Quy trình tổ chức thực hiện DHTNN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển năng lực hợp tác cho học sinh trung học phổ thông qua dạy học theo nhóm nhỏ phần sinh thái học​ (Trang 45 - 51)

Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

2.2. Quy trình tổ chức thực hiện DHTNN

Trên cơ sở các nguyên tắc và xuất phát từ những đặc điểm, cấu trúc của DHTNN và kế thừa những tư tưởng của các tác giả đi trước, chúng tôi đề xuất quy trình tổ chức DHTNN gồm có 3 giai đoạn chính như sau:

- Giai đoạn 1: Giai đoạn chuẩn bị - Giai đoạn 2: Giai đoạn thực hiện - Giai đoạn 3: Giai đoạn kết thúc

2.2.1. Giai đoạn chuẩn bị

Trong giai đoạn này, GV cũng như HS phải chuẩn bị tất cả những điều kiện về nội dung, cơ sở vật chất, cũng như tâm lý để tham gia học tập theo nhóm nhỏ. Trong giai đoạn này gồm có những công việc như sau:

1) Tìm hiểu học sinh

- Hoạt động của GV: Tìm hiểu đặc điểm và trình độ của HS: Về mức độ nắm vững kiến thức; Phong cách học; Các đặc điểm về nhu cầu, hứng thú, động cơ, nguyện vọng…trong học tập, làm cơ sở để GV lựa chọn phương pháp và phương tiện dạy học phù hợp cho từng nhóm đối tượng và phân công nhiệm vụ sao cho thích hợp. Việc tìm hiểu này có thể thông qua các tiết học trước đó, thông qua GV chủ nhiệm và các GV bộ môn khác, thông qua sổ học tập của HS, thông qua việc trao đổi, giao tiếp với HS trong và ngoài tiết học. Kết quả tìm hiểu và phân loại HS vừa hỗ trợ cho dạy học phân hóa, vừa chuẩn bị cho biên chế nhóm nhỏ.

2) Phân tích cấu trúc nội dung, xác định mục tiêu bài học

- Hoạt động của GV: Đây là bước hết sức quan trọng bởi nó quyết định thành công hay thất bại của HTTCDH này. Trong bước này, GV căn cứ vào chương trình, kế hoạch dạy học và nội dung bài học để lựa chọn các nội dung có thể thiết kế các nhiệm vụ học tập để tổ chức DHTNN. Sau khi lựa chọn được nội dung GV xác định các mục tiêu cần đạt được về kiến thức, kỹ năng, thái độ.

- Hoạt động của HS: Tự nghiên cứu các nguồn tài liệu đã học và nghiên cứu bài mới theo hướng dẫn của GV.

3) Thiết kế các nhiệm vụ học tập

- Hoạt động của GV: Căn cứ vào mục tiêu bài học, GV nghiên cứu nội dung bài học và các tài liệu có liên quan, để lựa chọn ra những nội dung kiến thức để giao cho HS trong quá trình thảo luận nhóm, những nhiệm vụ học tập này sẽ tạo ra những thách thức mới trong tư duy của HS, tạo cho người học có nhu cầu ham muốn giải quyết các vấn đề đó.

Nhiệm vụ học tập phải được thiết kế rõ ràng, cụ thể, có tính gợi mở, không gò bó phù hợp với bài học và thời gian, không gian, kế hoạch học tập. Bên cạnh đó, khi thiết kế các nhiệm vụ học tập GV cần chú ý đến mức độ khó và dễ đối với các nhiệm vụ đó sao cho phù hợp, vừa sức với từng nhóm đối tượng và phát huy cao độ tính tương trợ, phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên.

- Hoạt động của HS: Tự nghiên cứu nội dung bài học, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động nhóm mà GV yêu cầu.

4) Lựa chọn phương pháp, phương tiện dạy học

- Hoạt động của GV: Căn cứ vào nội dung bài học cũng như những nhiệm vụ học tập đã được thiết kế, GV cần lựa chọn PPDH sao cho phù hợp với nội dung và đối tượng dạy học, cũng như xây dựng tiến tình dạy học sao cho phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị những phương tiện dạy học hỗ trợ cho hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS.

- Hoạt động của HS: Lựa chọn phương pháp học tập và chuẩn bị các dụng cụ học tập của cá nhân theo yêu cầu của nội dung bài học.

