7. Bố cục luận văn
1.2.3. Vị trí của Hồ Thuỷ Giang trong dòng chảy văn học Thái Nguyên
Sớm thành công với văn xuôi, nhất là truyện ngắn, Hồ Thuỷ Giang đã khẳng định được vị trí của mình trong dòng văn học Thái Nguyên. Ông được coi là một trong những cây bút đầu tiên có nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển của văn học Thái Nguyên. Nhà văn Hồ Thủy Giang chuyển từ nghề giáo viên sang công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên từ năm 1980. Từ đó, ông dành nhiều thời gian với niềm đam mê sáng tác văn chương của mình. Trong suốt chặng đường sáng tác thơ ca, ông đã cho ra mắt độc giả tổng số 30 cuốn sách gồm: 4 kịch bản phim truyện; 15 tập truyện ngắn; 5 tiểu thuyết, 5 tập truyện thiếu nhi, còn lại là các tập thơ và tập phê bình văn học. Trong đó những tác phẩm nổi bật có thể kể đến các tiểu thuyết như: Tể tướng Lưu Nhân Chú, Con đường cát bụi,…Những đóng góp không mệt mỏi
ấy đã được ghi nhận bởi trên 25 giải thưởng từ cấp Trung ương đến địa phương ở các thể loại. Đặc biệt về đề tài tiểu thuyết lịch sử, Hồ Thuỷ Giang đã có sự nỗ lực không ngừng để chuyển thể từ kịch bản phim truyền hình do ông viết thành hai cuốn tiểu thuyết: Tể tướng Lưu Nhân Chú (từ tác phẩm điện ảnh cùng tên) và Thái Nguyên - 1917 (từ bộ phim Dưới cờ phục quốc).
Viết về tiểu thuyết lịch sử ở Thái Nguyên chúng ta có thể kể đến các tác giả như Phan Thức, Ngọc Thị Kẹo, Ma Trường Nguyên… với những sáng tác như Thượng thư Đỗ Cận, Ông Ké thượng cấp hay Nhật kí cô văn thư.
Trong tiểu thuyết Thượng thư Đỗ Cận nhà văn Phan Thức đã viết về người anh hùng Đỗ Cận với hành trình gian nan khi “tầm sư học đạo”, sau đỗ đạt, ra làm quan với những phẩm chất hiếu học, quyết tâm vượt khó, sống có tình có nghĩa. Ông đã trở thành một vị quan thanh liêm, biết lo lắng cho cuộc sống của nhân dân, luôn giúp đỡ cho đời sống của những người nghèo khổ.
Với Ông Ké thượng cấp, Ma Trường Nguyên đã tái hiện lịch sử về quá
trình hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kì Người ở chiến khu Việt Bắc, từ những năm người ở Pắc Bó - Cao Bằng đến những năm lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp thắng lợi ở chiến khu Việt Bắc (Tuyên Quang, Định Hóa - Thái Nguyên). Tác giả đã khắc họa sinh động hình ảnh Bác Hồ trong lòng người dân vừa gần gũi lại thân thương như “ông Ké” của bản làng. Với các chiến sĩ, Bác lại là một người lãnh đạo cao cả, vĩ đại như một thiên tài cách mạng. Những năm thắng chiến khu Việt Bắc cũng được tạo dựng không khí đầy hào hùng trong tác phẩm này.
Ở Nhật kí cô văn thư, tác giả Ngọc Thị Kẹo đã đề cập đến một hiện thực lịch sử của những năm chống Mĩ ở Thái Nguyên. Qua lời kể của cô văn thư với những dòng nhật kí đẫm nước mắt, bạn đọc xót xa trước sự ra đi mất mát của những người đồng đội. Đó là sự kiện lịch sử về đêm Nô en định mệnh 24/12/1972 khi Mỹ ném bom B52 tại ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên khiến 59 đội viên của đại đội 915 và đại đội phó là Nguyễn Thế Cường đã hy sinh khi đang bốc xếp hàng hóa để chuyển vào chiến trường miền Nam. Những đau thương mất mát của một thời kì lịch sử của dân tộc đã được tái hiện thật cụ thể, sinh động.
Cũng chung mạch viết về lịch sử này, Hồ Thuỷ Giang được đánh giá là “người viết tiểu thuyết lịch sử có số lượng nhiều và thành công hơn cả” [22, tr.9].
