Cốt truyện mang màu sắc huyền sử về nhân vật anh hùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết lịch sử của hồ thủy giang (Trang 65 - 68)

7. Bố cục luận văn

3.1.1. Cốt truyện mang màu sắc huyền sử về nhân vật anh hùng

Hầu hết các tiểu thuyết lịch sử đều bắt nguồn từ những sự kiện có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, không phải là những tác phẩm ghi lại dấu tích lịch sử, tiểu thuyết lịch sử còn có sự hư cấu của nghệ thuật. Chính vì vậy, nhân vật và các sự kiện lịch sử đôi khi không phải là những thông tin chính xác như trong những cuốn biên niên sử của dân tộc, mà mang màu sắc huyền thoại. Huyền sử gắn liền với truyền thuyết về tể tướng Lưu Nhân Chú - một trong những yếu nhân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã có công làm rạng danh vùng Thái Nguyên và đất Việt. Về mặt thông tin lịch sử, Lưu Nhân Chú người quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là vị tướng tài năng xuất chúng có công lớn cùng với Nguyễn Trãi phò giúp Lê Lợi, dẫn dắt nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược vào thế kỉ XV, được vua Lê Thái Tổ phong ngôi Tể tướng. Tiếc rằng, năm 1433 Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên thay nhưng còn nhỏ, Lê Sát làm phụ chính, vì ghen ghét mà ngầm sai người đánh thuốc độc giết hại Lưu Nhân Chú. Tư liệu để lại về danh nhân này là rất ít so với một con người, một cuộc đời, một thời đại như vậy. Đằng sau một tầm vóc như thế là biết bao những ẩn mật mà nếu được nhận diện đúng - rõ - đủ hơn thì chúng ta sẽ không chỉ đến gần hơn với cha ông trên chính quê hương Thái Nguyên mình, mà còn hiểu thêm nhiều tầng bậc của lịch sử đất nước.

Nhà tiểu thuyết lịch sử vừa phải đảm bảo được tính chính xác tương đối theo phương diện nào đó về “cái đã có” (sự thật lịch sử), vừa phải nói lên được “cái có thể có” (hư cấu nghệ thuật) về lịch sử trong tác phẩm. Bằng không, nhà văn hoặc là biến mình thành nô lệ của thông tin, hoặc là trở thành một kẻ phản

bội thông tin. Vấn đề của tài năng là ở chỗ nhà văn phải làm sao tránh được cả hai tình thế trên, để trở thành người đi đường quyến rũ. Chọn Lưu Nhân Chú làm hình tượng trung tâm, Hồ Thủy Giang hẳn phải biết trước những thử thách cũng như những vẫy gọi từ nhân vật lịch sử này.

Thông tin lịch sử có thể bị mờ khuất bởi nhiều sự che phủ, đôi khi đơn giản là vì những lưu chép nặng tính chủ quan của người viết sử chẳng bao giờ có thể đủ đầy so với trùng trùng lớp lớp ẩn tích của quá khứ. Lưu Nhân Chú cũng là một lịch sử như thế. Quan trọng là trên con đường của mình, ta khai thác các dấu chỉ lịch sử ra sao?

Dường như bám chắc câu hỏi này, trên hành trình khám phá, Hồ Thủy Giang đã đan trộn rất nhuyễn giữa các yếu tố hiện thực và lãng mạn, sự thật và hư cấu, trong đó có các thái cực chiến tranh và tình yêu, cống hiến và tư lợi, hận thù và bao dung, hủy diệt và bất diệt, quân tử và tiểu nhân, thành và bại, sống và chết v.v… để kể cho ta câu chuyện nhuốm màu huyền sử, một câu chuyện khốc liệt mà đẹp, say mê mà thuyết phục. Trong tiểu thuyết này, Lưu Nhân Chú mang thân phận dòng dõi, từ nhỏ đã vừa tài nghệ cao cường vừa mang tư chất kẻ sĩ, không chịu cúi đầu hàng giặc để hưởng vinh nhàn mà âm thầm nung nấu chí lớn, cũng không phải là kẻ võ biền chỉ biết đụng tay mà biết nhìn rộng nghĩ sâu. Nhìn giặc tung hoành gieo tội ác cho dân làng, sau khi kĩ lưỡng và tinh tường để suy xét và lựa chọn đường đi nước bước, Lưu Nhân Chú quyết chí phụng sự Lê Lợi lo nghiệp lớn.

