Công cụ tái cấp vốn

Một phần của tài liệu Ngân hàng trung ương và hiệu quả trong điều hành Chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Trang 41)

Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng có bảo đảm của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng bao gồm các hoạt động: chiết khấu, tái chiết khấu các chứng từ có giá, cho vay có đảm bảo bằng các chứng từ có giá.

Công cụ tái cấp vốn đã được từng bước đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả điều tiết tiền tệ của công cụ này, tỷ trọng tái cấp vốn theo hình thức thế chấp các chứng từ có giá tăng dần, tỷ trọng tái cấp vốn theo mục tiêu chỉ định ngày càng giảm. Bên cạnh hai hình thức tái cấp vốn trên, từ năm 1991 ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cho vay bù trừ – một hình thức tái cấp vốn ngắn hạn đối với các ngân hàng thương mại để bù đắp thiếu hụt thanh toán tạm thời. Trong hình thức cho vay thế chấp chứng từ thì chứng từ thế chấp từ chỗ chỉ gồm: tín phiếu kho bạc chưa đến hạn thanh toán, khế ước cho vay ngắn hạn; sau được mở rộng đối với cho vay thế chấp bằng ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi của tổ chức tín dụng tại ngân hàng Nhà nước. Quy định về lãi suất tái cấp vốn cũng được từng bước đổi mới phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Từ năm 1994 đến đầu năm 1997, lãi suất tái cấp vốn được quy định theo tỷ lệ phần trăm trên lãi suất cho vay áp dụng đối với dự án cho vay của tổ chức tín dụng. Nhưng từ cuối tháng 5/1997, lãi suất tái cấp vốn được xác định mức cụ thể để phù hợp với thông lệ quốc tế và để cung cấp tín hiệu về mục tiêu chính sách tiền tệ (nới lỏng hay thắt chặt). Đặc biệt từ năm 1999, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường và phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.

Một phần của tài liệu Ngân hàng trung ương và hiệu quả trong điều hành Chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Trang 41)