Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ giữa bề dưới với bề trên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử trong một số truyện thơ nôm tày và vấn đề giáo dục học sinh ở trường THCS hoàng văn thụ huyện chợ đồn, tỉnh bắc kạn​ (Trang 65 - 70)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Văn hóa ứng xử ngoài xã hội

2.2.1. Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ giữa bề dưới với bề trên

Người Việt Nam rất trọng văn hóa ứng xử trong xã hội giữa bề trên với bề dưới. Biểu hiện cụ thể là trong các mối quan hệ giữa người ít tuổi với người nhiều tuổi, giữa người có địa vị, chức sắc với người có địa vị thấp kém hơn… Cách ứng xử giữa người bề dưới với người bề trên từng được ghi lại như “Trên

kính dưới nhường”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”…

Truyện thơ Nôm Tày cũng viết khá nhiều về cách ứng xử trong mối quan hệ giữa bề dưới với bề trên như các truyện Nhân Lăng, Lưu Đài - Hán Xuân, Lưu Tương, Lý Lan - Thị Dung, Nàng Kim…

Nói đến xã hội phong kiến người ta thường nghĩ ngay đến vua chúa, quan lại, cường hào chèn ép, bóc lột nông dân, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu…Tuy

nhiên không phải tất cả những người ở tầng lớp trên của xã hội đều là kẻ ác. Cũng có những người giàu có, chức sắc biết quan tâm chia sẻ, động viên giúp đỡ người nghèo khó như nhân vật trưởng giả trong truyện Nhân Lăng. Khi Nhân Lăng đến ăn xin nhà trưởng giả, gia đình ông không hắt hủi, đối xử tệ bạc mà còn ra sức giúp đỡ. Ngay cả cách xưng hô cũng thấy ân cần, thân mật: “Hỡi

con ta, ở đất đâu là”. Sau khi hỏi han gia cảnh, biết Nhân Lăng mồ côi cha từ

nhỏ, phải đi xin ăn nuôi mẹ, nuôi thân, trưởng giả thấy thương chàng trai Nhân Lăng vô cùng:

“Trưởng giả nghe lòng riêng xót tủi Rằng: “- Con sao nói nỗi cơ bần Ăn xin biết bao năm mãn kiếp?” (Nhân Lăng)

Đến khi nhà dọn mâm bát ăn cơm, trưởng giả dặn gia nhân “Đưa cơm cho chú ấy cùng xơi”. Thấy Nhân Lăng thông minh, sáng sủa và biết hoàn cảnh

cơ cực của chàng nên trưởng giả mách nước cho chàng đi tìm thầy bói Thiên Nhan Quỷ Cốc để xem tướng số, thay đổi vận mệnh. Thế mới thấy cách ứng xử của trưởng giả đẹp vô cùng. Rõ ràng là người bề trên, có của cải, chức sắc nhưng ông cư xử với kẻ nghèo hèn như những người bình đẳng. Điều này làm cho kẻ bề dưới như Nhân Lăng vô cùng cảm kích. Sự tôn trọng, kính nể của chàng trai trẻ dành cho trưởng giả thể hiện sự lễ phép, biết cư xử với người lớn tuổi, coi họ như ân nhân, như người thân của mình:

“ Cám ơn ông cho tôi nhờ vả Bụng ông thương mến cả nghèo tôi Chim khuyên trả ơn trời không có Chim ngờ trời nâng đỡ đã nhiều Chim nuốt trăng ơn cao chín trượng” (Nhân Lăng)

Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ giữa người bề dưới với người bề trên còn được hiểu là quan hệ giữa người dân (bề dưới) với vua chúa (bề trên). Truyện Lưu Tương phản ánh rõ mối quan hệ này. Trong một lần chạy giặc

Phàn, Vua Sở bị lạc vào rừng sâu, không tìm được lối ra an toàn nên phải chạy vào nhờ sự giúp đỡ của người dân“Vua vào đứng dưới chân thang/ Chắp tay xin cô bác chủ nhà”. Bậc đế vương ấy là “thiên tử”, là người đứng đầu thiên

hạ. Xét trong mối quan hệ vua - tôi thì vua là bề trên tối cao. Thế nhưng trong hoàn cảnh loạn lạc, nguy hiểm rình rập tính mạng, thì chính vua mới là người đến “xin” sự giúp đỡ của thần dân. Không còn là lời ra lệnh như những buổi

thiết triều mà là “Chắp tay xin cô bác chủ nhà”. Có thể thấy nhà vua ý thức được hoàn cảnh của mình nên có cách ứng xử hài hòa với người xung quanh. Qua đó cũng thể hiện thái độ biết trân trọng con dân của mình. Điều này được minh chứng bằng việc làm sau khi trở về với vương vị, nhà vua đã không quên ơn những người đã giúp đỡ mình trong những ngày loạn lạc:

“Sở vương ngự ngai vàng thấy mặt Vua mừng vui được gặp ân nhân Phán truyền mọi quan dân được rõ Lại cho về quê cũ làm ăn

Nhớ nhau hãy hạ lâm thăm thú Công nuôi nấng đói khổ lao đao Chẳng có vàng bạc nào đền đủ” (Lưu Tương)

Bề trên ghi nhận công lao của ân nhân, có lòng đền đáp, không khinh khổ người dân. Đó cũng là một cách ứng xử đẹp của người bề trên với người bề dưới.

