8. Cấu trúc của đề tài
3.2.2. Không gian xã hội
Không gian xã hội là mối quan hệ trong cuộc sống của các tầng lớp, các cá nhân,
các thế hệ với nhau. Đó có thể là những phong tục tập quán, luật lệ ở địa phương hoặc có thể là những đổi thay của cuộc sống trong sự vận động chung của lịch sử, của thời đại, của đất nước. Mỗi nhà văn có cảm quan hiện thực khác nhau về đời sống xã hội nên không gian xã hội mà các nhà văn xây dựng trong tác phẩm của mình là khác nhau. Tô Hoài cũng vậy. Với cảm quan hiện thực riêng và đặc biệt là cá tính sáng tạo độc đáo, Tô Hoài tỏ ra nhạy cảm với những cảnh sinh hoạt, những tập tục quen thuộc của từng vùng quê, từng gia đình, từng con người. Có thể nói qua những cảnh sinh hoạt quen thuộc ấy, Tô Hoài vừa phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của mỗi
vùng quê vừa thể hiện đời sống xã hội lịch sử rộng lớn. Tô Hoài viết về hiện thực của cuộc sống theo một lối riêng. Ông viết về những vấn đề dung dị đời thường xung quanh cuộc sống, nhưng vẫn phản ánh được sâu sắc, đầy đủ hiện thực cuộc sống. Viết về những bước thăng trầm mưu kế sinh nhai trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân, Tô Hoài đã phản ánh chân thực cuộc sống đói nghèo, lạc hậu, bấp bênh, chênh chao của người nông dân nghèo trước cách mạng, mà nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế thuộc địa gây nên. Sau cách mạng, phản ánh cuộc sống con người trong một giai đoạn mới nhưng cảm quan hiện thực của nhà văn vẫn hoàn toàn thống nhất. Những tác phẩm viết về đề tài cách mạng, phản ánh cuộc sống đổi thay của người dân nhờ cách mạng vẫn trên cái nền của bức tranh phong tục, cuộc sống sinh hoạt đời thường. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sáng tác của Tô Hoài thời kì này thoát li hiện thực cách mạng. Bức tranh về xã hội miền núi vẫn hiện lên thật chân thực và sinh động. Mọi hiện thực cuộc sống được tái hiện qua những phong tục tập quán, những mối quan hệ phức tạp, đa dạng của con người vùng cao. Người đọc có thể cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt trong đời sống của con người miền núi trước và sau cách mạng.
Bối cảnh xã hội trong các sáng tác về miền núi được Tô Hoài “vẽ” lên bằng hai bức tranh đối lập nhau với màu sắc sáng, tối khác nhau. Đó là không gian xã hội ngột ngạt, tăm tối của xã hội cũ phản ánh cuộc sống của người dân miền núi khổ đau, tăm tối, và không gian tươi sáng, nhộn nhịp, căng tràn sức sống của xã hội mới phản ánh cuộc sống bình yên, hạnh phúc.