Không gian thiên nhiê nu ám, đen tối, dữ dội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong sáng tác của tô hoài về đề tài miền núi (Trang 82 - 85)

8. Cấu trúc của đề tài

3.2.1.1. Không gian thiên nhiê nu ám, đen tối, dữ dội

Thiên nhiên là “phương tiện nghệ thuật”, là chiếc gương soi để nắm bắt, bộc lộ tâm trạng bên trong của con người. Nhà văn Tô Hoài đã sử dụng “phương tiện

nghệ thuật” ấy thực sự hữu hiệu. “Đọc Tô Hoài, thấy con người luôn luôn là một sự

cộng hưởng với thiên nhiên và lịch sử” [34, tr. 45]. Tô Hoài đã có nhiều năm liền gắn

bó, sinh sống với mảnh đất vùng cao, ông đã coi đó là quê hương thứ hai của mình nên ông là người rất thấu hiểu những đau thương, buồn vui, căm giận của đồng bào trên mảnh đất vùng cao ấy. Vì vậy, khi viết về thiên nhiên, Tô Hoài đã không tô hồng hiện thực hay tránh né sự thật, mọi sự vật hiện tượng đều được ông phơi bày rõ ràng trên trang sách. Xây dựng không gian thiên nhiên u ám, đen tối, dữ dội, Tô Hoài giúp người đọc hiểu được nỗi thống khổ của người dân miền núi trong xã hội cũ. Họ vừa phải chịu những khắc nghiệt mà thiên nhiên mang lại, vừa phải chịu sự đè nén, bóc lột của thù trong giặc ngoài. Đó là tay sai phong kiến miền núi và thực dân, đế quốc xâm lược. Chưa hết họ còn phải chịu đựng cả sự oan ức bởi nạn mê tín dị đoan, cổ hủ, lạc hậu.

Không gian thiên nhiên trong các sáng tác về miền núi của Tô Hoài hiện lên vẻ dữ dội và khắc nghiệt qua hình ảnh những con đường trắc trở, nguy hiểm. Đọc những sáng tác của Tô Hoài về miền núi ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh hiểm nguy mà quen thuộc: “Những con đường đất đỏ ối, dài hun hút, vờn lên những nét ghê rợn bên sườn

núi trọc, có những buổi chiều buốt lạnh teo...” [25, tr. 315]. Và đây là con đường mà

những phu đuổi ngựa thồ hàng lên Phìn Sa đang đi: “Đàn ngựa thồ hàng kéo dài qua những vùng vàng rượi cỏ tranh, mỗi ngày đi mỗi ngày cảm như người ngựa cứ xoáy tròn lên lưng trời, cả ngày trông xuống vẫn chỉ thấy đỏ ối độc một vết dốc lầy lội vượt hôm trước. Không một tiếng người. Chỉ nghe vó ngựa và tiếng roi quất dứ qua quãng

kẹt hai bên núi dựng, tiếng gió gào quẩn rồi thúc lên trên đầu sóng cỏ tranh lấp hết cả

người, cả đoàn ngựa” [26, tr. 17]. Đó là không gian mênh mông, bí hiểm mà bao người

phu đuổi ngựa, bao người dân Phìn Sa đã phải vượt qua. Miền núi qua miêu tả của Tô Hoài là nơi có những “cái dốc ra biên giới sâu hút xuống, sương mù đùn lên ngập cửa trời” [26, tr. 166], không gian thiên nhiên mù mịt như chính cuộc đời những người phu đuổi ngựa, cuộc sống mong manh, cheo leo trên “cái dốc số phận” ranh giới của sự sống và cái chết. Dưới ngòi bút của Tô Hoài con đường lên Phìn Sa dữ dội, hiểm trở được miêu tả rất chân thực giúp người đọc hiểu hơn nỗi cực nhọc của người dân nghèo phải đối mặt trong những năm trước trước cách mạng.