Với tiểu thuyết Thái Nguyên 1917 Hồ Thủy Giang làm nổi bật nhân vật anh hùng Trịnh Văn Cấn là người ưa giản dị, can đảm, trong sạch. Những ngày đầu, nghĩa quân còn đóng ở tỉnh lỵ các tướng lĩnh khác của quân khởi nghĩa cũng thích mặc các bộ binh phục uy nghiêm, đeo phù hiệu, thậm chí có người còn đeo cả bài ngà (riêng ông Cấn chỉ mặc bộ áo dạ vàng, đội mũ nâu). Khi thư thả ông mặc quần áo lụa, đội nón rộng vành, đi dép dừa, tay cầm can. Đối với tướng lĩnh và nghĩa quân, ông có thái độ trang nghiêm nhưng khoan hoà, có kỉ

luật chặt chẽ. Trong chiến đấu ông chỉ huy vững vàng không lúc nào tỏ ra sợ hãi. Một tay cầm ống nhòm, một tay cầm súng lục, vai khoác khẩu Mútkơtong luôn nạp đạn. Những lúc đạn địch bắn như mưa hoặc có khi nguy cấp, ông vẫn bình tĩnh, ngẩng đầu thản nhiên đàng hoàng, chưa thấy ông cúi đầu hay khom lưng đi bao giờ. Tính tình ông độ lượng, không hiếu sát giết người. Ông tha nhiều người bị nghi oan là do thám, ban quân lệnh rất nghiêm, cấm binh lính không được lấy của dân, không được hà hiếp dân, ông hiểu và thông cảm với nhân dân.

Chính vì tư cách đạo đức tốt của người chỉ huy và của nghĩa quân nên quần chúng nhân dân hết lòng giúp đỡ, ủng hộ tận tình. Dân chúng từ già đến trẻ, nam giới, nữ giới tình nguyện dẫn đường, chu cấp nuôi dưỡng thương binh, biếu tặng thực phẩm… Đó chính là những nét điển hình của sự nghiệp chính nghĩa vì dân, của lòng yêu nước, của một thứ căn cứ địa lòng người vô giá .

Và sự hi sinh của vị anh hùng này cùng với quân sư Lương Ngọc Quyến mang màu sắc huyền sử sâu sắc. Ở Lương Ngọc Quyến khi nghĩa quân bị giặc phục kích ông không muốn trở thành gánh nặng cho mọi người ông đã nhờ Đội Cấn giúp ông kết liễu để không phải nhìn thấy cảnh quân thù giày xéo lên lá cờ tổ quốc “hãy bắn vào trái tim tôi, hãy để cho tôi chết, tôi không muốn nhìn thấy

thực dân Pháp giày xéo lên lá cờ cách mạng.”

Đó là câu nói cuối cùng của Lương Ngọc Quyến trưa hôm mồng 5-9- 1917, lúc Thái Nguyên đang thập phần nguy cấp vì thiếu quân tiếp viện. Quang Phục quân được lệch rút lui sau 7 ngày giành được độc lập cho Thái Nguyên. Đội Cấn đã sắp sẵn cáng võng để đưa ông đi theo, nhưng ông cương quyết từ chối, không muốn để anh em nghĩa quân phải chậm trễ trên đường rút lui mà mỗi bước phải quay lại chống trả với địch. Ông quyết định chết ở Thái Nguyên, lấy hồn tiễn đưa nghĩa quân. Bắt đắc dĩ, Đội Cấn phải làm theo ý nguyện ấy, sau khi sụp xuống lạy vị thủ lãnh 32 tuổi đời, gương mặt thản nhiên, đang chờ đón một cái chết bi tráng.

“Đoàng!!! Một tiếng nổ khô khan, lạnh lẽo đến độ làm tê lặng cả những trái tim! Nghĩa quân Quang Phục do Đội Cấn chỉ huy xếp hàng nghiêm chỉnh chào di thể vị anh hùng, lòng bùi ngùi đau xót, xong đào hố chôn lấp cẩn thận, san bằng mặt đất rồi mới bỏ đi.”

Như vậy, những hình ảnh đẹp về người anh hùng quên thân vì tổ quốc luôn để lại niềm xót thương, niềm tự hào trong lòng nhân dân Việt Nam bao thế hệ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết lịch sử của hồ thủy giang (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)