8. Cấu trúc nội dung luận văn
1.3.3. Nội dung phát triển thể chất cho trẻmẫu giáo 4-5 tuổi
Nội dung giáo dục phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo bao gồm: Giáo dục các kĩ năng và thói quen vệ sinh, tổ chức ăn cho trẻ, Tổ chức cho trẻ ngủ, Phát triển vận động.
a. Giáo dục các kĩ năng và thói quen vệ sinh
Giáo dục các kĩ năng và thói quen vệ sinh là một khâu quan trọng trong hệ thống giáo dục thể chất và trong việc hình thành nhân cách của trẻ 3-5 tuổi. Việc giáo dục kĩ năng và thói quen vệ sinh cho trẻ mẫu giáo gồm những nội dung cơ bản sau:
- Vệ sinh thân thể: Trẻ có thói quen rửa và giữ gìn sạch sẽ thân thể: biết rửa tay, súc miệng, biết dùng mùi xoa…
- Vệ sinh ăn uống: Trẻ biết rửa tay trước khi ăn, nhai kĩ, không bốc tay, làm rơi vãi thức ăn trong khi ăn, ăn xong rửa tay, súc miệng, lau mồm.
b. Tổ chức ăn cho trẻ
Cơ thể trẻ lứa tuổi mẫu giáo đang ở giai đoạn phát triển nhanh nên đòi hỏi khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng. Ăn uống thiếu thốn hay quá no đều hạn chế sự phát triển, gây rối loạn tiêu hoá, phá hoại quá trình trao đổi chất và sức đề kháng
của cơ thể, làm cho trẻ yếu ớt và do đó ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển tâm lí của trẻ.
Chế độ ăn uống hợp lí được xây dựng trên cơ sở mức năng lượng cần thiết ở độ tuổi (quy ra calo), sự kết hợp các thành phần thức ăn theo cấu tạo các thành phần hoá học (prôtit, lipit, gluxit, muối khoáng, vitamin), sự đa dạng của các loại thức ăn và cách nấu nướng.
Một số yêu cầu khi tổ chức bữa ăn cho trẻ:
- Phòng ăn sạch sẽ, thoáng mát. Bàn ghế sắp xếp thuận tiện cho trẻ ngồi xuống và đứng lên.
- Bàn ăn, bát đĩa phù hợp với lứa tuổi và được xếp có thẩm mĩ, giản tiện.
- Trước khi ăn khoảng nửa giờ, cần kết thúc các buổi đi dạo, các trò chơi đòi hỏi vận động căng thẳng. Thời gian này cần các trò chơi, các giờ học yên tĩnh. Tránh gây ra những căng thẳng thần kinh hoặc sự giận dỗi ở trẻ.
- Cho trẻ rửa tay, rửa mặt trước khi ăn, khi ngồi vào bàn được ăn ngay không phải chờ đợi lâu.
- Hình thành cho trẻ các kĩ năng và thói quen ăn có văn hoá: Không ăn vội vàng, nhai kĩ; lấy thức ăn từng ít một; cầm thìa, bát, đũa đúng động tác, nhai nhỏ nhẹ. Với trẻ lớn cần có kĩ năng sử dụng các đồ dùng nhà bếp, có kĩ năng tự phục vụ. Như vậy, việc tổ chức cho trẻ ăn phải nhằm giáo dục trẻ tính độc lập và những thói quen văn hoá - vệ sinh thích hợp với lứa tuổi.
- Phát hiện nguyên nhân trẻ ăn không ngon miệng và đưa ra biện pháp khắc phục. Bình thường, với bữa ăn tổ chức đúng đắn, trẻ ăn uống tự giác, vui vẻ ngon lành. Song có nhiều trường hợp trẻ ghê sợ bữa ăn, có thái độ chống đối hay ăn uống uể oải. Khi ấy, nếu sử dụng phương pháp ép buộc, thậm chí cả phương pháp dỗ dành, khen gợi, đánh lạc hướng đều là không đúng và gây tác hại, gây ra tâm lí tiêu cực với bữa ăn.
- Cần tìm hiểu kĩ nguyên nhân làm cho trẻ em không ngon miệng, thậm chí ghê sợ bữa ăn để từ đó đưa ra cách khắc phục hợp lí. Các nguyên nhân rất đa dạng, có thể là:
+ Thức ăn khô, khó nuốt.
+ Do tình trạng sức khoẻ không bình thường.
+ Do các em được nuông chiều ở nhà, khi ăn bao giờ cũng được người lớn dỗ dành v.v…
Từ các nguyên nhân trên, nhà giáo dục đưa ra các biện pháp khắc phục tích cực nhất, cần thiết với mỗi trẻ.
Cần thường xuyên trao đổi với cha mẹ về vấn đề ăn uống của trẻ để cùng phối hợp tất cho việc xây dựng chế độ ăn hợp lí cho mỗi trẻ và có tác dụng giáo dục hành vi và thói quen có văn hoá khi ăn.
c. Tổ chức cho trẻ ngủ
Giấc ngủ của trẻ có ý nghĩa lớn trong việc phục hồi khả năng làm việc của các tế bào thần kinh. Một giấc ngủ sâu, đủ độ dài là phương tiện cơ bản để ngăn ngừa tình trạng quá mệt mỏi của hệ thần kinh và cơ thể.
