7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Một số nguyên tắc tích hợp giáo dục văn hóa ứng xử từ truyện thơ
Nôm Tày cho học sinh
Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh là một nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, coi đây là nền tảng có tính chất chiến lược trong việc giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Nghị quyết số 29-NQ-TW của Trung ương khẳng định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai
đoạn 2018 -2025” với mục tiêu “Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”[36].
Từ đó có thể thấy, nhiệm vụ xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học sẽ tạo ra văn hóa học đường giúp học sinh nhận thức và hành động đúng đắn trong cách cư xử với thầy cô, bạn bè, trong gia đình, ngoài xã hội… Đồng thời từ đó góp phần hoàn thiện, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống đẹp của học sinh.
Tuy nhiên ở bậc học THCS nội dung giáo dục văn hóa ứng xử chưa được biên tập thành các bài học cụ thể như một cuốn sách giáo khoa vì vậy các nội dung về giáo dục văn hóa ứng xử đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt tích hợp, lồng ghép trong các bài giảng của mình.
Dạy học tích hợp được hiểu là sự kết hợp, tổ hợp các nội dung từ các môn học, lĩnh vực học tập khác nhau, lồng ghép các nội dung cần thiết vào những nội dung vốn có của một môn học. Hiện nay dạy học tích hợp đã trở thành xu thế trong việc xác định nội dung dạy học ở trường phổ thông và trong xây dựng chương trình môn học ở nhiều nước trên thế giới. Đây là một quan điểm tích cực trong quá trình tổ chức dạy và học. Trong dạy học, quan điểm tích hợp được thể hiện ở các mặt sau:
- Tích hợp nhiều kĩ năng trong một môn học.
- Tích hợp kiến thức các môn học khác trong chương trình với môn học đang dạy.
- Tích hợp chương trình chính khóa và ngoại khóa. - Tích hợp kiến thức lí thuyết và thực tiễn.
Thực hiện quan điểm tích hợp trong giáo dục và dạy học sẽ giúp phát triển năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp và làm cho việc học tập trở nên có ý nghĩa hơn đối với học sinh.Giúp học sinh nâng cao năng lực, đào tạo được những người có đầy đủ phẩm chất và năng lực để giải quyết các vấn đề của đời sống hiện đại.
Đối với việc dạy học tích hợp nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh cần đảm bảo thực hiện một số nguyên tắc sau:
- Trang bị cho học sinh những quy tắc ứng xử theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mĩ tục của dân tộc.
- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh THCS.
- Xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.
Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là một trường học thuộc huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn. Với tổng số 242 học sinh, đa số là học sinh dân tộc thiểu số (trong đó chủ yếu là học sinh dân tộc Tày). Vì
vậy việc lựa chọn tích hợp nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh cần đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với văn hóa vùng miền, dễ nhớ, dễ làm. Khi nghiên cứu về văn hóa ứng xử trong một số truyện thơ Nôm Tày, chúng tôi nhận thấy nét đẹp văn hóa ứng xử trong truyện thơ Nôm Tày rất gần gũi với đời sống, đặc biệt rất phù hợp để giáo dục cho học sinh trường THCS Hoàng Văn Thụ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn nói riêng và học sinh cấp THCS nói chung.
Xét về mức độ phù hợp của nội dung tích hợp đối với văn hóa vùng miền, trình độ nhận thức, tâm lí lứa tuổi của học sinh và nhiệm vụ giáo dục, chúng tôi cho rằng giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh ở trường THCS Hoàng Văn Thụ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn gồm các nội dung sau:
Giáo dục văn hóa ứng xử với quê hương, đất nước: Biết yêu quê hương
đất nước, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của quê hương đất nước
Giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình: cụ thể là trong mối quan hệ cha
mẹ với con cái và trong mối quan hệ anh chị em.
Giáo dục văn hóa ứng xử ngoài xã hội: cụ thể là văn hóa ứng xử trong
mối quan hệ bạn bè và trong mối quan với người khác.
Đối với học sinh cấp THCS cần linh hoạt trong việc thực hiện những nguyên tắc và nội dung tích hợp kể trên để nhiệm vụ giáo dục diễn ra tự nhiên, không gượng ép, học sinh thoải mái về tinh thần và lĩnh hội tốt nhất những nội dung tích hợp được giáo viên lồng ghép.