II. HỘI CHỨNG CAI RƯỢU VÀ SẢNG RƯỢU CẤP
1. Lâm sàng và điều trị hội chứng cai rượu
1.2. Đánh giá lâm sàng
Khi đánh giá lâm sàng, điều quan trọng là phải tập hợp nhiều nguồn thông tin có sẵn về mức độ sử dụng rượu của bệnh nhân và hoàn cảnh phải vào khoa cấp cứu; chú ý thêm những biểu hiện trong thời gian gần về việc tự sát, tỷ lệ tự sát cao ở những bệnh nhân có dấu hiệu của trầm cảm và sự tuyệt vọng.
1. Xem Đỗ Xuân Tĩnh, Cao Tiến Đức: "Đặc điểm lâm sàng các rối loạn tâm thần của hội chứng cai rượu", Tạp chí Y dược các rối loạn tâm thần của hội chứng cai rượu", Tạp chí Y dược học quân sự, số 6/2010.
Bệnh nhân nghiện rượu thường có cảm giác tội lỗi sâu sắc về vấn đề của họ và có thể tự nhiên lo lắng. Vì vậy, cần tiếp cận những bệnh nhân này với sự tôn trọng và cố gắng làm cho họ dễ chịu, biểu lộ một thái độ không phán xét bằng cả lời nói và các cử chỉ phi ngôn ngữ.
Hỏi bệnh nhân nếu họ có những đau đớn cơ thể và nếu họ có bất kỳ nỗi lo lắng đặc biệt nào mà họ muốn giải tỏa (như là sự an toàn của những hành khách khác trên chiếc xe có thể bị đổ, những hành vi phạm luật và/hoặc bạo lực họ đã phạm phải trong suốt thời kỳ nghiện rượu mà họ không thể hồi tưởng).
Khi khám bệnh nhân, nên để họ tự kể về bệnh sử mà không bị ngắt quãng nếu có thể. Cách tiếp cận mở này giúp bác sĩ có thể thu nhiều dữ liệu.
Nếu bệnh nhân thờ ơ hoặc có vẻ trong tình trạng mê sảng, vấn đề sống còn là lập tức xác định nồng độ cồn và định lượng nồng độ đường máu. Để tránh tiến triển của hội chứng Wernick (như mất điều hòa, liệt vận nhãn, mất định hướng, liệt nhẹ cơ thẳng bụng), nên chỉ định tiêm bắp hoặc đường tĩnh mạch vitamin B1 100mg trước khi truyền dịch hoặc cho ăn thức ăn giàu năng lượng.
Trong suốt vài phút đầu hỏi bệnh, chú ý sự có mặt của các dấu hiệu gợi ý ở vòng cổ tay, mắt cá hoặc cổ.
Nếu bệnh nhân thức tỉnh và định hướng được nhưng biểu lộ rõ các dấu hiệu của hội chứng cai như run và tăng nhịp tim..., nên tiêm bắp, tĩnh mạch hoặc uống benzodiazepin trước khi tiến hành hỏi bệnh, điều này có thể tốn thêm chút ít thời gian.
Xác định xem lần uống rượu gần nhất là khi nào và kiểm tra xem các xét nghiệm đã được làm hay chưa. Nếu cần, chỉ định định lượng mức độ cồn trong máu, xét nghiệm ma túy trong nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa, tổng phân tích máu, xét nghiệm chức năng gan, thời gian PT và PTT.
Đây cũng là thời điểm tốt để xem xét lại tiền sử và xác định xem liệu bệnh nhân có dùng ma túy đường phố và/hoặc các thuốc được kê đơn mà chúng có thể có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của họ. Ví dụ tăng huyết áp và tăng nhịp tim có thể do hội chứng cai nhưng nó cũng có thể là do sự trở lại của việc quên liều clonidin hoặc chẹn beta đang dùng. Tiền sử sảng rượu là một yếu tố nguy cơ trong sự tái diễn tình trạng nguy hiểm này.
Khi tiến hành kiểm tra trạng thái tâm thần, cần tìm biểu hiện của trầm cảm, ảo giác, hoang tưởng, vấn đề về trí nhớ, vấn đề về nhận thức cụ thể. Tuy nhiên, các test về nhận thức, trí nhớ có thể bị ảnh hưởng bởi lo lắng liên quan đến hội chứng cai và hoàn cảnh bắt buộc phải đến khoa cấp cứu.
Nếu bệnh nhân trầm cảm, hãy hỏi về ý tưởng tự sát hoặc ý định giết người và bất kỳ kế hoạch đặc biệt nào cho những hành động này.
Run là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của hội chứng cai và có khuynh hướng phát triển trong 6 đến 8 giờ sau khi giảm đáng kể lượng rượu uống vào.
Các triệu chứng có thể tiến triển tới ảo thị, cơn co giật sau 12 đến 24 giờ tiếp theo hội chứng cai. Các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn, nôn, tăng kích thích, mất ngủ, dễ hốt hoảng, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn.
Ngoài ra, có thể còn có các triệu chứng khác như kích thích thần kinh tự chủ (tăng nhịp tim, tăng huyết áp, vã mồ hôi).