Định hướng hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành

Một phần của tài liệu VuThiHang- Luan Van - Lan 3 (hoan chinh) (Trang 67 - 71)

6. Kết cấu của luận văn

3.1. Định hướng hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành

về bảo hiểm xã hội tự nguyện tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Thứ nhất, tăng cường tính linh hoạt cho các quy định về BHXH tự nguyện

Pháp luật về BHXH tự nguyện theo Luật bảo hiểm xã hội 2014 đã có nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung tích cực so với pháp luật về BHXH tự nguyện theo Luật bảo hiểm xã hội 2006. Theo đó, Luật bảo hiểm xã hội 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện khi quy định bỏ mức tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, các chế độ được mở rộng hơn khi rút ngắn thời gian và điều kiện hưởng các chế độ, phương thức đóng được bổ sung linh hoạt, thủ tục hành chính liên quan đến BHXH tự nguyện được rút gọn, cải cách một cách tích cực; các quy định về vi phạm pháp luật BHXH tự nguyện dần được hoàn thiện, chặt chẽ.

Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai thực hiện, nhiều quy định về BHXH tự nguyện hiện nay còn có biểu hiện của sự cứng nhắc: đối tượng người nước ngoài chưa được quy định là đối tượng tham gia của BHXH tự nguyện; các chế độ gần gũi với cuộc sống NLĐ như thai sản, tai nạn, ốm đau chưa được BHXH tự nguyện quy định; phương thức đóng phí chưa phù hợp với một số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như những người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp mà chu kỳ sản xuất dài có thể là một năm hoặc vài năm, hoặc những người làm việc theo thời vụ; quy định về gia tăng nguồn quỹ BHXH tự nguyện còn chưa linh hoạt, nguồn quỹ bị hạn hẹp không thể phát triển, mất cân đối nguồn quỹ khiến cho việc chi trả BHXH tự nguyện bị hạn chế; các thủ tục dù đã có những quy định cải cách nhưng nhìn chung còn rườm rà, phức tạp; các quy định xử phạt chủ yếu là xử phạt hành chính, mức xử phạt còn thấp nên chưa có tính răn đe. Do vậy, các quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện nếu chỉ cho người lao động biết về BHXH tự nguyện tốt đẹp như thế nào với cuộc sống của họ thôi thì chưa đủ, các quy định cần linh

hoạt hơn, phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh sống của người lao động, có như vậy họ mới có cơ sở để tự nguyện tham gia. Vậy, pháp luật về BHXH tự nguyện cần có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế.

Đồng thời, quy định pháp luật phải đảm bảo dễ dàng chuyển đổi từ loại hình BHXH tự nguyện sang loại hình BHXH bắt buộc và ngược lại. Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phải có quy định đóng góp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với nghề nghiệp, thu nhập, khả năng kinh tế của người lao động. Người lao động có quyền thay đổi mức đóng góp phù hợp với khả năng của mình ở từng thời kỳ hoặc có thể tạm ngừng đóng góp khi có khó khăn và sau đó đóng bù.

Thứ hai, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước

Đảm bảo an sinh xã hội đã được Đảng Cộng sản Việt Nam coi là một nhiệm vụ quan trọng của công cuộc đổi mới đất nước. Hơn 30 năm đổi mới, cùng với những thành tựu trong đổi mới kinh tế - xã hội, đường lối lãnh đạo của Đảng về xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội cũng có nhiều đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương thức thực hiện theo hướng ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn. Điều này đã được thể hiện rõ trong các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ đại hội. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với mục tiêu tổng quát nêu rõ: “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”. Quan điểm nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế phải song song với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng

sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm đồng thời tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng, linh hoạt. Cùng với đó, Nghị quyết TW7 cũng nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức.

Hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện chưa thu hút được người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động tham gia. Hơn nữa, nước ta là một nước nông nghiệp, lao động ở nông thôn chiếm tỷ trọng cao. Do đó, yêu cầu thúc đẩy sự tham gia của các nhóm lao động này là hết sức cần thiết, tuy nhiên, các điều kiện thủ tục, cơ chế pháp lý của BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn và thu hút được người lao động.

Thứ ba, bảo đảm phù hợp với xu hướng chung của pháp luật quốc tế

Việc gia nhập WTO sẽ có tác động trực tiếp, toàn diện vào thị trường trong nước. Sự tác động này sẽ tạo ra một động lực mới, một không gian mới cho sự cạnh tranh và phát triển. Do vậy việc ra nhập WTO chính là nhằm đặt Việt Nam vào trong xu thế tiếp tục cải cách kinh tế - xã hội và tăng trưởng hơn nữa. Ngược lại, là thành viên WTO, Việt Nam phải chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế để thực thi cải cách cần thiết như: cải cách hệ thống quản lý hành chính, cải cách hệ thống pháp luật, trong đó có hoạt động BHXH. Để xây dựng hệ thống các chế độ BHXH tự nguyện phù hợp, chúng ta cần kế thừa những tri thức về BHXH của thế giới, có sự học hỏi từ các quốc gia phát triển.

Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng như gia tăng các chế độ của BHXH tự nguyện là điều cần thiết đối với BHXH tự nguyện tại Việt Nam. Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia trên thế giới khi quy định nhiều chế độ khác nhau cho người lao động lựa chọn tùy theo khả năng và nguyện vọng, đồng thời quy định BHXH tự nguyện được thực hiện dưới 2 dạng là BHXH tự nguyện cho những đối tượng chưa có điều kiện tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự

nguyện cho những đối tượng đã tham gia BHXH bắt buộc có nhu cầu được đảm bảo cao hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần học hỏi cách thức quản lý nguồn vốn nhàn rỗi của BHXH, học hỏi các quốc gia phát triển trong việc đầu tư sinh lời những nguồn vốn nhàn rỗi nhằm gia tăng quỹ BHXH. Ngoài ra, xu thế áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý BHXH cũng là một trong những xu thế được các nước trên thế giới áp dụng khá nhiều bởi sự đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả mà nó đem lại.

Qua nghiên cứu cho thấy vấn đề con người, phát triển và quản lý nguồn nhân lực quốc gia rất được chú trọng và có chính sách, chiến lược đầu tư, phát triển đúng hướng, cụ thể. Đây là bài học kinh nghiệm tốt cho nước ta trong chính sách phát triển con người nói chung và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thị trường lao động nói riêng. Hệ thống các chính sách, pháp luật, chế độ về an sinh xã hội được xây dựng trên những nguyên lý khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu lâu dài là con người, ổn định xã hội để phát triển và coi trọng các giá trị nhân bản, truyền thống. Điểm chung trong triết lý về an sinh xã hội trên thế giới đó là: “Không có gì miễn phí toàn bộ, mọi chế độ thụ hưởng đều phải có trách nhiệm và sự đóng góp của tất cả các cá nhân trong xã hội”. Vì vậy, đối với Việt Nam, điều căn bản hiện nay là làm sao đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và tác động của an sinh xã hội để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người dân nhằm hướng tới một chính sách an sinh xã hội tốt hơn vừa đảm bảo tính hỗ trợ của Nhà nước, nhưng cũng đề cao tính chia sẻ của cá nhân, cộng đồng. Vì vậy, trước yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, phù hợp với yêu cầu an sinh xã hội thì cần phải hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, trong đó có chế độ BHXH tự nguyện.

Thứ tư, đảm bảo công bằng trong bảo vệ thu nhập của mọi người lao động

Để phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, các loại hình BHXH nói chung và loại hình BHXH tự nguyện nói riêng cần đảm bảo công bằng trong bảo vệ thu nhập của mọi người lao động. Tính công bằng cần được nhìn nhận cả trong vấn đề đảm bảo quyền được tham gia BHXH của mọi đối tượng lẫn vấn đề về quyền lợi cho đối tượng tham gia loại hình BHXH tự nguyện.

Sự ra đời của loại hình BHXH tự nguyện đã phần nào giải quyết được vấn đề thứ nhất, khi mà lần đầu tiên những người lao động trong khu vực phi chính thức có cơ hội tham gia đóng góp để thụ hưởng các chế độ BHXH. Tuy nhiên, việc BHXH tự nguyện hiện chỉ quy định hai chế độ hưu trí và tử tuất đã hạn chế quyền thụ hưởng của người tham gia BHXH tự nguyện so với người tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về BHXH tự nguyện phải đặt ra yêu cầu đảm bảo tính phù hợp và công bằng so với BHXH bắt buộc. Chúng ta cần xem xét tới việc từng bước mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia được hưởng đầy đủ các chế độ ngắn hạn và dài hạn, từ đó tăng tính hấp dẫn cho loại hình BHXH tự nguyện, khuyến khích sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, việc mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện cần có lộ trình cụ thể để tránh rủi ro trong điều kiện không có sự tham gia của giới chủ, tránh tình trạng vỡ quỹ. Ngoài ra, vấn đề công bằng cần được đặt ra giữa những người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện, pháp luật về BHXH tự nguyện cần đảm bảo nguyên tắc có đóng - có hưởng, đảm bảo tính tương thích giữa mức đóng và mức hưởng,… Đặc biệt, cần đảm bảo việc chi trả các chế độ BHXH đúng đối tượng, đúng mức hưởng.

Một phần của tài liệu VuThiHang- Luan Van - Lan 3 (hoan chinh) (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)