1. GIỚI THIỆU
2.1.1 Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển nông thôn Việt Nam – tên tiếng Anh là Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development, gọi tắt là Agribank. Đây là ngân hàng thương mại nhà nước, giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trong đầu tư vốn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế Việt Nam. NHNo hoạt động theo mô hình Tổng công ty 90, là doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt, họat động theo Luật các tổ chức tín dụng và chịu sự quản lý trực tiếp của NHNN Việt Nam.
Được thành lập từ ngày 26/3/1988 với tên gọi là Ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp Việt Nam, đến 14/11/1990 được đổi tên thành Ngân hàng Nông Nghiệp Việt Nam, và từ cuối năm 1996, Ngân hàng được đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Với tên gọi mới, ngoài chức năng của một NHTM, NHNo Việt Nam được xác định thêm nhiệm vụ đầu tư phát triển đối với khu vực nông thôn thông qua việc mở rộng đầu tư vốn trung, dài hạn để xây dựng cơ sở vật chất kỷ thuật cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy hải sản góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Hiện nay, Agribank là ngân hàng lớn nhất, dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam về vốn, tài sản, nguồn nhân lực, mạng lưới hoạt động, số lượng khách hàng. Tính đến 31/12/2018, Agribank có tổng tài sản gần 1,3 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng trong đó chủ yếu từ tiền gởi dân cư. Tổng dư nợ 958.213 tỷ đồng; 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch; Năm 2018 Agribank chính thức triển khai NH lưu động tới khắp các vùng miền trên cả nước.: đợt 1: giai đọan 1 Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đến 30 chi nhánh; đợt 2: giai đọan 1 Agribank triển khai 38 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô
chuyên dùng đến 37 chi nhánh; quan hệ đại lý với 1.034 ngân hàng tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ; được hơn 13 triệu khách hàng tin tưởng lựa chọn… Ngoài ra, Agribank còn có 8 công ty trực thuộc kinh doanh trên các lĩnh vực khác nhau như chứng khoán, vàng bạc, cho thuê tài chính, bảo hiểm, thương mại, du lịch…, có đội ngũ cán bộ nhân viên đông đảo với gần 40.000 người; trong đó gần 70% có trình độ đại học, trên đại học và cao đẳng, 80% có trình độ vi tính cơ bản.. Đây là đội ngũ nhân viên tận tụy, ham học hỏi và có khả năng tiếp cận nhanh các kiến thức, kỹ thuật hiện đại.
Ngoài thị trường chủ lực là kinh tế nông nghiệp, cùng với sự lớn mạnh của hệ thống, sự phát triển kinh tế đất nước, Agribank còn tạo được vị thế trong nhiều lĩnh vực:
- Về đối ngoại: cùng với việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các tổng công ty hình thành các đối tác chiến lược trong nước, Agribank chủ động mở rộng và khai thác có hiệu quả các mối quan hệ quốc tế, thu hút và triển khai hàng trăm dự án đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp nông thôn với tổng số vốn gần 4,2 tỷ USD từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)… và đã giải ngân hơn 2,3 tỷ USD. Đồng thời Agribank còn là một trong số ngân hàng có quan hệ ngân hàng đại lý lớn nhất Việt Nam với 1034 ngân hàng đại lý tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Nông thôn Châu Á Thái Bình Dương (APRACA), là thành viên Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Quốc tế (CICA) và Hiệp hội Ngân hàng Châu Á (ABA);
- Về phát triển công nghệ và sản phẩm dịch vụ NH: Agribank luôn chú trọng đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ NH phục vụ đắc lực cho công tác quản trị kinh doanh và phát triển màng lưới dịch vụ NH tiên tiến. Agribank là ngân hàng đầu tiên hoàn thành Dự án Hiện đại hóa hệ thống thanh toán và kế toán khách hàng (IPCAS) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Với hệ thống IPCAS đã được hoàn thiện, Agribank đủ năng lực cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, với độ an toàn và chính xác cao đến mọi đối tượng khách hàng trong và ngoài nước.
Với vị thế là NHTM hàng đầu Việt Nam, với phương châm họat động “Mang phồn thịnh đến với khách hàng” Agribank đã, đang không ngừng nỗ lực hết mình, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế của đất nước.
* Định hướng phát triển Agribank đến năm 2019 và tầm nhìn đến năm 2022:
Agribank xác định mục tiêu chung là tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò NHTM hàng đầu, trụ cột trong đầu tư vốn cho nền kinh tế đất nước, chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính, tiền tệ ở nông thôn, kiên trì bám trụ mục tiêu hoạt động cho “tam nông”. Tập trung toàn hệ thống và bằng mọi giải pháp để huy động tối đa nguồn vốn trong và ngoài nước. Duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý. Ưu tiên đầu tư cho “tam nông”, trước tiên là các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tăng tỷ lệ dư nợ cho lĩnh vực này đạt 70%/tổng dư nợ. Để tiếp tục giữ vững vị trí là ngân hàng hàng đầu cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng, đồng thời tăng nguồn thu ngoài tín dụng, Agribank không ngừng tập trung đổi mới, phát triển mạnh công nghệ ngân hàng theo hướng hiện đại hóa.
