Ngày 01/02/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định đổi tên Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức 02 ngày (28-29/3/1988) tại Hà Nội với 613 Đại biểu thay mặt hơn 10 triệu hội viên toàn quốc về dự. Đại hội đã thông qua “quyết tâm thư” gửi BCH Trung ương Đảng, trong đó có nội dung: “vận động mọi thành phần và tầng lớp nông dân ở tất cả các vùng miền của đất nước phát huy mọi khả năng, tận dụng mọi thuận lợi, ra sức khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện để có nhiều nông sản hàng hóa, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của xã hội và từng bước cải thiện đời sống cho nông dân…” (1) Đại hội Đại biểu “Hội Nông dân Việt Nam” lần thứ nhất đánh giá một bước ngoặt mới của phong trào Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn Việt Nam. Từ đây nông dân có tiếng nói chính thống đối với vận hội của đất nước trên bước đường đổi mới.
Ngày 05/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 NQ/TW về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Tinh thần Nghị quyết 10 chỉ rõ: “cơ chế quản lý HTX được đổi mới trên cơ sở điều chỉnh quan hệ sở hữu (giao ruộng khoán ổn định 15 năm cho hộ xã viên, những tài sản cố định mà HTX quản lý kém hiệu quả được chuyển nhượng hoặc khoán cho xã viên)”, “xóa chế độ phân phối theo công điểm. Mức khoán của HTX giao cho xã viên được ổn định trong 5 năm và chỉ được sửa đổi khi điều kiện vật chất, kỹ thuật thay đổi. Các hộ xã viên được quyền tự chủ kinh tế”. Được Nghị quyết 10 soi sáng, nông dân Hậu Giang đã tự chủ vươn lên làm ăn ngày càng khởi sắc. Tình hình đó đã giảm dần số người bỏ quê hương đi buôn bán, làm ăn ở xa mà ai nấy đều thi nhau làm giàu ngay trên mãnh đất của mình. Phong trào nông dân sản xuất giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình, mở rộng ngành nghề thủ công, bắt đầu khởi sắc.
Ở Hậu Giang, nông dân thi đua nhau mở rộng diện tích lúa cao sản, tiêu biểu là xã Trường Khánh (Long Phú), mở rộng diện tích trồng cây cho hiệu quả kinh tế cao ở Kế Sách, mở rộng diện tích nuôi tôm ở những vùng nước lợ (trồng lúa kém hiệu quả) sang chuyên canh nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú…Nhờ đó Hậu Giang đóng góp cho Nhà nước về lương thực, thực phẩm từ đạt tới vượt chỉ tiêu (2) mỗi năm.
(1). Trích trang 503 – sách đã dẫn.
(2). Năm 1988 cả nước còn phải nhập hơn 45 vạn tấn gạo thì năm 1989 cả nước đạt 21,5 triệu tấn lương thực. Chẳng những VN đã tự đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước mà còn có gạo XK.
Năm 1990, tình hình Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đỗ, nhiều hợp đồng kinh tế nước ta với các nước này bị hủy bỏ. Tình hình đó làm cho các mặt hàng xuất khẩu của ta bị ứ đọng và ngược lại hàng vật tư, nguyên liệu phục vụ cho phát triển kinh tế trong nước thiếu thốn nghiêm trọng, giá các mặt hàng: phân đạm, thuốc trừ sâu, xăng dầu…tăng cao đột biến. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp đổ dồn về quê gây ra ở nông thôn quá tải về ăn, mặc, ở…Nhân cơ hội này, bọn phản động câu móc, hoạt động gây chia rẽ trong nội bộ Đảng và nhân dân nói chung, đáng ngại nhất là một số cán bộ cơ hội công khai đặt vấn đề “Đa nguyên - Đa Đảng”.
Một lần nữa, giai cấp nông dân Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng vẫn kiên định lập trường, tư tưởng, thể hiện tính truyền thống “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ giai cấp công nhân vượt qua sự “khủng hoảng” việc làm ở nhà máy, xí nghiệp bằng cách nhường đất cho họ sản xuất kiếm lúa để ăn. Thậm chí bà con nông dân còn cùng với chính quyền ấp, xã cho cơ quan, xí nghiệp mượn đất sản xuất, cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức cơ quan lúc khó khăn này.
Tại Hậu Giang, trong quá trình sắp sếp lại sản xuất lại phát sinh mâu thuẫn mới giữa nông dân với chính quyền về sử dụng đất đai nông nghiệp. Nổi cộm nhất là huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú nông dân đòi nhà nước trả ruộng đất cũ lại cho nông dân. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh đã quyết định giao ruộng đất về hộ gia đình, dựa trên cơ sở khoán cho nông dân canh tác. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tháng 3/1990 Hội nghị liên tịch giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp + Bộ Công nghiệp thực phẩm đã chính thức phát động “phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” khắp toàn quốc. Để đánh dấu sự đóng góp to lớn của Hội Nông dân qua các thời kỳ cách mạng ngày 17/01/1991 Bộ Chính trị quyết định lấy 14/10/1930 là ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
Đứng trước khó khăn đó, Hội nghị lần thứ III BCH Trung ương họp và quyết định: Phải đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Đề xuất với Quốc hội miễn thuế nông nghiệp cho nông dân (theo di chúc của Bác Hồ).
Năm 1990, Quốc hội khóa VII họp đã thông qua những vấn đề có tính chiến lược đó và kêu gọi đồng bào cả nước hưởng ứng đợt thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng 100 năm ngày sinh Bác Hồ vĩ đại. Đặc biệt, đầu năm 1990, Hậu Giang chấm dứt hiệp ước giúp tỉnh Kông-pông-chư-năng kết nghĩa, rút hết chuyên gia và quân đội về nước, trao quyền tự chủ cho chính quyền và quân đội tỉnh bạn. Bằng một loạt tin vui đó đến với nông dân Hậu Giang, làm cho mọi người phấn khởi, hăng hái thi đua sản xuất theo mô hình mới mà Đại hội nông dân tỉnh Hậu Giang đặt ra.