Không gian thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng, nên thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong sáng tác của tô hoài về đề tài miền núi (Trang 85 - 90)

8. Cấu trúc của đề tài

3.2.1.2. Không gian thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng, nên thơ

Thả hồn trên những trang văn miêu tả thiên nhiên miền núi của Tô Hoài, người đọc được trải qua mọi cung bậc cảm xúc thật khó tả. Có lúc ta nín thở theo bước chân

nhân vật đi qua những con đường hiểm trở, cheo leo, những con lũ dữ dội đầy nguy hiểm nhưng cũng có lúc ta được tận hưởng không gian thiên nhiên thật tươi đẹp, bồng bềnh, nên thơ, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Đó là những đoạn văn tuyệt bút của Tô Hoài.

Tô Hoài đã khéo léo dựng lên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc thật đẹp “bằng

những màu sắc chấm phá rung rinh của nghệ thuật ngôn từ” [34, tr. 104]. Một trong

những tín hiệu nghệ thuật tạo nên bối cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng, nên thơ, đó là hình ảnh của ánh nắng, bầu trời. Ánh nắng tạo nên màu sắc tươi vui, sáng sủa xua đi những đêm dài tối tăm đau khổ mà con người miền núi phải gánh chịu. “Nắng sớm cuồn cuộn vàng hoe chan hòa trên từng tảng sương tan xanh lơ, để lộ ra những

mép núi lóng lánh sáng” [26, tr. 96]. Đó là ánh nắng trong sự cảm nhận của cán bộ

Nghĩa khi anh xuống Ná Đắng, ánh nắng ngập tràn của đất trời cũng là ánh nắng của lòng người đang bừng sáng trong tâm hồn Nghĩa khi anh đặt niềm tin vào tương lai, tin vào người dân Ná Đắng sẽ cùng nhau đồng sức đồng lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không còn nữa ánh nắng “úa xuộm”, “loang lổ” của cuộc đời cũ. Khi đã được giải phóng, cuộc sống đổi thay, lòng người vui phơi phới và dường như cảnh sắc thiên nhiên cùng hòa chung với tâm trạng của con người, nó cũng trở nên đẹp đẽ, tươi mới, thơ mộng: “Con đường đỏ nắng trước mặt không bóng người. Một dòng nước phơ

phất rơi trên đá. Một làn mây trắng vương qua, thướt tha như tóc như tơ” [26, tr.

295] “Giữa trưa, nắng hanh đang đọng từng vũng trong rừng trám cao vút, im lặng. Một chiếc cuống gãy cũng nghe tiếng. Bó lá hương nhu để trên tảng đá bốc mùi thơm

dìu dịu trong nắng” [25, tr. 33], nắng sưởi ấm tâm hồn con người, làm cho bao nhiêu

khó nhọc tan biến, cho bao nhiêu vui sướng, hạnh phúc theo nhau trở lại với con người.

Khi miêu tả thiên nhiên cũng là lúc văn Tô Hoài đậm màu sắc trữ tình và

giàu chất thơ” (Hà Minh Đức). Thiên nhiên Tây Bắc không chỉ hấp dẫn bởi ánh nắng

chan hòa mà còn đẹp bởi khung cảnh của những đồi cỏ tranh trên triền núi, vừa hoang dại, vừa thơ mộng, tự nhiên. Những đồi cỏ tranh trải dài vô tận: “Dưới kia vẫn chỉ

thấy bạt ngàn cỏ tranh, vẫn thế, đến lút mắt”, “Những triền núi tranh vời vợi, đằng

thêm ra, một dải biếc màu cỏ tranh” [26, tr. 219], “Chiều rừng tranh nhẹ như đưa võng” [25, tr. 78]. Đọc Vợ chồng A Phủ bức tranh thiên nhiên mùa xuân ở Hồng Ngài thêm đẹp và thơ mộng được tô điểm bởi những đồi cỏ tranh: “Hồng Ngài năm ấy tết đến giữa lúc gió thổi vào cỏ tranh vàng ửng, gió rét dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá, xòe như con bướm

đậu...” [25, tr. 441]. Một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, vừa dữ dội vừa tươi tắn

làm say đắm lòng người. Chính khung cảnh say đắm lòng người ấy đã làm tâm hồn Mỵ vốn đã nguội lạnh, vô cảm với thực tại bừng tỉnh dậy. Mỵ bỗng thấy phơi phới trẻ trung, biết trân quý những giá trị của bản thân và những khát vọng tình yêu, tự do trỗi dậy mãnh liệt. Như vậy, thiên nhiên trở thành phương tiện khám phá đời sống tâm lí nhân vật.

