Dựa trên kết quả nghiên cứu này, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, Chính Phủ nên khuyến khích các doanh nghiệp cổ phần hóa và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư nhiều hơn vào các doanh nghiệp cổ phần. Việc cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra một cơ cấu mới hợp lý hơn, có hiệu quả hơn, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động và giá trị doanh nghiệp theo hướng tích cực. Nhìn lại số liệu trong quá khứ cho thấy, đầu tư nước ngoài là khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng cả nước. Năm 1995, GDP của khu vực đầu tư nước ngoài tăng 14.98% trong khi GDP cả nước tăng 9.54%; tốc độ này tương ứng là 11.44% và 6.79% (2000), 13.22% và 8.44% (2005), 8.12% và 6.78% (2010) (Số liệu từ Bộ kế hoạch và đầu tư). Cũng theo nghiên cứu của tác giả Lê Đức Hoàng (2015) đã chỉ ra sở hữu Nhà nước có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến sự tác động tiêu cực này là do chưa tách bạch vai trò quản lý doanh nghiệp, quản lý Nhà nước. Cụ thể, là có quá nhiều các cơ quan quản lý Nhà nước đồng thời là các chủ thể đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Theo thống kê của Lê Đức Hoàng (2015), sự chồng chéo đó thể hiện: Chính phủ (vừa quản lý Nhà nước, vừa thống nhất tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước), các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật (vừa quản lý Nhà nước đối với ngành kinh tế kỹ thuật, vừa đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước); một số Bộ tổng hợp như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư (có doanh nghiệp Nhà nước hoặc không có doanh nghiệp Nhà nước) nhưng cũng tham gia cả hai chức năng này (thực hiện quản lý Nhà nước theo lĩnh vực chức năng và tham gia thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương (vừa quản lý Nhà nước đối với địa bàn, vùng lãnh thổ, vừa đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do mình đầu tư).
Thứ hai, qua kết quả thực nghiệm của bài nghiên cứu, để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động và giá trị doanh nghiệp, Chính Phủ có thể ban hành những chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề sở hữu ở các doanh nghiệp niêm yết. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy, trong những công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao, hiệu quả hoạt động và giá trị doanh nghiệp cũng cao. Tiêu biểu phải kể đến như Công ty cổ phần sữa Việt Nam (mã chứng khoán VNM). Công ty duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 49%. Năm 2016, sau khi nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của nghị định 58 ra đời, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty tăng lên, đạt 53.09%. Khi đó, giá trị của công ty (đo lường bằng chỉ số MTB) cũng tăng lên, đạt 8.136346.
Hiện tại, nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của nghị định 58 đã mở room cho tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành nghề bình thường. Quy định mới này mặc dù có nới lỏng tuy nhiên chưa thực sự mạnh mẽ như mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến nhiều lĩnh vực, nhiều công ty chưa thực sự thu hút được các cổ đông nước ngoài. Theo nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định, công ty đại chúng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định tại điều lệ công ty.
Theo đó, ngoại trừ 226 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hầu hết room cho các ngành nghề được áp dụng tối đa 100%. Các công ty niêm yết chỉ cần tiến hành xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, hoặc được đại hội đồng cổ đông đồng ý là được nâng room. Mặc dù, nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định về room trên thị trường chứng khoán nhưng trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đầu tư, kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật có liên quan quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó. Do chưa có văn bản tổng hợp các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong từng ngành nghề, nên về phía doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện quy định trên. Trường hợp các công ty hoạt động đa ngành và có một số ngành nằm trong lĩnh
vực bị giới hạn sở hữu nước ngoài thì room không được vượt quá mức thấp nhất trong các ngành đó. Trong khi đó, thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam thường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, và không dễ từ bỏ những ngành nghề kinh doanh đang hoạt động. Điều này cũng khiến cho quá trình đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn và chưa thực sự mạnh mẽ như mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, cần có các văn bản pháp lý hướng dẫn rõ hơn về vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Đồng thời, những chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài có thể là tăng tỷ lệ sở hữu cao hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Nhà nước. Thực tế cho thấy, tỷ lệ cổ phiếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài ở hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn đều ở mức rất thấp.
Thứ ba, Chính Phủ nên khuyến khích việc học hỏi những kinh nghiệm cũng như tiến bộ công nghệ, hệ thống quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các công ty có các nhà đầu tư nước ngoài trong quản trị điều hành để giúp gia tăng hiệu quả hoạt động và giá trị doanh nghiệp. Việc học hỏi và giao lưu này là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu và rộng hơn với nền kinh tế phát triển trên thế giới.