5) Dự kiến thành lập nhóm

- Hoạt động của GV: Đây là bước quyết định sự khác biệt giữa DHTNN này với các PPDH khác. Vì vậy, khi thành lập nhóm GV cần quán triệt các nguyên tắc tổ chức DHTNN đã nêu ở mục trước. Khi tổ chức DHTNN GV xác định số lượng các thành viên trong nhóm chỉ nên có từ 2 đến 6 thành viên. Bởi: (1) Nhóm nhỏ sẽ có hiệu quả hơn vì thời gian tổ chức nhóm được rút ngắn, mọi thành viên của nhóm sẽ có trách nhiệm hơn và có cơ hội tham gia giải quyết nhiệm vụ học tập chung của nhóm. (2) Trong giai đoạn đầu của việc hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm nên bắt đầu từ nhóm nhỏ hoặc đôi một. Khi HS đã có kinh nghiệm, kỹ năng nhất định thì quy mô của nhóm sẽ tăng dần lên. Nếu nhóm có số lượng lớn thì nhiều HS sẽ thụ động, hoặc chỉ tương tác với một hay hai thành viên bên cạnh. (3) Với nhóm nhỏ thì các thành viên của các nhóm phải được ngồi gần nhau hơn như vậy các em có thể dễ dàng chia sẻ tài liệu học tập, duy trì được sự liên hệ giao tiếp với nhau mà không ảnh hưởng đến hoạt động của nhóm khác.

Thành phần HS trong một nhóm, GV cũng cần dự kiến những đa dạng về năng lực, sở thích, giới tính, vùng miền… để thuận tiện trong việc giải quyết các nhiệm vụ học tập và phân hóa trong dạy học.

Lựa chọn cách tạo nhóm bằng nhiều cách khác nhau, GV có thể tham khảo các cách phân loại nhóm học tập để lựa chọn hình thức phân loại nhóm sao cho phù hợp.

- Hoạt động của HS: Xác định tinh thần, thái độ cho học tập hợp tác.

2.2.2. Giai đoạn 2: Giai đoạn thực hiện

Giai đoạn này được tổ chức trong lớp học và gồm các công việc sau:

1) Ổn định tổ chức, giới thiệu mục tiêu bài học

- Hoạt động của GV: Ổn định tổ chức, thông báo mục tiêu và yêu cầu của bài học. - Hoạt động của HS: Tự giác ổn định tổ chức và quán triệt mục tiêu bài học

2) Thành lập nhóm

- Hoạt động của GV: Dựa trên cơ sở dự kiến thành lập nhóm mà GV hướng dẫn HS thành lập nhóm học tập và sắp xếp chỗ ngồi cũng như những phương tiện hỗ trợ cần thiết cho hoạt động nhóm. Bên cạnh đó, GV có thể hướng dẫn HS trong việc dự kiến phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm.

- Hoạt động của HS: Gia nhập nhóm, tìm về nhóm của mình theo sự phân công, hướng dẫn của GV, đồng thời tham gia phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm gồm: nhóm trưởng, thư ký… sao cho phù hợp với năng lực của từng cá nhân.

3) Giao nhiệm vụ cho nhóm

- Hoạt động của GV: Trong bước này, GV giao nhiệm vụ đã được chuẩn bị ở giai đoạn 1 cho từng nhóm học tập, giải thích rõ ràng, ngắn gọn nhiệm vụ và các mục tiêu cần đạt được và thời gian cần thiết để nhóm hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, GV cung cấp các phương tiện, tài liệu học tập cho nhóm, hướng dẫn HS chia nhỏ các nhiệm vụ chung thành các nhiệm vụ bộ phận và định hướng cho nhóm phân công những nhiệm vụ đó sao cho phù hợp với mỗi thành viên trong nhóm.

- Hoạt động của HS: Tiếp nhận nhiệm vụ chung của nhóm mà GV giao cho; Tiếp nhận vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trong nhóm; Tích cực, tự giác phối hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

4. Tổ chức thảo luận nhóm; Hỗ trợ việc học và làm việc theo nhóm

- Hoạt động của GV: Động viên, khích lệ HS tham gia thảo luận nhóm, quan sát, đưa ra các câu hỏi gợi mở, đồng thời điều chỉnh hoạt động của HS. Muốn vậy, GV cần quản lý môi trường học tập bằng:

(1) Định hướng hoạt động của nhóm

Xác định mục tiêu và chương trình hoạt động chung của nhóm; Xác định những nhiệm vụ, những vấn đề chính cần làm sáng tỏ trong hoạt động chung của nhóm; Chỉ dẫn cho nhóm những biện pháp tăng cường sự hợp tác và nâng cao

trách nhiệm cá nhân trong quá trình hoạt động nhóm; Quy định quỹ thời gian cho từng nhiệm vụ, từng vấn đề cần giải quyết; Hướng dẫn thư ký ghi chép biên bản thảo luận nhóm.

