7. Bố cục luận văn
3.2.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật
Trong tiểu thuyết Những người mở đường, nhân vật Thịnh cũng được
miêu tả nhiều từ góc độ tâm lý. Đó là những dòng hồi tưởng đứt đoạn về quá khứ nơi ông đã từng chiến đấu cả một thời tuổi trẻ, nơi có máu xương đồng đội ông đã ngã xuống. Ông trở lại tìm dấu tích của Ga Lưu Sơn sau hơn 30 năm đi xa để nhớ về đồng đội ông nhưng không ai còn nhớ đến nơi đó nữa. “Ông buồn
bã thầm nghĩ: “Đường xá nhìn mà chóng mặt. Không còn nhận ra bất cứ một ngõ ngách nào nữa. Cứ như chim chích lạc rừng. Vậy mà mấy chục năm trước, người dân thành phố này đã từng tôn ta lên như một người anh hùng” [10, tr.19]. Đó là
những trăn trở, dằn vặt, những xót xa khôn nguôi của người ở lại khi chưa yên lòng vì vẫn thấy đồng đội của mình chưa có một cuộc sống tốt đẹp, những hi sinh của họ chưa được ghi nhận. Chính những dòng tâm trạng như vậy đã cho thấy chân dung một người lính, một người đồng đội, vị thủ trưởng trực tính nhưng luôn chân thành, hết lòng vì anh em, đồng đội.
Nhân vật người anh hùng Lưu Nhân Chú được xây dựng mang màu sắc của đất và người Thái Nguyên. Viết về một tướng quân nhưng tác giả không chỉ khai thác ở phương diện người anh hùng với những chiến công hiển hách góp phần đánh giặc cứu dân mà đã tô đậm chân dung một con người đời thường với tâm trạng nhớ thương về những người thân yêu, quê hương bản quán và cả những rung động của trái tim trước tấm chân tình của một cô gái. Đặc biệt hơn đó là tâm trạng trăn trở, đau đớn đậm tính nhân văn trước những mất còn của kiếp người với cảnh đầu rơi máu chảy.
Nhân vật Lưu Nhân Chú được xây dựng với những nét phác hoạ ngoại hình đơn giản nhưng nội tâm được miêu tả khá đặc biệt. Đó là vị tướng quân tài ba, võ nghệ cao cường nhưng cũng là một con người đầy lòng trắc ẩn, có tình có nghĩa và luôn nặng lòng với quê hương bản quán. Hình ảnh tướng quân luôn gắn liền với tiếng sáo da diết, mang “âm luật dân ca người Thổ quê hương của
tướng quân Lưu Nhân Chú” [11, tr.133]. Tiếng sáo đã chứa đựng trong đó văn
hoá và hồn cốt của con người quê hương Thái Nguyên. Đó là tâm hồn những người con của núi, chân thực, mộc mạc nhưng cũng đầy ân nghĩa. Mỗi khi tiếng sáo vang lên như đưa hồn người trở về những khúc hát lượn, đối đáp, giao duyên tình tứ của trai gái người Thổ. Tiếng sáo đã nói hộ nỗi lòng của bao chàng trai cô gái vùng đất Thuận Thành, Đại Từ, Thái Nguyên. Trong những lúc đau buồn hoặc nhớ nhà, tướng quân Lưu Nhân Chú thường mang sáo ra
thổi. Và mỗi khi tiếng sáo cất lên, người nghe thấy da diết một nỗi lòng yêu thương dành cho quê hương và những người thân yêu của Lưu Nhân Chú. Tiếng sáo đã trở đi trở lại nhiều lần trong tiểu thuyết và mỗi lần tiếng sáo xuất hiện đều thể hiện tâm trạng đầy trăn trở của một vị tướng quân tài ba.
Tiếng sáo lần đầu tiên xuất hiện “ngân dài trong đêm”, “réo rắt, ngân nga bay vào tận rừng sâu” như muốn thốt lên: “Cha ơi! Em rể Phạm Cuống ơi!
Chúng ta đã tìm thấy con đường diệt giặc rồi!” [11, tr.45]. Đó là ngày chàng
trai của mảnh đất Thái Nguyên đã tìm được minh tướng của mình. Âm điệu của tiếng sáo bày tỏ tâm trạng hân hoan khi chàng trai “thủ lĩnh phường săn” Lưu Nhân Chú đã tìm ra con đường cứu làng bản, quê hương.
