7. Bố cục luận văn
3.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động
Trong việc xây dựng nhân vật, ngoại hình và hành động của nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng để người đọc nhận biết chân dung nhân vật. Trong tiểu thuyết lịch sử, nhân vật người anh hùng luôn được các tác giả chú trọng xây dựng hình ảnh từ dáng vẻ ngoại hình đến nội tâm tư tưởng. Trước hết, ở việc miêu tả chân dung, ngoại hình, người anh hùng thường được tái hiện từ góc nhìn chính diện. Đó là những con người được khắc hoạ ở tài năng và nhân cách. Với Hồ Thuỷ Giang, ông cũng kế thừa cách xây dựng nhân vật này trong các tiểu thuyết lịch sử của mình khi viết về người anh hùng.
Trước hết, ngoại hình nhân vật Lưu Nhân Chú được vẽ lên bằng những nét khái quát, đó là “một thanh niên chừng hai mươi tuổi, cao lớn, gương mặt
khôi ngô tuấn tú, đầu to, lông mày rậm, cặp mắt sáng quắc”[11, tr.11]. Chỉ
bằng những nét phác thảo thô, nhấn mạnh vào khuôn mặt tuấn tú với đôi mày rậm, đôi mắt sáng quắc đã hiện lên hình dáng của một con người trẻ tuổi nhưng đầy nghị lực và thông minh.
Đặc biệt, nhân vật anh hùng Lưu Nhân Chú còn được khắc hoạ khá ấn tượng qua hành động săn lợn rừng ở ngay những trang mở đầu tác phẩm: “Con
lợn lao vọt vào đúng chỗ Lưu Nhân Chú và chàng thanh niên mặc áo chàm ẩn nấp. Chàng thanh niên áo chàm hoảng hồn vội cúi rạp mình xuống sát đất. Bất thần, Lưu Nhân Chú nhảy vọt qua tảng đá, lộn người về phía con lợn lòi bị thương. Anh né tránh cú hất đầu của con thú rồi túm lấy hai chân sau của nó, vặn ngược. Con thú mất đà, chổng bốn vó lên trời. Nhanh như cắt, Lưu Nhân Chú cưỡi lên bụng con thú, đè nghiến xuống. Con thú giãy giụa nhưng không thể thoát khỏi đôi cánh tay cứng như thép của Lưu Nhân Chú bấu chặt lấy yết hầu” [11, tr.12]. Với những hành động nhanh, mạnh, mưu trí như: nhảy vọt, né tránh, túm lấy, vặn ngược... Lưu Nhân Chú đã chế ngự được con lợn rừng hung
dữ. Qua đó nhân vật hiện lên là một chàng trai khoẻ mạnh, dũng cảm hơn người. Đây chính là điểm nhấn để tác giả hướng người đọc biết đến một tướng võ giỏi giang của lịch sử.
Nhân vật Cai Mánh trong tác phẩm Thái Nguyên 1917 là người tính tình bộc trực, ngay thẳng nhưng nóng nảy. Điều này được bộ lộ ngay ở thái độ bề ngoài khi đối thoại với cai trực ban:
“- Hôm nay là ngày 30 sao chúng nó không phát lương? Định ăn quịt của bố nó à?
- “Cai Mánh vằn mắt:
- Thằng Phó Quản Lạp thì tao cũng chửi cha lên chứ tao sợ à? […] Cai Mánh càng hăng tiết, quát to:
Tao sợ đ…gì thằng Đội Hành. Tao thách thằng dê cụ ấy lên tâu hót với quan thày. Đây Mo phú tuốt.” [12, tr.8-9]
Qua đoạn đối thoại trên, chúng ta thấy hành động của Cai Mánh như: vằn
mắt, quát to… cho thấy đây là một người trực tính và không sợ bọn quan lại,
dám đấu tranh cho lẽ phải.
Trái ngược lại tính cách của Cai Mánh, Đội Cấn lại được khắc hoạ với tính cách ôn hòa, nhẫn nại biết khuyên giải anh em những lúc nóng giận để họ biết vì đại nghĩa mà dẹp bỏ cái tôi và cá tính:
“ Đội Cấn ôn tồn:
- Chú còn nợ quán mụ Ba Tẩy mấy đồng? Tôi còn tiền đây, cầm mà trả mụ cho êm chuyện.
- Tôi lo lắm chú Mánh ạ. Đêm nay là khởi sự rồi. Nếu chú bị chúng bắt giam thì tôi biết xoay xở ra sao? Vì vậy chú phải vì tôi, vì anh em mà dằn lòng lại chứ” [12, tr.10-11].
Qua hành động biết chia sẻ và cảm thông, Đội Cấn đã luôn được lòng anh em trong trại lính khố xanh.
Không chỉ vậy, với tư thế của vị đô đốc chủ soái, linh hồn của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, khí phách của người anh hùng Đội Cấn được thể hiện qua hành động và thái độ kiên quyết, dứt khoát chống giặc đến cùng; qua việc cắt đặt, sắp xếp, bố trí cho buổi tấn công:
- Hỡi anh em nghĩa sĩ! Tôi tuyên bố: Đúng hai mươi ba giờ sẽ khai hỏa cuộc khởi nghĩa trọng đại này. Bây giờ xin mời anh em nhanh chóng trở về vị trí để lo đại sự [12, tr.115].
Đại đô đốc Trịnh Văn Cấn đứng trên cái bệ cột cờ, giọng sang sảng: - Thiếu tá Lự dẫn hai tiểu đội đánh chiếm tòa công sứ […]
Thiếu tá Lự nói như thét lên: - Rõ!
[…] Tiếng Cấn vẫn oang oang không ngớt:
- Thiếu tá Xuyên, thiếu tá Yên dẫn một trung đội đánh vào Sở Sen đầm. Lưu ý chiến thuật cường tập” [12, tr.120].
Rõ ràng ở đây, cùng với thái độ dứt khoát là những hành động phân công công việc rất cụ thể và quyết đoán. Điều này đã góp phần thể hiện chân dung của những người dũng tướng.
Cùng với Đại đô đốc Trịnh Văn Cấn, quân sư Lương Ngọc Quyến nhà quân sự tài ba với tấm lòng yêu nước sâu sắc đã từng được nhà cách mạng Phan Bội Châu đánh giá: “là người thật có khí phách hăng hái…bỏ nhà vượt biển trốn sang Nhật có một mình…Lương Quân vốn là một thanh niên chứa sẵn kì khí, có hoài bão cao xa, chỉ nghe tôi nói qua Đông Kinh, thành ra mạnh bạo bỏ nhà, bỏ nước ra đi. Bọn thiếu niên anh tuấn của ta sau này có mấy người được như Lương Quân” (dẫn theo Chương Thâu) [12, tr.99].
Lương Ngọc Quyến con người anh dũng, mưu lược, hi sinh tuổi thanh xuân cho tổ quốc:
“Cũng từ đấy, sức lực và tâm trí Lương Ngọc Quyến đã dồn tất cả cho con đường cứu nước. Học xong trường Chấn võ Học hiệu ở Nhật Bản anh lại học tiếp trường sĩ quan Bắc Kinh và có nhiều năm làm sĩ quan phục vụ trong quân đội Trung Hoa. […]
Thời gian này Lương Ngọc Quyến bị giặc truy đuổi ráo riết. Anh phải trốn sang Hương Cảng nhưng vẫn sa vào tay giặc. Bị đưa hết nhà tù này đến
nhà tù khác rồi cuối cùng bị quản thúc chặt chẽ tại đền lao Thái Nguyên này. Suốt một thời trai trẻ gian truân không được một giây phút nghỉ ngơi nhàn tản, Lương Ngọc Quyến đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho con đường cứu nước vẻ vang. Giờ đây, đôi bàn chân tê liệt của anh bị tra trong gông cùm của gian xà lim đặc biệt này của giặc nhưng anh vẫn không hề một lời than thân trách phận” [12, tr99-100].
Tình yêu, sự mất mát, hi sinh của các chiến sĩ trẻ trong chiến tranh:
“Bàn tay Giá ngập ngừng rồi khẽ nắm lấy tay Luyến. Luyến để yên bàn tay trong tay Giá, lòng bồi hồi như muốn rơi nước mắt.” […] [12, tr160].
“Dứt lời hô, Giá cố đuổi theo “con bướm trắng” phía trước. Anh đau đớn kêu lên: “Luyến ơi, sao em liều lĩnh thế”
Súng máy địch vẫn nổ chát chúa.
Luyến chợt sững lại, xiêu vẹo chạy về phía trước vài bước rồi gục xuống. “Con bướm trắng” chấp chới, xõa cánh trên mặt đất khét lẹt.
Giá lao như điên dại về phía Luyến.”[…] [12, tr.170-171]. “Luyến khẽ nấc. Người cô trĩu trên vai Giá.
Giá đặt nhẹ Luyến xuống bãi cỏ cháy xác xơ. Anh giơ hai tay lên trời gào lên thảm thiết:
- Luyến! Luyến ơi! Luyến ơi!
Tiếng gọi của Giá vọng vào tận rừng sâu.” [12, tr175].
Với tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú cách xây dựng nhân vật từ những chi tiết lịch sử được tác giả Hồ Thủy Giang khắc họa rõ nét hơn.