Điều trị hội chứng cai rượu

Một phần của tài liệu Vấn đề rối loạn tâm thần, hành vi và tổn thương cơ thể do nghiện rượu: Phần 1 (Trang 37 - 41)

II. HỘI CHỨNG CAI RƯỢU VÀ SẢNG RƯỢU CẤP

1. Lâm sàng và điều trị hội chứng cai rượu

1.5. Điều trị hội chứng cai rượu

1.5.1. Giai đoạn cai

Thực hiện khám toàn diện (như đã mô tả trên) xác định và điều trị bất kỳ vấn đề sức khỏe bất thường nào. Bệnh nhân cai rượu cần được điều trị nội trú tại khoa tâm thần.

Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn mỗi 4 giờ trong 48 giờ đầu trong khi bệnh nhân còn tỉnh táo, nếu tình trạng bệnh nhân ổn định thì tần số theo dõi giảm xuống 3 lần/ngày trong 2 - 3 ngày tiếp theo.

Bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để giảm nhẹ hội chứng cai rượu. Cụ thể như sau:

- Bắt buộc ngừng uống rượu.

- Dùng thuốc bình thần: diazepam 10mg x 2 - 4 ống/ngày, tiêm bắp.

Các benzodiazepin được ưu tiên dùng để xử trí hội chứng cai. Nhiều chế phẩm có thể được sử dụng nhưng sinh khả dụng của chúng khác nhau. Một sự lựa chọn tin cậy là temazepam (restoril), uống 30mg mỗi 6 giờ trong 24 giờ, sau đó uống 30mg mỗi 8 giờ trong 24 giờ, những ngày tiếp theo giảm dần 30mg, sau đó uống 30mg/ngày trong những ngày cuối. Lợi ích của các chế phẩm như lorazepam, temazepam và oxazepam là chúng làm giảm gánh nặng chuyển hóa của gan hơn so với các các benzodiazepin khác bởi chúng chỉ kết hợp trước khi đào thải khỏi cơ thể. Do đó, chúng cũng thường được ưu tiên hơn ở những trường hợp có dấu hiệu bệnh lý gan. Ở khoa chăm sóc đặc biệt - nơi uống thuốc là không thể - thì tiêm tĩnh mạch diazepam và lorazepam thuận lợi hơn. Temazepam 30mg mỗi 4 giờ nếu cần cũng nên chỉ định cho bất kỳ triệu chứng còn lại nào của hội chứng cai trong 5 ngày.

Mất nước có thể được điều trị bằng cách cho uống hoặc truyền dịch. Chỉ định vitamin B1 ngoài đường ruột, nếu có thể. Nếu nồng độ magiê thấp, khuyến cáo bổ sung magiê.

- Vitamin B1 liều 200mg/ngày, tiêm bắp. - Ringerlactat 500ml x 2 chai/truyền tĩnh mạch. Không dùng glucose để truyền vì có thể bệnh nhân có phản ứng tăng đường huyết, song điều quan trọng hơn là thông thường bệnh nhân bị thiếu vitamin nhóm B, đặc biệt vitamin B1,

vì vậy nếu truyền glucose có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Trong trường hợp cần thiết phải truyền glucose thì phải tiêm bắp vitamin B1 trước hoặc đồng thời với việc truyền glucose.

Các trường hợp có cơn co giật kiểu động kinh trong hội chứng cai thì không cần điều trị, co giật sẽ hết khi hết hội chứng cai. Tuy nhiên, cần đề phòng hiện tượng chồng bệnh lý, nghĩa là có thể bệnh nhân có bệnh lý gây cơn co giật động kinh thực sự mà bệnh động kinh khởi phát trong hội chứng cai do ngưỡng co giật giảm và thiếu cơ chất chống co giật ở người nghiện rượu hoặc bệnh nhân bị bệnh động kinh từ trước... thì chúng ta phải tiến hành điều trị động kinh kết hợp.

Nên tránh dùng clonidin và chẹn beta bởi chúng có thể che lấp các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cai rượu. Các thuốc chống co giật như tegretol và depakin để cai rượu không được khuyến cáo bởi vì làm tăng tỷ lệ gặp tác dụng không mong muốn. Nếu dùng các thuốc này đòi hỏi theo dõi sát chức năng gan.

Hầu hết các bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc như nêu trên trong 5 - 7 ngày; sau đó, tiếp tục sử dụng thuốc uống bình thần, chống trầm cảm nhóm SSRI nếu bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm.

1.5.2. Giai đoạn phục hồi lâu dài và kiêng rượu

Thành công của điều trị hội chứng cai rượu phụ thuộc vào động cơ thúc đẩy cá nhân ngừng uống

rượu. Phải kết nối bệnh nhân nội trú với một người bảo trợ của chương trình phục hồi trong cộng đồng. Nếu bệnh nhân kiên quyết từ bỏ sử dụng rượu (điều đó có thể thực hiện và nhiều người đã làm được) thì không cần sự giúp đỡ của bất kỳ chương trình nào. Đó là một ưu điểm của nhận thức bản năng, khi mà họ nhận ra rằng rượu nguy hại đối với họ, họ cần tránh xa nó và giữ khoảng cách với những người mời hay thuyết phục họ uống rượu.

Một số liệu pháp khác cũng thành công trong việc hỗ trợ sự nỗ lực của những cá nhân nghiện rượu để kiểm soát những vấn đề của họ trong cuộc sống, ví dụ khuynh hướng phi tâm linh.

1.5.3. Thuốc chống tái nghiện

- Thuốc dự phòng disulfiram (antabuse) có thể có hiệu quả thúc đẩy bệnh nhân và sử dụng sáng tạo trong những tình huống có nguy cơ cao để chống tái nghiện. Liều thường dùng là 250mg/ngày. Bệnh nhân phải được cảnh báo về các tương tác của nó với rượu và chức năng gan phải được theo dõi.

- Acamprosat (campral) và naltrexon (revia) có hiệu quả vừa phải trong việc chống tái nghiện ở những bệnh nhân nghiện rượu.

+ Acamprosat được dùng với liều 666mg x 3 lần/ngày và nó tương đối ít tác dụng phụ, nó làm tăng thêm 20% tỷ lệ thành công (kiêng rượu trong 1 năm).

+ Naltrexon (một chất đối kháng opioid) có tác dụng làm giảm sự thèm muốn rượu và khả năng chống tái nghiện toàn diện. Bằng cách phong bế các thụ thể opioid, naltrexon phong bế hưng phấn chính thường gây ra bởi rượu ở những người nghiện rượu, theo đó làm giảm hành vi thông thường là sẽ tăng dần lượng rượu uống. Liều dùng của naltrexon nên được chuẩn độ chậm bởi vì nó có những tác dụng phụ đáng kể lên dạ dày, ruột cũng như góp phần làm tăng enzym gan. Do đó, phải thận trọng theo dõi chức năng gan khi cho bệnh nhân dùng naltrexon. Các thuốc này đều không được khuyến cáo trong trường hợp thiếu một liệu pháp tâm lý xã hội.

Hiện nay, naltrexon có dạng phóng thích chậm, 150mg tiêm bắp mỗi tháng có hiệu quả hơn giả dược.

Một phần của tài liệu Vấn đề rối loạn tâm thần, hành vi và tổn thương cơ thể do nghiện rượu: Phần 1 (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)