Những con đường mà Hoàng Văn Thụ đã vượt qua trên hành trình đi tìm cách mạng cũng thật lắm gian lao, hiểm nguy: “Đường lên biên giới cứ thuốn sâu vào những thung lũng nhỏ, mỗi lúc một khép lại giữa hai gờ núi. Ngọn đá lô xô như ai

vừa giơ lên những ngón tay thật cao, nhọn hoắt, tưởng gió thổi đương lung lay” [26,

tr. 317]. Dường như không gian thiên nhiên khắc nghiệt ấy tìm đủ mọi cách cản bước người anh hùng, nhưng với ý chí, nghị lực của một người cách mạng Hoàng Văn Thụ đã vượt qua tất cả những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên để đến với lí tưởng cách mạng.

Tạo dựng không gian thiên nhiên u ám, đen tối, dữ dội, Tô Hoài không chỉ dùng hình ảnh con đường mà còn miêu tả qua rất nhiều những hình ảnh khác. Đọc các sáng tác về miền núi của Tô Hoài, người đọc ấn tượng với những cơn mưa rào bất chợt, những trận lũ miền núi rất ồn ào và dữ dội gây phiền toái, cản trở cuộc sống con người. Đây là cảnh cán bộ Nghĩa đi từ Phìn Sa xuống Ná Đắng trong cơn mưa đầu hạ thật dữ dội: “Trời Phìn Sa mù vữa ra rồi buông mưa xuống, cơn nọ rả rích tràn qua cơn kia. Trông sang cửa núi, suốt ngày thấy bụi nước mịt mờ trùm lên đầu

người đi” [26, tr. 85-86]. Trận mưa đầu hạ ở Phìn Sa cứ kéo dài lê thê, ảm đạm tưởng

như không bao giờ tạnh được, tạo nên không gian u buồn, xám xịt. Nó như muốn chặn bước chân, không cho Nghĩa xuống Ná Đắng; nó như những cản trở trong những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền núi mà Nghĩa cũng như bao người dân Phìn Sa khác phải vượt qua.

Miêu tả những khó khăn, vất vả của Thào Khay trên con đường đi công tác, Tô Hoài đã khéo léo điểm xuyết vào hình ảnh những cơn mưa rừng miền núi: “Mưa núi,

mưa thung, mưa rừng thúc con suối Nậm Ma tỏa ra cuồn cuộn. Cả khoảng rừng cây chò trắng bệch vặn mình hôm qua còn đứng trên bờ hôm nay đã trơ ra dòng suối đỏ ngầu (...) Những con lũ gối lên nhau, gầm thét đuổi theo nhau. Chân lũ này chưa dứt, đỉnh lũ khác đã tràn lên, mấp mé dọa lôi đi, xóa đi cả xóm, cả cánh rừng âm u (...) Những ngọn lũ cao đương dồn xuống, những ống nước trắng xóa quấn quanh lưng

rừng chò” [26, tr. 200]. Phải chăng những cơn mưa xối xả, những con lũ nguy hiểm

trên hành trình của Thào Khay chính là hình ảnh tượng trưng cho những khó khăn mà anh gặp phải? Nhưng với nghị lực sống, niềm tin, lòng yêu nghề và ham cống hiến, Thào Khay đã vượt qua được mọi khó khăn gian khổ, đảm nhiệm tốt vai trò người thầy thuốc của mình.

Hình ảnh những con lũ vào mùa mưa đầy nguy hiểm cũng được Tô Hoài miêu tả rất sinh động: “Những con lũ lặng lẽ nhưng thâm hiểm có sức mạnh ngầm vần đi

được cả tảng đá bằng gian nhà. Người xuống va vào lũ thì mất tăm ngay”, “Mưa Hà

Giang rầu rĩ thâu đêm sang ngày. Nước ngọn nguồn reo xuống sông Lô, sông Niệm, sông Nho Quế đục ngầu, réo sôi, gầm rú. Đường lở, đá xít rã nhão như đất thó, lũ

bào băng từng quãng. Có đi trong mưa lũ mới thấy lũ phá đường khủng khiếp” [25,

tr. 151].