(2) Điều khiển hoạt động của nhóm

- Kích thích hoạt động nhóm: đưa ra những câu hỏi đủ để kích thích tư duy HS, khuyến khích sự tham gia tích cực của mọi thành viên, khuyến khích HS đưa ra nhiều giải pháp và cách giải quyết cho cùng một vấn đề; Khai thác triệt để nội dung thảo luận: Chú ý tới nội dung của các phương án, nếu cần yêu cầu HS giải thích rõ, phát hiện và khai thác sự khác biệt, các mâu thuẫn trong các phương án của HS để HS đứng về hai phía tranh luận, hướng dẫn HS tóm tắt và nối kết các phương án rời rạc thành hệ thống.

- Điều chỉnh hoạt động của nhóm: Hướng hoạt động của nhóm vào đúng trọng tâm vấn đề thảo luận, nếu nhóm lạc đề; Nêu câu hỏi gợi ý, hoặc các tình huống phụ khi hoạt động của nhóm bị bế tắc.

- Thúc đẩy hoạt động nhóm hoàn thành nhiệm vụ thảo luận: Theo dõi và thông báo thời gian; Sau mỗi vấn đề yêu cầu nhóm trưởng tóm tắt và khẩn trương chuyển sang vấn đề khác; Tóm tắt các phương án đề nghị nhóm biểu quyết.

Trong DHTNN, GV cần quan sát và giao lưu với HS trong mỗi nhóm, hỗ trợ HS khi cần thiết, tuy nhiên, không nên can thiệp hay hỗ trợ quá sâu vào giai đoạn này sẽ làm cản trở việc học tập của HS.

- Hoạt động của HS: Tự sắm vai, nêu giả thuyết và bảo vệ giả thuyết của mình trong nhóm bằng những lập luận và lý lẽ mang tính khoa học; Phân tích và đánh giá một cách khách quan để chỉ ra những ưu và khuyết điểm trong cách xử lý và giải quyết tình huống của bạn, đồng thời thảo luận, ghi chép và điều chỉnh những đóng góp của bạn để cùng hoàn thành nhiệm vụ học tập.

5) Thảo luận chung

- Hoạt động của GV: Yêu cầu các nhóm báo cáo kết quả thảo luận nhóm. Ghi lại những ý kiến chung, những ý kiến riêng, trái chiều. Đồng thời, tổ chức thảo luận giữa các nhóm để tìm tiếng nói chung.

- Hoạt động của HS: Đại diện nhóm trình bày ý kiến, bổ sung ý kiến cho các nhóm khác và ghi lại ý kiến phản hồi.

2.2.3. Giai đoạn 3: Kết thúc

Bao gồm: (1) Tổng kết đánh giá hoạt động nhóm; (2) Tổng kết đánh giá bài học và kết quả học tập, (3) Giao nhiệm vụ mới.

(1) Tổng kết đánh giá hoạt động nhóm

- Hoạt động của GV: Tóm tắt tổng kết từng vấn đề, đưa ra nhận xét, đánh giá cho các nhóm và bổ sung những thiếu sót của HS trong quá trình thảo luận nhóm.

- Hoạt động của HS: So sánh kết quả của nhóm với kết luận của GV, tự đánh giá, điều chỉnh và rút kinh nghiệm cho bản thân.

(2) Tổng kết đánh giá bài học và kết quả học tập

- Hoạt động của GV: Hướng dẫn HS tổng kết lại nội dung bài đã học và đưa ra phương án đánh giá kết quả học tập của HS về: mức độ thực hiện kế hoạch; mức độ đạt được về tri thức, kĩ năng và thái độ của HS nguyên nhân những tồn tại và đề xuất giải pháp giúp HS khắc phục những tồn tại.

- Hoạt động của HS: HS đối chiếu kết quả đạt được với mục tiêu đề ra cho bài học để tìm ra những hạn chế, đồng thời tìm cách khắc phục hạn chế đó. Hoạt động của HS được tiến hành như sau: Tự đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch; đánh giá mức độ đạt được về tri thức, kĩ năng, thái độ so với mục tiêu đề ra; phân tích nguyên nhân của những tồn tại; rút kinh nghiệm về cách học, cách làm, đề xuất phương hướng và giải pháp khắc phục.

(3) Giao nhiệm vụ mới

- Hoạt động của GV: Xây dựng kế hoạch dạy học cho những phần kế tiếp và hướng dẫn HS chuẩn bị nội dung bài mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển năng lực hợp tác cho học sinh trung học phổ thông qua dạy học theo nhóm nhỏ phần sinh thái học​ (Trang 45 - 51)