VII. Nông dân và Hội Nông dân SócTrăng hăng hái thi đua đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng lần thứ VI,
KẾT LUẬN VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM
Suốt thời gian khai hoang, mở đất nông dân Sóc Trăng phát huy tốt tinh thần đoàn kết, sống chết có nhau chống rắn độc, thú dữ để sinh tồn; đào kênh khơi ngòi để phát triển sản xuất; chống thực dân phong kiến đòi lại ruộng đất giành quyền làm chủ. Nhưng do chưa được tổ chức chặt chẽ, những cuộc đấu tranh của nông dân đều bị đàn áp, bị dìm trong biển máu và tất cả đều bị thất bại.
Từ khi có Đảng, dưới sự lãnh đạo và tổ chức của các Chi bộ phong trào đấu tranh của nông dân chống sưu cao thuế nặng với bọn thực dân phong kiến ngày càng quyết liệt, hiệu quả làm cho kẻ thù thất điên bác đảo. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của nông dân Hòa Tú (1940) đã để lại cho cách mạng một ý nghĩa sâu sắc, một kinh nghiệm quý báu trong tổ chức nông dân đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân sát cánh bên nhau đứng lên giành chính quyền (tháng 8/1945) khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhà nước Công nông đầu tiên Đông Nam Á. Sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc hưởng chưa được bao lâu, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu, chống giặc Pháp xâm lược lần thứ 2.
9 năm kháng chiến chống Pháp, kẻ thù tập trung mọi âm mưu thâm độc, chúng áp dụng chính sách “đốt sạch, giết sạch, phá sạch” làm cho vùng nông thôn kháng chiến trở nên tiêu điều. Để giành lấy thắng lợi, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể tổ chức chăm lo cuộc sống của người dân, tạm cấp ruộng đất cho nông dân để tăng gia sản xuất nuôi quân. Trong chiến đấu gian khổ ác liệt, Hội Nông dân cứu quốc Sóc Trăng đã từng bước trưởng thành, là lực lượng hùng hậu và là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Hội đã tuyên truyền vận động nông dân một lòng theo Đảng dù phải tù đày, hy sinh, nhà tan cửa nát. Trong phong trào đấu tranh Cách mạng, nông dân SócTrăng không những tham gia lực lượng vũ trang trực tiếp cầm súng đánh giặc, mà còn tham gia dân công hỏa tuyến, dân công tải lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường, xây dựng hậu phương, xây dựng vùng căn cứ kháng chiến, với quyết tâm bám đất, giữ làng, kháng chiến đến ngày thắng lợi.
Chiến thắng 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước là trang sử hào hùng nhất của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong chiến thắng chung đó, nhân dân Sóc Trăng mà lực lượng đông đảo nhất của cách mạng qua các thời kỳ là nông dân. Nông dân luôn là những người phải chịu nhiều tổn thất nặng nề nhất của cuộc chiến tranh, vì mọi chiến lược chiến tranh của địch đều bình định cho được nông thôn, giành quyền kiểm soát nông thôn, nắm được nông dân thì mới giành được thắng lợi. Do đó giữa ta và địch giành nhau từng người dân, từng xóm ấp. Trải qua thử thách chiến tranh, Hội Nông dân giải phóng có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các phong trào nông dân làm cho nông dân tin tưởng và gắn bó với tổ chức Hội. Hội đã động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, nông dân
Sóc Trăng tự giác chấp nhận hy sinh gian khổ, gan gốc chịu đựng và phát huy tốt truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho kháng chiến, động viên chồng, con, em tham gia lực lượng vũ trang, kiên cường bám trụ, xây dựng làng xã chiến đấu chống địch càn quét, bảo vệ căn cứ Cách mạng góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân tỉnh nhà.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đưa nước ta đến thống nhất và đi lên CNXH. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, giai cấp nông dân Sóc Trăng khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng tổ chức lại cuộc sống, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi mang lại màu xanh cho đồng ruộng. Từ chỗ bị tàn phá nặng nề của chiến tranh, chỉ sau 02 năm (1975-1976), hầu hết các xã ở nông thôn sản xuất đã được khôi phục, ăn ở, đi lại, học hành, từng bước ổn định, xây dựng nông thôn ngày càng phát triển.
Cuộc sống hòa bình chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, nông dân Sóc Trăng (lúc đó là Hậu Giang) cùng nhân dân trong tỉnh dồn sức bảo vệ Tổ quốc và cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng với tinh thần lá lành đùm lá rách, nông dân đóng góp giúp nhân dân biên giới chạy về lánh nạn.
Sau khi giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do bọn Pôn-Pốt gây ra, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ Hậu Giang giúp tỉnh Kom-Pong-Chư-Năng chí tình chí nghĩa suốt 10 năm (1979-1989).
Trong thời kỳ (1975-1985), cùng các tầng lớp nhân dân, nông dân và Hội Nông dân Hậu Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh dốc toàn lực vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng nền kinh tế - xã hội theo Nghị quyết đại hội lần thứ IV và V của Đảng, chủ yếu là lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trọng tâm, Hậu Giang không những tự lực được lương thực mà còn làm nghĩa vụ đối với Trung ương, đặt tiền đề cho sự phát triển mới.
Tuy nhiên do bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Hậu Giang cũng có một số khuyết điểm, nhất là phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, lãnh đạo quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội chậm đổi mới đã gây khó khăn và làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội.
Từ thực tiễn cuộc sống, Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đề ra đường lối đổi mới về kinh tế, từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN.
Với đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội Nông dân các cấp ra sức vận động nông dân khôi phục sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT, thâm canh tăng vụ. Vì thể sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Từ chỗ sản xuất độc canh cây lúa, nông dân SócTrăng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt đất đai để sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển.
Để góp phần phát triển nông nghiệp, ngay từ năm 1976, các cấp ủy Đảng bắt tay xây dựng các nguồn lực trong nông dân, sức sản xuất được giải phóng, làm cho sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo điều kiện cho việc tiến hành xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng ở nông thôn như: giao thông, trường học, trạm xá, thủy lợi, điện…bằng nguồn vốn nhà nước và nhân dân cùng làm. Đời sống nông dân nhiều vùng được cải thiện rõ rệt từ ăn, ở, đi lại, học hành, hưởng thụ văn hóa…nạn đói được đẩy lùi, số hộ trung bình, khá ngày càng tăng, hộ nghèo giảm dần. Một số hộ có vốn, có lao động, có kinh nghiệm sản xuất trở nên giàu có nhờ sản xuất nông nghiệp. Điều đó đã làm thay đổi vùng nông thôn với vô vàn khó khăn của cuộc chiến tranh, đó là hiện thực của cuộc sống thực tế mà bất kỳ người nông dân Sóc Trăng nào cũng không được quyền phủ nhận.
Qua những chặng đường phát triển của phong trào nông dân và Hội Nông dân Sóc Trăng (1930-2008), rút ra những kinh nghiệm truyền thống như sau: