Hạn mức tín dụng là mức dư nợ tối đa mà Ngân hàng trung ương buộc các tổ chức tín dụng phải tôn trọng khi cấp tín dụng cho nền kinh tế để hạn chế việc tạo tiền quá mức của các ngân hàng thương mại làm tăng tổng khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế.
Công cụ này áp dụng từ năm 1994, xuất phát từ thực tế lạm phát có xu hướng tăng cao, tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh. Trong điều kiện thị trường thứ cấp chưa phát triển, ngân hàng Nhà nước chưa thể sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở, ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ hạn mức tín dụng để hạn chế số nhân tiền tệ, qua đó kiểm soát sự gia tăng của tổng phương tiện thanh toán. Việc áp dụng công cụ hạn mức tín dụng từ năm 1994 đến 1997 đã góp phần kiểm soát mức độ gia tăng của tổng phương tiện thanh toán, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, hạn mức tín dụng là công cụ điều hành mang tính trực tiếp, chỉ được phân bổ đối với một số các ngân hàng thương mại nên phần nào hạn chế tính công bằng trong cạnh tranh. Từ 1998 đến nay, trong điều kiện nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất lớn, lạm phát có xu hướng giảm thấp, việc áp dụng công cụ này phần nào ảnh hưởng đến việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Từ quý II/1998, ngân hàng Nhà nước quyết định không sử dụng hạn mức tín dụng như là một công cụ thường xuyên trong điều hành chính sách tiền tệ, chỉ dùng đến khi cần hạn chế sự gia tăng tín dụng nhanh chóng có nguy cơ lạm phát cao.