Cây sáo đã trở thành vật bất li thân của Lưu Nhân Chú trên con đường mộ quân, tụ nghĩa, về với nghĩa quân Lam Sơn và chủ tướng Lê Lợi. Bởi “anh mang
theo cây sáo là mang theo cả quê hương Đại Từ của chúng ta” [11, tr.55]. Mỗi
khi buồn nhớ, tiếng sáo là nỗi lòng của tướng quân gửi về người vợ đảm đang nơi quê nhà với “bàn tay như múa bên khung cửi”, “những đường kiếm liên
hoàn như mưa sa gió cuốn”, là nỗi vương vấn của “mùi hương sả thoảng bay đâu đó” trên mái tóc Slao - cô gái Thổ xinh đẹp được anh cứu khỏi bàn tay bạo
ngược của tên quan nhà Minh - đã thầm yêu trộm nhớ anh từ những ngày đi hội Lồng Tồng, ném còn, hát đối….
Đêm Lam Sơn, “Lưu Nhân Chú ngồi ung dung thổi sáo bên mỏm đá lớn
bên bờ suối”, hình ảnh vợ hiền hiện ra, “nỗi nhớ quê hương làm lòng anh như quặn lên” [11, tr.79]. Và khi tâm tư được thông tỏ và đồng cảm qua những tậm
sự của Nguyễn Trãi, “tiếng sáo trong vắt vút lên, phá tan bầu không khí u tịch” [11, tr.83], như tiếng lòng trong sáng phò vua cứu nước của người tướng giỏi có xuất thân từ núi rừng Thái Nguyên.
Tiếng sáo của tướng quân Lưu Nhân Chú không chỉ dành cho riêng ông với những nỗi đau thầm kín trong lòng mà nó đã thức tỉnh tâm hồn người thủ lĩnh cầm quân. Khi mất đi người con gái đầy ân tình và tài giỏi, tiếng sáo ai
oán, nức nở như tiếng lòng ân hận của Lưu Nhân Chú đã khiến “Lê Lợi sa nước mắt” khi nhớ về quê hương, bản quán và những người thân yêu của mình. Tiếng sáo ai oán về nỗi đau mất người thân yêu của Lưu Nhân Chú đã làm thức tỉnh nỗi niềm của người chủ tướng về một trận chiến: “Chẳng lẽ lại thêm mấy
vạn đầu người phải rơi xuống dưới tay ta?”. Điều đó đã làm thay đổi quyết
sách của Lê Lợi từ dự định tấn công thành Đông Quan sang cầu hoà, chiêu binh, gọi hàng quân giặc để tránh tổn thất cho binh sĩ.
Tiếng sáo còn là tâm trạng của nỗi đau chiến trận trước những cái chết vô nghĩa. Nó có sức mạnh tố cáo mãnh liệt nhất đối với những cuộc chiến tương tàn thảm khốc. Tướng quân Lưu Nhân Chú đã ngót chục năm chinh chiến, nhưng chỉ đến khi trực tiếp chứng kiến cái chết của Slao, (nàng tắt thở trên tay tướng quân vì một mũi tên đỡ thay cho người nàng yêu), mới cảm nhận thấy: “Có lẽ mạng người là thứ quý giá nhất”. Và vị quân sư tài giỏi Nguyễn Trãi tin rằng, chính những người như tướng quân Lưu Nhân Chú sẽ làm cho “lịch sử bớt đi màu tối”.
Tiếng sáo thức tỉnh lương tri kẻ thù để nhận ra những điều Chân, Thiện, Mĩ của cuộc đời, để thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn, trân trọng văn hoá, tập quán quê nhà, gợi nhớ và yêu thương những người thân yêu! Nghe tiếng sáo của Lưu Nhân Chú, tướng giặc Vương Thông phải thốt lên: “Đã bao năm bôn ba chinh
chiến, thắng thua đã nhiều, thấy đầu rơi, máu chảy cũng lắm. Tưởng con tim đã cằn cỗi, chai sạn, vậy mà hôm nay nghe tiếng sáo của Lưu tướng quân, tôi bỗng thấy lòng khắc khoải nhớ cố quốc quá” [11, tr.189]. Rõ ràng, hình ảnh
tiếng sáo đã được xây dựng như một biểu tượng thể hiện tâm hồn nhân ái, yêu thương, giàu lòng vị tha và mang đậm sắc màu văn hoá quê hương của tướng quân Lưu Nhân Chú. Điều này đã làm nên nét riêng ở nhân vật anh hùng Lưu Nhân Chú, đưa nhân vật từ lịch sử trở về với đời thường và đậm tính nhân văn.