6. Kết cấu của luận văn
2.1.3. Về mức phí và phương thức đóng phí bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định hiện hành, pháp luật không tách riêng quỹ BHXH tự nguyện mà quy định chung trong quỹ hưu trí và tử tuất cùng BHXH bắt buộc. Quy định như vậy là hợp lý bởi cùng chung mục đích BHXH và bảo đảm công bằng, thống nhất cho NLĐ hưởng lương hưu và cho thân nhân của họ hưởng chế độ tuất một cách ổn định, lâu dài. Theo đó, pháp luật quy định cụ thể về mức phí đóng và phương thức đóng BHXH tự nguyện.
2.1.3.1. Về mức phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện đóng phí theo quy định tại Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, NLĐ “.. hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở”.
Như vậy mức đóng BHXH tự nguyện có sự khác biệt so với BHXH bắt buộc, cụ thể: mức đóng của BHXH bắt buộc được xác định trên cơ sở tiền công, tiền lương của người lao động và không bị khống chế mức tối đa cũng như mức tối thiểu; còn mức đóng BHXH tự nguyện được xác định trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng phải nằm trong giới hạn.
Hiện nay mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng (tính từ tháng 7/2019), như vậy mức tối thiểu mà người tham gia BHXH tự nguyện đóng là 154.000 đồng/tháng và mức tối đa là 6.556.000 đồng/tháng. Theo quy định trên, việc xác định mức đóng BHXH tự nguyện trên cơ sở thu nhập của NLĐ sẽ do họ lựa chọn trong khoảng mức thu nhập từ tối thiểu đến tối đa theo quy định của pháp luật. Về thực tế, tâm lý chung của NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện thông thường là chọn mức đóng thấp nhất, mặc dù khi tham gia BHXH tự nguyện họ phải có thu nhập ở ngưỡng nhất định để ngoài việc bảo đảm chi tiêu hàng ngày cho cuộc sống còn có thể tiết kiệm một khoản để đóng BHXH. Sự nhận thức của NLĐ trong việc đóng BHXH thấp sẽ ảnh hưởng đến việc hưởng thụ lương hưu sau này của chính họ và khả năng cân đối quỹ. Thiết nghĩ, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần phải tính
toán cụ thể, cần có ràng buộc nhất định để làm sao thu nhập do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn gần đúng hoặc sát với thu nhập thực tế của họ. Từ đó tránh quan niệm cho rằng, BHXH tự nguyện là một hình thức BHXH chỉ dành cho những NLĐ có thu nhập thấp trong xã hội.
Chính vì những khó khăn trong việc thực hiện BHXH tự nguyện nên Nhà nước đã đưa ra chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu từ ngày 01/01/2018. Căn cứ Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐCP, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác. Theo đó, mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngày 01/01/2018 là: 46.200 đồng/tháng với người nghèo, 38.500 đồng/tháng với người cận nghèo, 15.400 đồng/tháng với các đối tượng khác. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
2.1.3.2. Về phương thức đóngphí bảo hiểm xã hội tự nguyện
Người lao động đăng ký với tổ chức BHXH đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức sau đây: Hằng tháng; 03 tháng một lần (người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng vào bất kỳ ngày nào trong các phương thức đóng đã chọn); 06 tháng một lần (người tham gia có thể đóng tiền trong thời gian 4 tháng đầu); 12 tháng một lần (người tham gia có thể đóng tiền trong thời gian 7 tháng đầu); một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định trên cho đến khi
thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định.
Có thể thấy, phương thức đóng phí bảo hiểm xã hội tự nguyện cực kỳ linh hoạt, khi người tham gia có nhu cầu, nhân viên Bưu điện sẽ đến tận nhà để hỗ trợ thu phí, giúp người tham gia giảm thời gian đi lại.
Tuy nhiên, Luật bảo hiểm xã hội chưa qui định địa điểm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khi điều này lại quan trọng cho công tác thu do đặc thù của đối tượng tham gia. Các phương án về phương thức thu khác nhau phải được đưa ra để cơ quan bảo hiểm xã hội và người tham gia thống nhất như người tham gia trực tiếp đóng tại cơ quan bảo hiểm xã hội, nơi đăng ký tham gia; cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức thu theo đợt từng địa điểm nhất định vào từng mùa vụ để thuận lợi cho đối tượng đóng ở nông thôn; hoặc tùy vào đối tượng, cơ quan bảo hiểm xã hội khuyến khích người lao động tự do ở thành thị đóng bảo hiểm xã hội thông qua chuyển khoản bằng tài khoản cá nhân để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại.