Châu được xếp vào miền đất có vị trí mang tính chất tiếp xúc giữa nhiều hệ thống địa lý [7].

Núi đá vôi ở Mộc Châu có độ cao trung bình từ 1.100 m – 1.300 m so với mặt nước biển, trong đó có đỉnh Pha Luông nằm ở phía nam huyện là ngọn núi cao nhất, với độ cao 1.880 m. Các cao nguyên và bồn địa (đồng bằng giữa núi) làm nên yếu tố địa hình mang tính đặc thù của miền đất Mộc Châu [180], cao nguyên Mộc Châu có độ cao trung bình 1.050 m.

Thổ nhưỡng:

Hiện nay, huyện Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên 108.166 ha. Đất nông nghiệp 84.020,99 ha chiếm 77,68 % tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 33.596,96 ha chiếm 31,1%; đất lâm nghiệp 50.303,05 ha chiếm 46,5%; đất nuôi trồng thủy sản 99,86 ha chiếm 0,09%; đất nông nghiệp khác 21,12 ha chiếm 0,02%. Đất phi nông nghiệp 4.758,15 ha chiếm 4,4%, trong đó đất ở 813,06 ha chiếm 0,75%; đất chuyên dùng 2.114,20 ha chiếm 1,95%; đất tôn giáo, tín ngưỡng 2,00 ha chiếm 0,002%; đất nghĩa trang, nghĩa địa 319,25 ha chiếm 0,295%; đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 1.509,55 ha chiếm 1,396%; đất phi nông nghiệp khác 0,09 ha. Đất chưa sử dụng 19.386,86 ha chiếm 17,92% diện tích tự nhiên của huyện. Đây là tiềm năng để mở rộng quỹ đất sản xuất nông, lâm nghiệp cũng như đáp ứng một phần các nhu cầu về đất cho mục đích chuyên dùng.

Nhờ các vận động địa chất và địa lý đã tạo nên hai dạng thổ nhưỡng cơ bản cho Mộc Châu. Đất frealít đỏ nâu phát triển trên nền phong hóa từ đá vôi (đá mẹ) tức là đồi núi, cao nguyên. Đây là loại đất tốt có nhiều mùn, thích hợp cho các loại cây trồng khô, đặc biệt các loại cây công nghiệp như chè, cà phê... và những phiêng bãi, những đồi trọc rộng có độ dốc ít, đó là những cánh đồng cỏ màu mỡ rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc lớn. Đất phù sa cổ, phân bố dọc các thung lũng, các bồn địa giữa núi hoặc các vạt nhỏ ven chân núi. Đất này tầng dày, thuận lợi về thủy lợi để canh tác lúa nước và trồng cây ăn quả [180]. Vì thế, vùng đất này đã trở thành một vùng quần cư, là một trong những khu vực kinh tế trọng yếu của huyện, của tỉnh.

Hình 1.3. Bản đồ Huyện Mộc Châu

Một phần của tài liệu Ve giáp (Acari: Oribatida) ở hệ sinh thái đất cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(197 trang)
w