Tình trạng ngủ nông, thường xuyên ngủ không đủ giấc có liên quan đến sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh. Những trẻ ngủ ít thì sự mệt mỏi thái quá càng dồn lại và sự hưng phấn xúc cảm tiêu cực càng dễ phát sinh, vì điều đó thường thể hiện ở sự trái tính trái nết ở đứa trẻ. Một giấc ngủ tốt vừa là một trong những điều kiện căn bản vừa là một trong những dấu hiệu của sức khoẻ trẻ em.
Trong một giấc ngủ có các thời kì ngủ nông và ngủ sâu. Lúc đầu ngủ thiu thiu (ngủ nông) rồi tới thời kì ngủ sâu và sau đó là thời kì ngủ sâu lần thứ hai nhưng có yếu đi, cuối cùng là ngủ nông chuyển sang trạng thái thức dậy tự nhiên. Ở thời kì ngủ sâu thứ hai mới có sự ức chế ngủ sâu nhất và năng lực hoạt động của các tế bào thần kinh mới được phục hồi hoàn toàn. Ở thời kì nhất, giấc ngủ còn nông, những kích thích ngoại cảnh dễ dàng đánh thức trẻ. Bởi vậy, cần biết tổ chức đúng đắn cho giấc ngủ của trẻ.
* Tổ chức cho trẻ ngủ
+ Ngay từ đầu cần rèn luyện cho trẻ có thái độ tích cực đối với giấc ngủ. Tính chất của sự chuyển từ thức sang ngủ ở các độ tuổi khác nhau là do những nguyên nhân khác nhau quyết định. Thường thường những khó khăn chuyển sang giấc ngủ là do trẻ có những hứng thú khác nhau, do sự phát triển của các quá trình nhận thức, do nhu cầu về các loại hoạt động và trò chơi ngày càng phức tạp. Nếu chưa tạo được cho trẻ nhu cầu mà cứ bắt trẻ ngừng chơi vào lúc cho trẻ đi ngủ sẽ làm cho trẻ khó chịu, có xúc cảm tiêu cực và muốn kéo dài thời điểm đi ngủ.
+ Một phương tiện cơ bản để tạo ra nhu cầu ngủ ở trẻ một cách đúng đắn (cảm giác hài lòng khi đi ngủ, ngủ thiếp đi nhanh chóng mà không cần tác động phụ thêm vào) là việc tạo ra một chế độ ngày - đêm thích hợp với lứa tuổi và những đặc điểm cá nhân trẻ. Muốn vậy cần tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ ngủ nhanh, ngủ sâu vào những giờ giấc đã định cho giấc ngủ.
+ Cần tạo ra trạng thái yên tĩnh cần thiết trước giờ ngủ: không có những hoạt động kích thích mạnh hưng phấn của trẻ, không làm ồn, không để ánh sáng chói chiếu vào phòng ngủ, phòng ngủ phải thoáng khí.
+ Cho trẻ ngủ đúng giờ để tạo ra phản xạ có điều kiện thuận lợi cho việc rèn luyện thói quen ngủ nhanh, ngủ ngon giấc.
+ Không nên có những hình thức giao tiếp gây xúc cảm tiêu cực và tạo ra hưng phấn cao ở vùng vỏ đại não.
* Chăm sóc cho trẻ lúc ngủ
+ Đặt cho trẻ ngủ với thái độ ân cần, giúp trẻ nằm đúng tư thế (nằm nghiêng, không nằm sấp, không co ro đầu gối).
+ Giúp đỡ riêng cho các trẻ yếu.
Gắn liền những công việc chuẩn bị đi ngủ với việc phát triển tính độc lập ngày càng cao ở các độ tuổi. Biến những thao tác chuẩn bị ngủ (cởi quần áo, bít tất, chuẩn bị giường chiếu v.v…) thành những nhân tố tích cực kích thích giấc ngủ.
Do sự khác biệt cá nhân, nên cho trẻ ngủ và thức dậy theo nhóm mà không nên làm đồng loạt. Tốt nhất là rèn luyện cho trẻ tự mình thức dậy trong vòng 30 - 45 phút. Trường mẫu giáo cần phối hợp với gia đình để tổ chức cho trẻ ngủ buổi tối ở gia đình được tốt. Giúp cho gia đình hiểu rõ các phương pháp đúng đắn để tổ chức giấc ngủ cho trẻ. Không được cho trẻ dùng đồ uống kích thích mạnh như chè, cà phê, không kể chuyện sợ hãi; không cho trẻ xem truyền hình quá nhiều; cho trẻ ngủ đúng giờ trong trạng thái yên tĩnh.
d. Sự phát triển vận động
Giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo được thực hiện trong hai nhóm phương tiện và phương pháp: nhóm thứ nhất về chế độ sinh hoạt hằng ngày và nhóm thứ hai thuộc về các vận động của trẻ.