Trong mối quan hệ với vua, người dân cũng thể hiện cách ứng xử thật đẹp, biết kính trọng, hết lòng giúp đỡ khi người đứng đầu quốc gia lâm nạn. Họ còn là những người rất hiểu chuyện và sống rất nghĩa tình:

“Chủ nhà đã chân tình nói lời cảm thông: Ai đã lìa gia chương đều thấu

Dẫu nghèo đói chẳng chối khách nhờ Mời ông hãy lên nhà ngồi nghỉ

Chủ nhà lên tiếng giục vợ con: Cơm nguội liệu có còn hay hết Nếu hết thì bắc bếp nấu ngay” (Lưu Tương)

Nếu không có sự yêu thương và tình nghĩa của người dân thì có lẽ vua Sở đã không vượt qua được những khó khăn trong những ngày sống trốn giặc ở giữa rừng. Mối quan hệ giữa bề dưới với bề trên càng trở nên thắm thiết.

Trong truyện Lưu Đài - Hán Xuân, mối quan hệ bề trên với bề dưới được thể hiện trong quan hệ thầy - trò. Truyện kể Lưu Đài là một đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ sớm, của cải, ruộng vườn bị anh em, họ hàng chiếm đoạt cả. Lưu Đài phải đi xin ăn qua ngày. Nghe nói ở Nam Nga có một thầy đồ tốt bụng, luôn giúp đỡ người khác nên Lưu Đài đến nhà thầy xin làm người ở cho nhà thầy. Công việc hàng ngày của chàng là chăn trâu, cắt cỏ. Mỗi buổi tối khi thầy đồ dạy học trò Lưu Đài lén nghe, học lỏm. Điều tuyệt vời là Lưu Đài thông minh nghe thầy dạy đến đâu chàng thuộc ngay đến đó. Thấy Lưu Đài sáng sủa, ham học hỏi, vợ chồng thầy đồ hết mực yêu thương, giúp đỡ và coi Lưu Đài như con đẻ của mình. Vợ thầy đồ nhiều lần nói với chồng hãy nhận Lưu Đài làm học trò và dạy chữ nghĩa cho cậu:

“Thằng Lưu Đài mồ côi chịu khó Ở chăn trâu lâu đã thế này

Nhà mình ở độc lòng thật đấy Hay còn tham của quý bạc vàng Dạy cho nó một chút hại chi?”

Thầy đồ nói với vợ tấm lòng của mình, không phải là không yêu thương Lưu Đài, chỉ là để cậu lớn hơn một chút để hiểu thấu hết ý nghĩa sách thánh hiền:

“Bụng tôi đây yêu nó có trời Nuôi nó đủ mười xuân hãy dạy, Còn trẻ thơ dạy mấy phí không Chớ nói lắm tự lòng tôi biết”

(Lưu Đài - Hán Xuân)

Rồi sau đó, thầy tận tình dạy đạo lí, dạy chữ nghĩa những mong chàng thành tài. Thầy đồ dốc lòng giúp đỡ Lưu Đài vì tình cảm chứ không đòi hỏi sự đền đáp. Dân gian thường nói “thầy như cha” đúng với cách mà thầy đồ đối xử với Lưu Đài.

Cảm động vì ân đức của thầy đồ nên Lưu Đài một lòng tôn trọng thầy, cố gắng hết mình học chữ, học đạo, canh cánh trong lòng những ân tình cần báo đáp thầy. Lưu Đài là bề dưới có đạo, có hiếu, cư xử rất phải phép trong mối quan hệ thầy trò.Khi được thầy gọi đến dặn dò “sẽ dạy mọi lời mọi lẽ”, Lưu

Đài đã giãi bày tấm chân tình với sư phụ. Từ đó, ngày thì Lưu Đài làm việc nhà, tối đến tranh thủ học hành. Chàng nhủ lòng mình phải thi thố thành tài để báo đáp công ơn của thầy. Khi Lưu Đài được Hán Xuân - một cô gái đẹp người đẹp nết, con nhà giàu sang ngỏ ý kết duyên, chàng từ chối. Dù nhã ý của Hán Xuân là mong được kết tóc se duyên cùng Lưu Đài, nói sẽ nhờ cha mẹ mình đến đón Lưu Đài về cho ăn, cho học nhưng Lưu Đài cảm mộ ân đức của vợ chồng thầy đồ nên quyết không rời bỏ nhà thầy. Vì trong suy nghĩ của chàng còn phải đền ơn thầy dạy của mình rồi mới có thể tính tiếp những việc khác.

Có thể nhận thấy, chủ đề về mối quan hệ giữa bề trên với bề dưới trong truyện thơ Nôm Tày không nhiều nhưng nó đã phản ánh rất chân thực cách ứng xử trọng tình của những người bề trên với người bề dưới và ngược lại. Cách cư xử ấy giúp chúng ta nhận ra cuộc sống đầy giá trị nhân văn, việc cùng nhau xây đắp, tạo lập mối quan hệ như vậy sẽ làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử trong một số truyện thơ nôm tày và vấn đề giáo dục học sinh ở trường THCS hoàng văn thụ huyện chợ đồn, tỉnh bắc kạn​ (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)