II. HỘI CHỨNG CAI RƯỢU VÀ SẢNG RƯỢU CẤP
3. Say rượu thông thường
3.1. Lâm sàng và xét nghiệm
Nồng độ rượu trong máu thông thường khi say là 0,08 - 0,1g/100ml máu. Khả năng phối hợp vận động và ra quyết định sẽ giảm dần tương ứng với tăng nồng độ cồn trong máu.
- Nồng độ rượu 0,01 - 0,05g/100ml máu: hành vi bình thường, hưng phấn nhẹ.
- Nồng độ rượu 0,08 - 0,10g/100ml máu: chính thức say, nói quá nhiều, kéo dài thời gian phản ứng, mất phối hợp
- Nồng độ rượu 0,18 - 0,30g/100ml máu: thị trường bị thu hẹp, mất điều hòa, nói lè nhè, mất định hướng, chóng mặt, mất phối hợp nặng.
- Nồng độ rượu 0,35 - 0,50g/100ml máu: tăng an dịu và thờ ơ, giảm phản xạ, mất kiểm soát, nguy cơ tử vong đáng kể ở những người mới biết uống rượu với nồng độ lớn hơn nhiều 0,40g/100ml máu.
Người say rượu có thể nói quá nhiều, hung hãn, thù địch hoặc kích động. Ở mức cao hơn, khi phối hợp vận động giảm và hiệu quả an dịu tăng lên, người đó có nguy cơ bị ngã. Ở liều chết 50% (LD50 - lethaldose) nồng độ rượu trong máu 0,40g/100ml là nguy cơ của hôn mê, ức chế hô hấp và tăng tử vong. Người nghiện rượu mạn tính có thể có mức chịu đựng cao hơn so với những trường hợp mới biết uống rượu. Điều này quan trọng, do đó, phải thu thập bệnh sử bổ sung nếu bệnh nhân không thể tự mình cung cấp.
Ngoài mức độ cồn cao, có thể có một số xét nghiệm khác của lạm dụng rượu như là thiếu máu và rối loạn điện giải: tăng enzym gan (ALT, AST, GGT), giảm số lượng tiểu cầu, tăng MCV; giảm vitamin B12, vitamin B1, acid folic và các vi chất
khác, giảm nồng độ carbonhydrat và protein chứa sắt (transferrin).
3.2. Biến chứng
Biến chứng nghiêm trọng nhất của say rượu gồm có ngừng hô hấp và trụy tim mạch. Viêm phổi hít, viêm dạ dày và tổn thương do ngã hoặc hành vi kích động cũng dẫn tới tổn thương cơ thể và bệnh tật.
3.3. Điều trị
Ngộ độc rượu cấp là một cấp cứu và đòi hỏi phải được điều trị trong khoa hồi sức cấp cứu nếu bệnh nhân có các dấu hiệu giảm thức tỉnh và ức chế hô hấp. Flumazenil không làm đảo ngược tình trạng ngộ độc nhưng có thể làm đảo ngược hiệu quả của bất kỳ benzodiazepin nào mà bệnh nhân đã uống.
Theo dõi sát, hỗ trợ hô hấp và bảo vệ đường thở khỏi các chất hít vào phải được bảo đảm. Để làm giảm mức độ trầm trọng của ngộ độc rượu cấp, bệnh nhân cần được đặt ở phòng yên tĩnh cho tỉnh rượu trong khi theo dõi sự xuất hiện của các triệu chứng cai.