VI. RỐI LOẠN TƯ DUY DO RƯỢU
2. Lâm sàng rối loạn tư duy do rượu
2.1. Rối loạn ngôn ngữ
Theo nhà tâm thần học người Pháp M. Reynaud và cộng sự, rối loạn ngôn ngữ do rượu là một rối loạn nặng của tư duy (về cả nội dung lẫn hình thức), biểu hiện dưới dạng:
- Rối loạn nhịp độ ngôn ngữ như là nói nhanh, nói hổ lốn (là nói liên tục, nhanh và không cưỡng lại được, có thể về một hoặc nhiều chủ đề khác nhau; tùy theo cấu trúc, nội dung và sự liên tục mà phân biệt nói hổ lốn các dạng: do hưng cảm, do tâm thần phân liệt, do sa sút trí tuệ hoặc do tổn thương thực thể), hoặc trường hợp bệnh nhân đột nhiên nói một tràng dài không cưỡng lại được rồi im bặt và không do một kích thích thích hợp, câu nói thường có nội dung thô lỗ, tục tĩu.
- Rối loạn sự liên tục của dòng tư duy: không định hình được ngôn ngữ nên bệnh nhân cứ nói lặp đi lặp lại một ý tưởng nào đó có tính chất máy móc. Tư duy dồn dập, các ý tưởng hoặc các hình ảnh này lướt nhanh trong óc làm bệnh nhân không thể tập trung chú ý đến một ý tưởng hoặc một hình ảnh riêng lẻ được.
Theo J. Adès năm 1990, rối loạn ngôn ngữ do rượu biểu hiện đặc trưng là:
- Nói một mình (hay còn gọi là độc thoại): bệnh nhân nói lẩm bẩm một mình, không có nội dung rõ ràng.
- Nói chuyện với ảo thanh (đối thoại tưởng tượng): bệnh nhân như đang nói chuyện với một người tưởng tượng về một nội dung nào đó, người bên cạnh hỏi một đằng bệnh nhân trả lời một nẻo.
- Ngôn ngữ hỗn độn: bệnh nhân dùng những từ, những câu tối nghĩa, không kế tiếp nhau, không diễn đạt được một nội dung nào cả.
- Loạn ngữ pháp: bệnh nhân nói không theo ngữ pháp thông thường mà tạo ra những cú pháp riêng,... hình thành một loại ngôn ngữ riêng làm người khác không hiểu được.
2.2. Rối loạn nội dung tư duy
Rối loạn nội dung tư duy chủ yếu là hoang tưởng. Theo H.I. Kaplan và B.J. Sadock, hoang tưởng là những ý tưởng, phán đoán sai lầm, chiếm ưu thế trong ý thức và chi phối nhân cách bệnh nhân. Bệnh nhân không thể phê phán và các ý tưởng đó được duy trì bằng một cảm xúc mãnh liệt, họ luôn tập trung vào ý tưởng này1. Trong những trường hợp bình thường, các nhà nghiên cứu cho 1. Xem Kaplan, H.I., Sadock, B.J.: Synopsis of Psychiatry, Sđd.
thấy họ luôn tập trung vào những ý tưởng mà mình quan tâm, gọi là ý tưởng cố định. Z. Kolacinski và cộng sự thấy bệnh nhân luôn bị cưỡng bức nhớ lại những tình huống hoặc các đồ vật làm cho bệnh nhân sợ, dù rằng trong thực tế không có các tình huống hoặc đồ vật đó (như bệnh nhân sợ bị nhiễm trùng, sợ lây bệnh truyền nhiễm, sợ bị ung thư... sợ bị đỏ mặt ở chỗ đông người) hoặc sợ bị theo dõi, sợ bị ám hại... Trong đa số các trường hợp này, bệnh nhân thường có hành vi tránh né1.
