Đánh giá về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tại vườn quốc gia tam đảo (Trang 46 - 49)

4.1.1.1. Điều kiện tự nhiên.

- Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng sông Hồng và và trung du miền núi phía Bắc, nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế và dịch vụ. Khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo có hệ thống giao thông như QL2, QL3; Các tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên; gần cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường xuyên Á (Nội Bài - Lao Cai) sẽ là những tiềm năng lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

- Đa dạng sinh học cao hội tụ của nhiều luồng thực vật nhiệt đới Đông nam châu Á, rừng á nhiệt đới Nam Trung Quốc và rừng Á nhiệt đới núi cao Đông Himalaya với 1.247 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 645 chi, 169 họ thực vật bậc cao có mạch; trong đó có 42 loài thực vật đặc hữu và 85 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ, trong đó 16 loài bị đe doạ ở cấp quốc gia; 17 loài ở cấp độ thế giới.

- Có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các di tích lịch sử, hệ thống đền chùa và điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành rất thuận lợi cho du lịch. Tam Đảo là một điểm nhấn quan trọng trong “Định hướng phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

4.1.1.2. Kinh tế - xã hội

Theo niên giám thống kê năm 2018, tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản khu vực Tam Đảo chiếm tỷ trọng trên 55%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 25-30% và dịch vụ, du lịch chiếm 20 - 25%.

- Ngành Nông nghiệp: Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đệm. Do lịch sử để lại, trong ranh giới vùng lõi vẫn còn hộ dân sinh sống. Diện tích đất nông nghiệp trong vùng lõi khoảng gần 300 ha.

- Ngành Công nghiệp và Xây dựng: Khu vực Tam Đảo không có các cơ sởsản xuất công nghiệp quy mô vừa và lớn hoạt động, hiện nay chỉ có: Nhà máy hoá chất Z95 (Quân đội Km 12 xã Hồ Sơn - Tam Đảo - Vĩnh Phúc) và một số các cơ sở khai thác đá xây dựng như: mỏ đá Minh Quang (Tam Đảo), mỏ đá Trung Mỹ (Bình Xuyên), mỏ đá Thiện Kế (Sơn Dương); các cơ sở khai thác quặng: Thiếc, Wonfram (Sơn Dương), song quy mô không lớn. Các cơ sở khai khoáng lớn như than Núi Hồng, khai khoáng Núi Pháo... đều ngoài phạm vi vùng đệm.

Ngoài những điều kiện thuận lợi trên, Vườn quốc gia Tam Đảo cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức sau:

- Áp lực quỹ đất phát triển kinh tế xã hội lên rừng đặc dụng khá lớn, tình trạng chồng lấn còn xuất hiện một số nơi, chưa được giải quyết dứt điểm;

- Đời sống người dân vùng đệm còn chưa cao, nguồn lao động dồi dào nhưng đa số là lao động nông, lâm nghiệp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo tồn và phát triển rừng.Giai đoạn 2015 - 2018, tăng trưởng kinh tế khu vực VQG Tam Đảo đạt 12 - 15%/năm, trong đó cao nhất là các huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (T.X Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Đảo) đạt khoảng 22%, sau đó đến 2 huyện Đại Từ (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang) đạt khoảng 11%/năm.

- Những hoạt động kinh tế lâm nghiệp trong vùng đệm của Vườn quốc gia Tam Đảo. Trong đó, chủ yếu là các tổ chức, công ty lâm nghiệp, cụ thể như sau:

Công ty lâm nghiệp Lập Thạch trực thuộc Tổng công ty nguyên liệu giấy Việt Nam. Diện tích quản lý là 1.525,9 ha, trên địa bàn 10 xã huyện Lập Thạch; gồm 7 đội sản xuất, 97 cán bộ nhân viên và hiện còn 01 đội sản xuất (Vĩnh Ninh) quản lý và kinh doanh 70,55 ha thuộc địa phận xã Đạo Trù - Tam

Đảo. Nhiệm vụ chính của công ty là sản xuất gỗ nguyên liệu giấy cho Nhà máy giấy Bãi Bằng.

Trung tâm phát triển Lâm-Nông nghiệp Vĩnh Phúc trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc. Diện tích quản lý 800 ha trên địa bàn 3 huyện: Tam Đảo, Tam Dương và Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Là đơn vị sự nghiệp có thu, có 65 cán bộ nhân viên. Nhiệm vụ chính hiện nay là thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp; bảo vệ rừng phòng hộ, bảo tồn nguồn gen và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật lâm nghiệp.

Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương, trực thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT Tuyên Quang, quản lý 5.831,85 ha trên địa bàn huyện Sơn Dương, hiện có 116 cán bộ nhân viên. Nhiệm vụ chính là trồng rừng gỗ nguyên liệu giấy và khai thác gỗ rừng trồng.

Công ty Lâm nghiệp Đại Từ, trực thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT Thái Nguyên, quản lý 1.700 ha trên địa bàn huyện Đại Từ, hiện có 29 cán bộ nhân viên. Nhiệm vụ chính là trồng rừng, chế biến lâm sản, sản suất cây giống lâm nông nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng

Trung tâm khoa học và dịch vụ lâm nghiệp Đông Bắc bộ, trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp &PTNT, quản lý khoảng 800 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Ngọc Thanh - TX Phúc Yên -Vĩnh Phúc.

Công ty Lâm nghiệp Phúc Tân, trực thuộc Công ty lâm nghiệp Đông Bắc-Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam, Lâm trường có một phần địa bàn sản xuất trên các xã Thành Công và Phúc Thuận (huyện Phổ Yên) thuộc vùng đệm VQG. Nhiệm vụ chính của lâm trường hiện nay là trồng rừng nguyên liệu gỗ trụ mỏ, gỗ ván dăm

Ngoài các đơn vị lâm nghiệp trên còn có một số tổ chức khác có sử dụng đất lâm nghiệp quy mô từ hàng chục đến vài trăm ha như: Trại giam Vĩnh Quang-Vĩnh Ninh (Đạo Trù) và có khá nhiều hộ gia đình có vườn rừng được giao đất lâm nghiệp theo Nghị Định 02/NĐ-CP đang hoạt động sản xuất lâm nghiệp khá hiệu quả.

- Thu nhập bình quân trên đầu người trung bình của khu vực VQG Tam Đảo xấp xỉ 22.000.000 VNĐ và có sự chênh lệch khá cao giữa các huyện. Theo đó, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên có mức thu nhập bình quân trên 30.000.000 VNĐ, kế đến là huyện Tam Đảo thu nhập bình quân đạt khoảng 28.000.000 VNĐ, trong khi đó Đại Từ và Sơn Dương ở mức thấp nhất, đạt gần 16.000.000 VNĐ. Đồng bào dân tộc sinh sống gần rừng ven chân núi Tam Đảo, tại các khu vực xa thu nhập còn thấp hơn nhiều.

Nguồn thu nhập chính của những hộ này từ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là canh tác chè, ngô, lúa, khoai, đậu, lạc... và một phần thu nhập từ chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, còn có một số hộ gia đình sống dựa vào khai thác củi, măng trong rừng. Đây là thách thức lớn bảo tồn và phát triển bền vững VQG Tam Đảo đến năm 2020.

- Sự phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh mang lại lợi ích lớn về kinh tế nhưng cũng là một trong những thách thức về ô nhiễm môi trường, xâm hại vốn rừng... nếu không được quản lý tốt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tại vườn quốc gia tam đảo (Trang 46 - 49)