Như đã trình bày ở chương trước, hai nhóm quan hệ sở hữu chéo đáng chú ý là ngân hàng – doanh nghiệp, ngân hàng – ngân hàng. Tuy nhiên, việc xác định ảnh hưởng của sở hữu chéo đến cho vay trong mối quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do theo quy định tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Vì vậy, các ngân hàng thường lách bằng cách tài trợ cho các cổ đông ngân hàng thông qua việc đầu tư trái phiếu hoặc các cổ đông là chủ doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát ngân hàng không trực tiếp tham gia vào bộ máy quản trị. Cho nên, ở phần nghiên cứu định lượng để xác định tác động của sở hữu chéo đến cho vay, luận văn giới hạn phạm vi nghiên cứu sở hữu chéo là mối quan hệ sở hữu chéo giữa các NHTM với nhau.
Giả thuyết đầu tiên được đưa ra nhằm trả lời cho câu hỏi sở hữu chéo ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động cho vay của các NHTM Việt Nam. Khi các NHTMNN là cổ đông lớn của các NHTMCP, các NHTMNN có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng thuộc nhóm sau trong việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước. Tương tự, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia. Như vậy, những trường hợp sở hữu này đều có nguy cơ dẫn đến việc các NHTM sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng vì đây là những khoản cho vay bắt buộc theo chỉ định nhằm phục vụ nhu cầu của cổ đông sở hữu và mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Nếu điều này xảy ra, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống các TCTD của Việt Nam hiện nay tăng cao (Ủy ban kinh tế Quốc hội, 2013).
Để giải quyết vấn đề này, luận văn sử dụng khung nghiên cứu được đề nghị và sử dụng trong nghiên cứu gần đây của Nguyễn Đức Mậu (2012) và kiểm định 2 giả thuyết sau đây:
H1: Tỷ lệ sở hữu chéo càng cao thì tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho vay càng cao. H2: Tỷ lệ sở hữu chéo càng cao thì nợ xấu càng cao.
Nếu kết quả kiểm định phương trình (1) cà (2) cho thấy SHC góp phần tăng tín dụng và nợ xấu thì cũng chưa thể kết luận chắc chắn về tác động tiêu cực của SHC. Nếu tăng trưởng tín dụng song song với tăng rủi ro nhưng cũng có tác động tích cực đến lợi nhuận ngân hàng, điều này chỉ thể hiện sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng làm tăng rủi ro nhưng không làm tăng đáng kể lợi nhuận thì có nghĩa là tăng trưởng tín dụng không hiệu quả. Do đó, nghiên cứu mở rộng phần phân tích thực nghiệm bằng cách kiểm định giả thuyết H3 như sau:
H3: Sở hữu chéo góp phần tăng trưởng tín dụng nhưng tăng trưởng tín dụng đi kèm với tăng rủi ro nhưng không làm tăng lợi nhuận của ngân hàng.
Bên cạnh đó, luận văn còn xét các biến kiểm soát đại diện nhân tố nội tại của ngân hàng và các biến vĩ mô trong mô hình nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng. Một số nghiên cứu về hoạt động tín dụng của ngân hàng có thể kể đến như Tamirisa và Igan (2007) đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng của NHTM tại một số quốc gia có nền kinh tế mới nổi Châu Âu. Nghiên cứu đã chứng minh có một số nhân tố ảnh hưởng khá rõ ràng tới tăng trưởng tín dụng như tốc độ tăng trưởng kinh tế thể hiện qua GDP, tính chất sở hữu của ngân hàng (là ngân hàng quốc gia hay
không), khả năng thanh khoản của NHTM và chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Aydin (2008) đã nghiên cứu một số các nhân tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các nước Trung Âu và Đông Âu, trong nghiên cứu này đã phân tích tới các nhân tố ảnh hưởng chặt chẽ và cùng chiều tới biến phụ thuộc bao gồm tính chất sở hữu của các ngân hàng (sở hữu nhà nước hay các ngân hàng nước ngoài), tỷ lệ sinh lời của ngân hàng ROE và chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Guo, Kai và Stepanyan, Vahram (2011) đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTM tại 38 nước có nền kinh tế mới nổi trong thập kỷ vừa qua. Các tác giả trên đã xác định các nhân tố bên cung và bên cầu đều tác động tới tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên, bài viết này tập trung chủ yếu bên cung. Đặc biệt bài viết nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng tiền gửi và tốc độ gia tăng nợ của ngân hàng góp phần làm tăng và ảnh hưởng có ý nghĩa tới tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, Guo, Kai và Stepanyan, Vahram (2011) cũng đã tìm ra nhân tố ảnh hưởng chặt chẽ và có mối quan hệ ngược chiều đến tốc độ tăng trưởng tín dụng là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng…
Từ kết quả tổng hợp các nghiên cứu trên, tác giả đã đưa ra một số biến về nhân tố nội tại của ngân hàng như tỷ lệ tăng trưởng huy động, suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, quy mô, tỷ lệ an toàn vốn và hai biến thuộc về môi trường kinh tế vĩ mô là tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát vào mô hình. Các biến này được kỳ vọng có ý nghĩa giải thích hiệu quả hoạt động tín dụng của các NHTM Việt Nam.