Các khoảng trống pháp lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại việt nam002 (Trang 41 - 43)

Chưa quy định về việc giám sát đối với các tập đoàn tài chính

Hiện nay, hầu hết các NHTM đang phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, trong đó ngân hàng vẫn là loại hình kinh doanh chủ yếu. Mô hình tập đoàn tài chính ở Việt Nam đang rất phổ biến với các hình thức sau đây:

- Tập đoàn mà trong đó ngân hàng là công ty mẹ thành lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết để hoạt động sang các lĩnh vực khác không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan giám sát ngân hàng. Mô hình này đang tồn tại rất phổ biến, cụ thể như Vietcombank với các công ty liên doanh: Công ty TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành kinh doanh cho thuê văn phòng, Công ty quản lý quỹ Vietcombank và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 52%, 51% và 45% (Báo cáo thường niên Vietcombank, 2014). Sacombank đóng vai trò trụ cột, điều phối hoạt động của 10 công ty thành viên khác là: Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản, Công ty Kiều hối, Công ty Cho thuê tài chính, Công ty chứng khoán, Công ty Vàng Bạc Đá quý, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam, Công ty Đầu tư Sài Gòn Thương tín, Công ty Xuất nhập khẩu Tân Định, Công ty Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát và Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương tín (Báo cáo thường niên Sacombank, 2014).

- Tập đoàn tài chính là một nhóm những công ty dưới sự kiểm soát của một công ty mẹ (quản lý vốn) tiến hành hoạt động chủ yếu trong ba lĩnh vực là ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Tập đoàn Bảo Việt hiện nay đang được tổ chức và hoạt động theo mô hình này.

- Tập đoàn hoạt động đa ngành nghề, nghĩa là lĩnh vực kinh doanh kinh doanh của tập đoàn bao gồm cả lĩnh vực tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) và lĩnh vực phi tài chính (xây dựng, thương mại, đóng tàu,…). Mô hình này đang tồn tại ở Tập đoàn Đại Dương, Tập đoàn Tân Tạo, Tập đoàn Thiên Thanh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,…

Tuy nhiên, việc xác định các công ty kiểm soát trong các tập đoàn rất phức tạp do đồng thời tồn tại việc cá nhân và công ty có liên quan đến việc nắm giữ cổ phần của tập đoàn tài chính, đặc biệt là ngân hàng.

Quy định về nhóm công ty và tập đoàn kinh tế chỉ mới dừng lại ở những quy định chung, chưa có hướng dẫn riêng đối với việc thành lập, hoạt động, thanh tra và giám sát an toàn hoạt động của các tập đoàn tài chính. Theo những quy định này, các tổ chức tín dụng hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính chỉ được giám sát theo những tổ chức riêng lẻ mà không được giám sát chặt chẽ theo phương diện hợp nhất nên dễ dẫn đến việc góp vốn chéo qua lại giữa các thành viên và cá nhân có liên quan. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể phát hiện, đo lường và kiểm soát kịp thời các tập đoàn tài chính. Điều này sẽ dẫn đến việc những người quản lý, điều hành, cổ đông nắm quyền kiểm soát đối với các tập đoàn tài chính này đã lợi dụng kẻ hở pháp lý nêu trên để thực hiện các giao dịch thiếu minh bạch như góp vốn chéo, cấp tín dụng cho thành viên trong tập đoàn… có thể gây rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Chưa quy định rõ về người có liên quan

Các quy định trước đây đã đưa ra được định nghĩa về người có liên quan. Tuy nhiên, các định nghĩa về người có liên quan theo quy định hiện hành chưa trao quyền cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng quyền xác định các đối tượng có liên quan trên cơ sở bản chất quan hệ lợi ích kinh tế giữa các bên có liên quan. Đồng thời, khái niệm “sở hữu gián tiếp” không được xác định rõ ràng mà mới chỉ được biết đến một cách khái quát là việc tổ chức, cá nhân sở hữu vốn điều lệ, vốn cổ phần của tổ chức tín dụng thông qua người có liên quan hoặc thông qua ủy thác đầu tư. Thực trạng này dẫn đến việc các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính – ngân hàng không thể xác định được các trường hợp sở hữu gián tiếp nếu mối quan hệ giữa các

bên liên quan không thuộc các trường hợp đã quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành. Việc xác định các bên có liên quan được thực hiện dựa vào các báo cáo và cam kết của cá nhân và tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các trường hợp sở hữu gián tiếp qua các bên liên quan khác hoặc qua ủy thác đầu tư không thuộc đối tượng phải báo cáo về người có liên quan nhưng thực tế hình thức này lại đang tồn tại rất nhiều ở các tổ chức tín dụng của Việt Nam. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước không xác định được những cổ đông thật sự kiểm soát tổ chức tín dụng, cũng như quy mô của tập đoàn tài chính mà trong đó tổ chức tín dụng là thành viên hoặc công ty mẹ. Từ đó, các cơ quan chức năng không nhận biết và kiểm soát được các rủi ro phát sinh từ những giao dịch thiếu minh bạch trong các tập đoàn tài chính hiện nay. Hệ quả là các tổ chức tín dụng đã tăng vốn điều lệ ảo thông qua việc góp vốn chéo, và cấp tín dụng tập trung cho các bên có liên quan (chủ yếu trong các lĩnh vực rủi ro cao như kinh doanh vàng, chứng khoán, bất động sản) làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại việt nam002 (Trang 41 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)