Với ba tiểu thuyết: Tể tướng Lưu Nhân Chú (2018), Thái Nguyên 1917
(2017) và Những người mở đường (2016), Hồ Thuỷ Giang đã khẳng định vị trí quan trọng của mình khi viết về đề tài lịch sử ở Thái Nguyên.
Tác phẩm Tể tướng Lưu Nhân Chú viết về người anh hùng Lưu Nhân
Chú - người con của mảnh đất Thái Nguyên trong công cuộc chống giặc Minh xâm lược ở nước ta thế kỷ XIV - XV. Cùng tụ nghĩa với Lê Lợi - người anh hùng áo vải ở Lam Sơn để làm nên những chiến thắng oai hùng, Lưu Nhân Chú đã được khắc hoạ với những phẩm chất tốt đẹp, võ công phi thường. Xuất thân là một chàng trai nông thôn miền núi, với lòng yêu quê hương sâu sắc, ông đã trở thành một trong những vị tướng tài tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn cùng chủ tướng Lê Lợi đánh tan quân giặc, giành lại tự do cho dân tộc. Tiểu thuyết
Thái Nguyên 1917 là cuốn tiểu thuyết lịch sử kể về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên những năm đầu thế kỷ XX chống thực dân Pháp. Khi thực dân Pháp áp bức bóc lột dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đội Cấn và vị quân sư tài ba Lương Ngọc Quyến cùng các anh em trong trại lính khố xanh đã lập kế hoạch để phất cờ khởi nghĩa dành độc lập dân tộc. Tuy cuối cùng cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng lịch sử đã ghi nhận qua đó đã cho thấy được lòng dũng cảm, mưu trí của những người anh hùng xả thân vì đất nước, những dấu ấn lịch sử hào hùng của mảnh đất và con người Thái Nguyên không dễ khuất phục trước kẻ thù. Những
người mở đường là bản tráng ca của những thanh niên xung phong trong đại
đội 915 được Hồ Thuỷ Giang kể lại qua dòng hồi tưởng của những người sống sót trở về. Tác phẩm đã kéo quá khứ gần hơn với hiện tại, hiện thực đa chiều được hiện ra với nhiều màu sắc khác nhau. Giữa chiến tranh với hòa bình, người đã khuất và người ở lại... đầy day dứt. Sự xót xa khi mất đi những đồng đội đã cùng gắn bó và mảnh đất thiêng liêng nơi lưu giữ những kỉ niệm khó quên. Những niềm tin về một ngày mai tươi sáng như những đốm lửa được thắp lên trên mảnh đất Thái Nguyên.
Có thể nói, ba tiểu thuyết của Hồ Thuỷ Giang đã tái hiện những dấu ấn lịch sử hào hùng của vùng đất Thái Nguyên từ thời trung đại (Tể tướng Lưu
Nhân Chú), cận đại (Thái Nguyên 1917) và đến hiện đại (Những người mở đường) với những người con anh hùng tiêu biểu của dân tộc. Cùng với những
tiểu thuyết lịch sử của Phan Thức (Thượng thư Đỗ Cận), Ma Trường Nguyên (Ông Ké thượng cấp), Ngọc Thị Kẹo (Nhật kí cô văn thư), Hồ Thuỷ Giang đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo, hình hài cho tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên - mảnh đất với nhiều dấu tích lịch sử quan trọng, nơi ươm mầm màu mỡ cho những trang viết tiếp theo về đề tài lịch sử.
Tiểu kết chương 1
Ở chương 1 chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu lí luận cơ bản về tiểu thuyết lịch sử với các đặc trưng tiêu biểu làm tiền đề cho những nghiên cứu cụ thể ở chương 2. Tiểu thuyết lịch sử có những đặc trưng riêng nhưng luôn mang chứa trong nó những dữ liệu lịch sử và yếu tố hư cấu của người nghệ sĩ. Hồ Thuỷ Giang là tác giả tiêu biểu của văn học Thái Nguyên. Ông có nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển của văn học Thái Nguyên, trong đó phải kể đến những đóng góp tiêu biểu của những cuốn tiểu thuyết lịch sử về vùng đất và con người Thái Nguyên. Đây là những trang văn đầy tự hào về đất và người Thái Nguyên. Chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ những giá trị của tiểu thuyết lịch sử Hồ Thuỷ Giang ở những chương tiếp theo.
Chương 2
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN VỀ NỘI DUNG TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA HỒ THỦY GIANG