Đặc điểm lâm sàng

Một phần của tài liệu Vấn đề rối loạn tâm thần, hành vi và tổn thương cơ thể do nghiện rượu: Phần 1 (Trang 29 - 32)

II. HỘI CHỨNG CAI RƯỢU VÀ SẢNG RƯỢU CẤP

1. Lâm sàng và điều trị hội chứng cai rượu

1.1. Đặc điểm lâm sàng

Hội chứng cai rượu xuất hiện ở người nghiện rượu nhưng đã ngừng uống đột ngột, chậm uống rượu hoặc giảm đáng kể lượng rượu uống hằng ngày (các vấn đề này sẽ được trình bày ở phần loạn thần do rượu - 2.1.).

- Thèm rượu mãnh liệt: đây là triệu chứng bắt buộc có ở tất cả các bệnh nhân cai rượu. Bệnh nhân

thèm rượu đến mức mọi suy nghĩ và hành động chỉ tập trung vào việc sao cho có rượu uống để giảm bớt cơn thèm rượu.

- Run tay chân: triệu chứng này xuất hiện rất sớm ngay sau khi ngừng uống rượu chừng 2 - 3 giờ. Bệnh nhân run tay biên độ nhỏ, đi đứng loạng choạng, họ không làm được các nghiệm pháp giữ thăng bằng. Run có thể xuất hiện ở miệng, ở mặt của bệnh nhân.

- Ăn ít, nôn, buồn nôn: bệnh nhân luôn trong tình trạng chán ăn, thậm chí không ăn gì. Bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn khan hoặc nôn hết thức ăn vừa ăn được.

- Mất ngủ: đây là triệu chứng rất hay gặp trong cai rượu. Mất ngủ xuất hiện vào tối đầu tiên sau khi cai rượu. Bệnh nhân rất khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu và đầy ác mộng. Giấc ngủ của bệnh nhân rất ngắn, họ hay thức giấc giữa chừng và cảm thấy rất mệt mỏi sau khi thức dậy. Mất ngủ tăng dần và đạt đến đỉnh vào ngày thứ 3 đến thứ 5 sau cai rượu, khi đó bệnh nhân có thể mất ngủ hoàn toàn.

- Rối loạn thần kinh thực vật: mạch nhanh trên 100 lần/phút, mồ hôi ra như tắm mặc dù thời tiết không nóng; kèm theo bệnh nhân có tăng huyết áp và huyết áp tối đa có thể đạt tới 180 - 200mmHg; tuy nhiên, huyết áp không tăng thường xuyên mà dao động, lúc cao, lúc về bình thường. Thân nhiệt

của bệnh nhân có thể tăng tới 38 - 390C do run cơ, gây ra tình trạng mất nước và mất điện giải.

- Lo lắng quá mức: bệnh nhân lo lắng nhiều vào ngày thứ 2 của cai rượu. Họ lo lắng mơ hồ điều gì không lành sẽ xảy ra với họ, có lú lẫn, tăng lên về buổi tối.

- Kích động tâm thần vận động: bệnh nhân la hét, chửi bới, đập phá đồ đạc, đánh vợ, con... để có tiền uống rượu.

- Hoang tưởng và ảo giác: triệu chứng này xuất hiện ở ngày thứ 3 đến thứ 5 của cai rượu. Khoảng 85% số bệnh nhân cai rượu có ảo thanh thật (là các tiếng người không có thật, nhưng bệnh nhân nghe thấy rất rõ ràng, vọng từ ngoài môi trường vào đầu bệnh nhân), nội dung của ảo thanh thường là tiếng chửi rủa khiến bệnh nhân rất hoảng sợ.

Bệnh nhân cũng có thể có ảo thị, là các hình ảnh không có thật như nhìn thấy các động vật nhỏ (chim, chuột, côn trùng) hoặc các hình ảnh rất ghê rợn (như ma quỷ).

Khoảng 65% số bệnh nhân cai rượu có hoang tưởng. Hoang tưởng thường là hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại.

- Cơn co giật kiểu động kinh: đây là triệu chứng trầm trọng nhất của hội chứng cai rượu. Cơn co giật xuất hiện theo thứ tự co cứng, co giật, doãi mềm và hôn mê ngắn. Cơn co giật hay xuất hiện ở

ngày thứ 3 đến thứ 5 của cai rượu, nó xuất hiện khi hội chứng cai đạt đến đỉnh điểm và báo hiệu bệnh nhân sắp vào sảng rượu.

- Nhiều bệnh nhân có ý tưởng hoặc có hành vi tự sát trong giai đoạn này.

Một nghiên cứu đặc điểm lâm sàng các rối loạn tâm thần của hội chứng cai rượu trên 83 bệnh nhân của Đỗ Xuân Tĩnh và Cao Tiến Đức năm 2010 đã gặp mất ngủ 95,18%; thèm rượu 96,39%; mệt mỏi 76,70%; chán ăn 78,31%; run 97,59%; vã mồ hôi 90,36%; mạch nhanh 57,83%; rối loạn định hướng không gian 73,49%; ảo xúc giác 37,34%. Hoang tưởng chiếm 64,47%, trong đó: hoang tưởng bị hại 67,86%; hoang tưởng bị theo dõi 16,07%; kết hợp giữa hoang tưởng và ảo giác 39,75%; chỉ có ảo giác 22,89%; chỉ có hoang tưởng 7,22%1.

Một phần của tài liệu Vấn đề rối loạn tâm thần, hành vi và tổn thương cơ thể do nghiện rượu: Phần 1 (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)