Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu VuThiHang- Luan Van - Lan 3 (hoan chinh) (Trang 39 - 40)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.1. Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tại khoản 4 Điều 2 quy định người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy Luật BHXH năm 2014 đã bỏ quy định về tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, tạo điều kiện cho những đối tượng đã hết tuổi lao động (nam từ đủ 60 tuổi trở lên và nữ từ đủ 55 tuổi trở lên) nhưng có nhu cầu và đủ điều kiện được tham gia BHXH tự nguyện. Đây được đánh giá là điểm mới nổi bật và mang tính ưu việt của Luật BHXH năm 2014, góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Theo khoản 3 Điều 5 Luật BHXH năm 2014: Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, Luật BHXH năm 2014 cho phép người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, nay không thuộc diện tham gia tiếp BHXH bắt buộc thì có thể lựa chọn việc tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian đóng BHXH cho tới khi đủ điều kiện hưởng hưu trí theo luật định. Quy định này của pháp luật đã đáp ứng được nhu cầu cho đông đảo đội ngũ lao động làm việc ở cấp xã như: cán bộ đài truyền thanh, trạm y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình,... là đối tượng có thời gian đóng BHXH bắt buộc nhưng lúc nghỉ công tác thường chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí mà chỉ được hưởng chế độ BHXH một lần.

Hiểu một cách đơn giản thì pháp luật Việt Nam quy định những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là đối tượng tham gia loại hình BHXH tự nguyện. Việc quy định đối tượng tham gia theo phương pháp loại trừ là nhằm mục đích hướng tới bao trùm các đối tượng tham gia BHXH. Mặt khác, pháp luật cũng cho phép những người trước đây đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng vì nhiều lý do khách quan nay không tham gia BHXH bắt buộc nữa được phép chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian đóng BHXH, tạo điều kiện cho họ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Mặt khác, từ quy định trên có thể thấy, chỉ công dân Việt Nam mới được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Quy định này đã “bỏ ngỏ” đối tượng người nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có nhu cầu tham gia, hạn chế một nguồn thu quỹ. Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế và thực tiễn các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia… đều có quy định cho phép người nước ngoài được tham gia BHXH tại nước họ. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế thì việc quy định áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội đối với công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà nước đó có ký Hiệp định song phương với Việt Nam về lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Một phần của tài liệu VuThiHang- Luan Van - Lan 3 (hoan chinh) (Trang 39 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)