Năm 2019, Agribank phấn đấu đạt được các mục tiêu tăng trưởng cụ thể, đó là: dư nợ cho vay nền kinh tế tăng từ 11%-14%; tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 60-65%/tổng dư nợ; nợ xấu theo QĐ 01/QĐ-NHNN dưới 3%; tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn : dưới 2%, tổng thu nhập 110.000 tỷ đồng, thu nợ sau xử lý đạt 12.000 tỷ đồng, thu dịch vụ tăng 10%-15% lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt tối thiểu 10,6%, các tỷ lệ an toàn trong hoạt động : đảm bảo theo quy định.
Để đạt được các mục tiêu trên, Agribank tập trung toàn hệ thống thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Trước tiên, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, kịp thời chủ trương của Chính phủ, NHNN Việt Nam về chính sách tiền tệ.
- Đẩy mạnh huy động vốn từ nhiều nguồn. Tăng cường hợp tác, kết nối thanh toán với các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Tăng cường huy động vốn tại các đô thị, thành phố để bổ sung vốn cho nông thôn, đảm bảo các yêu cầu vốn phục vụ “tam nông”.
- Thực hiện đầu tư có chọn lọc và có trình tự ưu tiên, tập trung thu hồi nợ đến hạn và nợ xấu để quay vòng vốn đáp ứng vốn cho „tam nông” và các chương trình trọng điểm của Chính phủ, đảm bảo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống theo đúng chỉ đạo của NHNN.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu giai đoạn năm 2016-2020 theo đề án đã được NHNN phê duyệt và chuẩn bị các bước để tiến hành lộ trình cổ phần hóa. Từng bước lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính, tiến tới đạt các chuẩn mực quốc tế theo Basell II.
- Phát triển mạnh công nghệ NH theo hướng hiện đại hóa trên hệ thống IPCAS II để phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới có chất lượng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, nâng cao thế cạnh tranh, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm thanh toán như thanh toán biên giới, chi trả kiều hối, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư giấy tờ có giá.
- Không ngừng hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ theo mô hình quản lý mới phù hợp với thông lệ quốc tế của ngân hàng hiện đại.
- Đặc biệt, chú trọng xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực mạnh về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của Agribank trong giai đoạn mới, đưa thương hiệu, văn hóa Agribank không ngừng lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng trong nước và vươn xa hơn trên thị trường khu vực và quốc tế, với phương châm vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của NH, khách hàng, đối tác và cộng đồng
2.1.2 Giới thiệu về Agribank Bến Tre
Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre là Chi nhánh thành viên của Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), được thành lập vào ngày 26//3/1988 theo QĐ39/NH-TCCB ngày 26/03/1988 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Từ lúc thành lập chi nhánh có mạng
lưới: 01 hội sở tỉnh, 07 chi nhánh huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Chợ Lách. Nhân sự được chi nhánh NHNN Tỉnh Bến Tre đưa sang khá đông với 547 cán bộ công nhân viên trình độ còn hạn chế. Toàn chi nhánh tốt nghiệp cấp 3 có 347 người (chiếm 68,37%) trong đó đã qua đại học 35 người (6,39%), trung học 178 người, số còn lại là sơ học hoặc chưa qua đào tạo. Với nguồn vốn hoạt động khoảng 3.140 triệu đồng, dư nợ khoảng 15.036 triệu đồng, chủ yếu là dư nợ các doanh nghiệp do địa phương quản lý, làm ăn hiệu quả thấp, thường xuyên lỗ, nợ quá hạn có lúc lên đến từ 50% đến 60%/tổng dư nợ.
Tuy nhiên, trải qua hơn 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Agribank Bến Tre hiện là doanh nghiệp được xếp hạng 1, là một trong những chi nhánh lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có qui mô lớn về mạng lưới, nguồn vốn hoạt động, dư nợ và số lượng khách hàng có quan hệ vay vốn.
Đến nay, Agribank Bến Tre có 01 Hội Sở tỉnh, 10 chi nhánh Huyện, Thành phố, 44 phòng giao dịch và điểm giao dịch, 29 máy ATM, đã tạo ra nhiều kênh để khách hàng tiếp cận giao dịch. Đến cuối năm 2018, nguồn vốn huy động đạt 12.487 tỷ đồng, Trải qua hơn 30 năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân hàng năm 15%, tổng dư nợ đến cuối năm 2018 đạt trên 11.815 tỷ đồng, với trên 102.597 khách hàng thuộc các thành phần kinh tế thường xuyên vay vốn, chiếm 43,8% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành. Trong đó, nông nghiệp, nông thôn chiếm60%. Tổng số cán bộ viên chức lao động trong đơn vị đến cuối năm 2018 là 495 người, trong đó nữ là 333 người, chiếm tỷ lệ 67,3%. Về trình độ chuyên môn: Thạc sỹ 32 người, đại học 378 người, cao đẳng 08 người, trung cấp 44 người, sơ học và nghiệp vụ khác 33 người.
Cơ cấu bộ máy tổ chức của chi nhánh được bố trí đứng đầu là giám đốc và các phó giám đốc, dưới là các phòng chức năng và các chi nhánh huyện, thành phố và tiếp theo là các phòng giao dịch.
Nguồn: Agribank Bến Tre
Sơ đồ 2.1: Sơ đồ tổ chức Agribank Bến Tre