3. Hoang tưởng do rượu
Hoang tưởng do rượu thường gặp là hoang tưởng hệ thống (paranoia) như hoang tưởng ghen tuông được phát triển dần trên một nền nhân cách đã bị thoái hóa do rượu. Thoạt đầu những ý tưởng ghen tuông chỉ có trong lúc say rượu và dần dần trở nên bền vững, xuất hiện thường xuyên cả những lúc bệnh nhân không uống rượu. Từ chỗ nghi ngờ, thực hư không rõ đi đến khẳng định chắc chắn rằng vợ mình không chung thủy. Bệnh nhân theo dõi, rình mò đi đến tra khảo, bắt vợ phải nhận lỗi ngoại tình. Bệnh nhân thường khẳng định người tình của vợ mình là những người quen biết. Sự phức tạp của loạn thần có thể diễn ra theo hai hướng:
1. Xem Kolacinski, Z., Rosa, K., Wise, M., Kruszewka, S.:
- Hoang tưởng ghen tuông là chủ đề duy nhất không thay đổi.
- Hoang tưởng liên quan đến sự thiệt hại vật chất như vợ lấy tiền cho người tình và đầu độc bệnh nhân để có tự do với người tình.
Một số tác giả nhận thấy hoang tưởng ghen tuông thường xuất hiện sau loạn thần do rượu cấp tính, ở tuổi trung niên và thường gặp ở 40% bệnh nhân loạn thần do rượu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế.
Trong hoang tưởng do rượu còn có hoang tưởng không có hệ thống (paranoid) như hoang tưởng bị theo dõi, hoang tưởng bị hại và các hoang tưởng cảm thụ khác có xu hướng tự cao. Theo một nghiên cứu năm 1990 của Tiến sĩ người Đức M. Soyka, hoang tưởng bị theo dõi chiếm 32% bệnh nhân ảo giác do rượu; nó chi phối mãnh liệt hành vi, cảm xúc của bệnh nhân. Họ thường có ảo tưởng lời nói, ảo tưởng cảm xúc và ảo thanh với nội dung đe dọa làm xuất hiện hành vi có tính chất xung động, nguy hiểm cho bản thân và xung quanh (như bỏ chạy, phòng thủ và tự sát...). Trong những trường hợp kéo dài, hành vi ít nguy hiểm hơn và ít thấy các hoang tưởng bị theo dõi, bị chi phối bằng vật lý như trong bệnh tâm thần phân liệt.
Hoang tưởng bị hại có thể cùng xuất hiện với hoang tưởng bị theo dõi hoặc hoang tưởng ghen
tuông. Hoang tưởng bị hại chiếm 71% bệnh nhân loạn thần do rượu nhưng không đặc trưng cho một bệnh nhân loạn thần do rượu. Ngoài ra, ở bệnh nhân loạn thần do rượu còn thấy một số hoang tưởng khác như hoang tưởng liên hệ, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng nghi bệnh, v,v. nhưng với tỷ lệ thấp.
Hoang tưởng và ảo giác thường phối hợp với nhau trên cùng một bệnh nhân trong loạn thần do rượu. Theo thống kê của tác giả M. Soyka năm 1990, chỉ có 13% bệnh nhân loạn thần do rượu có ảo giác đơn thuần.
Hoang tưởng thường tồn tại bền vững hơn ảo giác do rượu. Các hoang tưởng thường phối hợp với rối loạn trí nhớ (đặc biệt là trí nhớ gần); tuy nhiên, người ta cũng không tìm thấy tổn thương thực thể nào ở não đặc trưng cho các rối loạn hoang tưởng do rượu.
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn tâm thần và các bệnh lý cơ thể kết hợp ở 75 bệnh nhân nghiện rượu mạn tính, Cao Tiến Đức, Huỳnh Ngọc Lăng, Nguyễn Văn Linh gặp 48% hoang tưởng, nội dung hoang tưởng chủ yếu là hoang tưởng bị hại1.