Vận động giữ vị trí quan trọng trong giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo. Vận động làm cho các cơ bắp và toàn bộ cơ thể hoạt động, do đó tăng cường hoạt động của các hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, tăng cường sự trao đổi chất và tăng cường sức khoẻ. Các vận động làm cơ sở chung cho mọi hoạt động. Sự thành công và kết quả của mỗi hoạt động phụ thuộc vào cường độ, sự khéo léo, nhịp nhàng của các vận động. Sự hoàn thiện các vận động còn có ý nghĩa đối với sự phát triển tâm lí.
Sự phát triển vận động gắn chặt với sự phát triển toàn bộ cơ thể và tâm lí của trẻ. Bởi vậy khi lập chương trình giáo dục thể chất nhằm phát triển vận động cần dựa trên những cơ sở:
- Ưu tiên lựa chọn các bài tập, trò chơi vận động lao động có tác dụng chung đến cơ thể và động viên nhiều cơ bắp tham gia.
- Chọn các bài tập, trò chơi gây hứng thú và đồng thời đặt ra trước trẻ một nhiệm vụ vừa sức.
- Tăng cường các nhóm cơ bắp còn yếu về mặt sinh lí và giáo dục tư thế đúng. - Giáo dục kĩ năng hành động và vận động trong tập thể.
Sự phát triển vận động được thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ mẫu giáo như trò chơi vận động, thể dục buổi sáng, tiết học thể dục, dạo chơi, các trò chơi thể thao, lao động.
- Các trò chơi vận động, trò chơi thể thao là các hình thức hoạt động hấp dẫn trẻ em và có tác động giáo dục nhiều vận động cơ bản và sự phối hợp các vận động ấy. Các trò chơi vận động rất phong phú và đa dạng được lựa chọn trong chương trình phù hợp với từng độ tuổi. Với trẻ mẫu giáo bé, trò chơi bao gồm các vận động đơn giản kết hợp một cách khác nhau (đi, chạy, nhảy thấp) với các luật chơi đơn giản. Với trẻ mẫu giáo nhỡ, lớn thì nội dung vận động và luật chơi phức tạp hơn, đòi hỏi các em hiểu điều kiện chơi, vận động chính xác và đúng luật chơi.
Thể dục buổi sáng với tiết học thể dục là các hình thức giáo dục thể chất có mục đích, có kế hoạch và sự định hướng trong sự phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo. Các bài tập thể dục nhằm phát triển chung, các bài tập phát triển các nhóm cơ, các bài tập phát triển các vận động cơ bản giúp trẻ từ mức độ vận động tự do, rời rạc không định hướng tới mức độ thực hiện các vận động một cách chủ động, phối hợp nhịp nhàng các động tác, giữ được sự cân bằng cho cơ thể khi hoạt động là một bước tiến lớn lao.
Bài tập thể dục có tác động tốt đến hoạt động sinh lí của cơ thể. Cơ bắp được vận động thích hợp sẽ tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng cường sự làm việc của các cơ quan bên trong của hệ tim mạch, hệ hô hấp chẳng hạn, sẽ diễn ra trong các bài tập về tuần hoàn có hệ thống. Đặc biệt là sự làm việc toàn vẹn của các tế bào thần kinh của não được tăng cường sẽ có tác động trở lại đối với toàn bộ vận động và hoạt động của các cơ quan. Bởi vậy, sự phát triển của vận động sẽ phục vụ cho những chỉ số phát triển chung về tâm lí của trẻ.
Đi dạo của trẻ ở ngoài trời với không khí trong lành có tầm quan trọng đối với việc phát triển thể lực của trẻ. Đi dạo là phương tiện rèn luyện thích hợp nhất đối với cơ thể trẻ. Đi dạo giúp trẻ thích nghi với những biến đổi của thời tiết và môi trường, giúp trẻ vận động nhiều làm tăng cường sự trao đổi chất, giúp trẻ rèn luyện các phẩm chất linh hoạt, khéo léo, mạnh dạn và dẻo dai hơn. Trẻ được rèn luyện các kĩ năng và kĩ xảo vận động, củng cố hệ cơ và nâng cao trương lực sống.
Nội dung đi dạo rất phong phú. Có thể kết hợp trong giờ đi dạo các hoạt động khác nhau như các trò chơi, học tập, lao động và phát triển ngôn ngữ.
Muốn đạt được hiệu quả cao, cô giáo cần làm các công tác chuẩn bị tất cho các buổi đi dạo. Chuẩn bị về mặt tâm lí để gây hứng thú cho cuộc đi dạo. Chuẩn bị cơ sở vật chất như quần áo, giày, dép, mũ, có phương tiện vui chơi ngoài trời. Đặc biệt cần phải chuẩn bị về nội dung trong cả quá trình đi dạo để hoạt động của trẻ được liên tục, hấp dẫn và vừa với sức trẻ.
Đi dạo cũng gắn liền với việc xây dựng sân trường của trường mẫu giáo với những thiết bị cần thiết. Sân chơi phải được thiết kế phù hợp với các yêu cầu sư phạm, vệ sinh và đáp ứng được các hoạt động đa dạng của trẻ trong giờ đi dạo, hoạt động ngoài trời.