Còn một hệ thống chi tiết nghệ thuật, có lẽ không nằm ngoài ý thức nghệ thuật của nhà văn trong việc tạo dựng không gian thiên nhiên dữ dội, là hình ảnh bóng tối. Bóng tối là một trong những tín hiệu nghệ thuật để tạo dựng lên không gian thiên nhiên u ám, đen tối. Bóng tối được Tô Hoài nhắc đến rất nhiều trong khoảng thời gian con người miền núi sống trong chế độ xã hội cũ khi chưa gặp ánh sáng của cách mạng. Hãy xem số phận của những người phu đuổi ngựa thồ hàng lên Phìn Sa, họ đi trong “bóng tối trĩu nặng từng quãng, nhanh và dữ. Các mỏm núi đương vàng rực, bỗng xanh rợn. Những ngọn gió chồm lên rồi chết đứng từng đợt ngang giữa các triền đồi tranh mênh

mông lặng im” [26, tr. 17]. Bóng tối dường như bao trùm tất cả làm cho khung cảnh

càng thêm rầu rĩ, hoang rợn. Cảnh đèo dốc, đồi núi hiểm trở, tiếng gió rít, gào như những tiếng kêu ai oán, bóng tối chập chờn như những bóng ma báo hiệu những lo âu, khổ đau, bất trắc, hiểm nguy đang rình rập con người từng phút, từng giây. Nó có thể cướp đi sinh mạng con người bất kể lúc nào.

Hình ảnh bóng tối lạnh lẽo bao trùm, bủa vây và dường như ẩn chứa một điều gì đó bí hiểm, tăm tối, báo hiệu trước số phận nhân vật. Gần như nửa cuộc đời cũ của bà Giàng Súa được Tô Hoài miêu tả gắn với hình ảnh bóng tối. Cuộc sống bất hạnh của bà Giàng Súa với bao tai họa: chồng chết, bị nghi có ma chài, bị người làng xua đuổi, bốn mẹ con bà phải “Chúi vào rừng sâu, tối quá, khổ quá...” [26, tr. 21]. Nhiều đêm rét buốt, mẹ con bà cũng không dám thổi lửa sưởi ấm vì sợ người ta trông thấy, lại đành chấp nhận sống trong bóng tối lạnh lẽo... Hình ảnh bóng tối lại được Tô Hoài sử dụng khi miêu tả buổi chiều trước đêm Thào Nhìa, con trai lớn của bà bị bắt đi phu: “Buổi chiều ấy gió núi lại nổi dữ. Mỏm tranh vừa vàng bỗng xạm đen, ngả tối

chóng quá” [26, tr. 42]. Thào Nhìa bị bắt đi vào ban đêm khi “Lửa bếp đã vạc, tối

om” [26, tr. 44], “đêm xuống rừng lạnh buốt” [26, tr. 45], Thào Nhìa sợ hãi nhưng tiếng khóc của Thào Nhìa “lẫn vào tiếng vó ngựa lạt xạt trên bóng tối cỏ tranh” [26, tr. 47]. Thiên nhiên như biến đổi phù hợp với tâm trạng con người.

Bóng tối thường gắn với những điều xấu xa nhất. Khi bọn phản động hoành hành ở Ná Đắng cũng vào đêm tối: “Ngoài kia đã dày đặc bóng tối từ lúc nào. Bóng tối như xáo động khủng khiếp lùa vào khe cửa, khe vách, kẻ cướp, bọn xấu, bọn phản động” [26, tr. 450]. Bóng tối vây tỏa cuộc sống người dân Tây Bắc, trói buộc họ bằng sợi dây vô hình. Dưới ách thống trị của thực dân và phong kiến miền núi, cả thiên nhiên và con người hòa chung một nỗi đau buồn. Không gian thiên nhiên lúc nào cũng u tối, ảm đạm: “Buổi chiều vàng úa càng thấp sát trên những mái lá chen chúc, lụp xụp trong cái làng tập trung chật hẹp, ướt át dưới chân đồn. Tiếng hát ầu ơ dài

ngắn buồn rứt thịt” [25, tr. 347].

Như vậy, thiên nhiên trong cảm quan của Tô Hoài thường mang dấu ấn hiện thực khách quan. Qua không gian thiên nhiên u ám, đen tối, dữ dội ở miền núi mà nhà văn Tô Hoài đã xây dựng lên chúng ta có thể cảm nhận được cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, vất vả của những con người miền núi, họ luôn phải chống chọi với thiên tai, đối mặt với thù trong giặc ngoài, đó là những chướng ngại vật cản bước chân của những con người miền núi trong xã hội cũ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong sáng tác của tô hoài về đề tài miền núi (Trang 82 - 85)