Viết về thiên nhiên vùng cao, Tô Hoài như một nhiếp ảnh gia thực thụ bị cuốn hút, say sưa với cảnh thiên nhiên Tây Bắc. Ống kính của ông lúc xa lúc gần vận hết công suất để “chộp” được những “cảnh đắt”, khoảnh khắc độc đáo của thiên nhiên. Đặc biệt hình ảnh những cánh đồng lúa được ông đầu tư quan sát, miêu tả khá hấp dẫn. Trong Truyện Tây Bắc, Tô Hoài miêu tả những nương lúa dưới bàn tay săn sóc của người dân Tây Bắc những ngày tháng còn làm nô lệ: “Những nương lúa chín

vàng len lỏi cạnh những hốc đá”, “những nương lúa âm thầm cứ dần dần đỏ ngọt

trong khe sâu”. [25, tr. 402] Hình ảnh những bông lúa với sức sống mãnh liệt vươn

mình từ “hốc đá”, “khe sâu” để được sinh tồn, để cho những mùa vàng bội thu giống như hình ảnh của những con người miền núi những năm tháng sống trong chiến tranh phải chịu nhiều cay cực, khổ ải nhưng họ vẫn can trường, dũng cảm đấu tranh thoát khỏi kiếp sống nô lệ ngục tù. Những mùa vàng trên nương cũng chính là những thành công trong cách mạng mà con người miền núi đã làm được. Tô Hoài thực sự là một nhà nghệ sĩ tỉ mỉ và tinh tế khi ông đã ghi lại được sự chuyển màu kì diệu của lúa chín “lúa đã dưng dưng chín trước mặt”, “mùi rơm mới còn thơm ngây ngất trên

những mái lều đựng thóc” [25, tr. 430]... Hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng còn được

Tô Hoài miêu tả ở rất nhiều tác phẩm khác. Trong Miền Tây, đó là hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng khi Phìn Sa đã được giải phóng: “Dưới Ná Đắng, lúa sắp chín. Ai cũng thấy giữa khoảng xanh rừng, lốm đốm có những miếng nương vàng hây. Mùa

này lúa tốt” [26, tr. 234], “Những mảnh nương bé bằng bàn tay giắt quanh đầu rừng

đã chín rực, trông đỏ mắt” [26, tr. 242]. Qua hình ảnh những cánh đồng lúa, những

nương ngô chín vàng, mượt mà người đọc cảm nhận được sự đổi khác trong cuộc sống của con người miền Tây. Để có được những đổi thay ấy người miền Tây đã phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí phải hi sinh cả xương máu. Giờ đây cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc đang rạng ngời trên từng khuôn mặt, từng cuộc sống mỗi con người con người miền Tây, không gian thiên nhiên cũng hòa chung niềm hạnh phúc ấy của con người mà nó ngày càng tươi đẹp, nên thơ hơn.

Bức tranh thiên nhiên miền núi trong sáng tác của Tô Hoài không chỉ có ánh nắng, có bầu trời, có cánh đồng lúa chín vàng mà còn có sương. Sương làm cho thiên nhiên miền sơn cước vừa hùng vĩ, choáng ngợp vừa nên thơ, huyền ảo như chốn bồng lai tiên cảnh: “Ở ngoài, mỗi lúc, sương như tầng lớp mảng bông xếp thêm xuống,

bồng bềnh đến ngang lưng vách. Một ngày lại trắng mờ giải ra khắp núi” [22, tr.

108], “... một làn khói lẫn với hơi sương lượn giữa dải rừng chàm thăm thẳm đến

chân trời” [23, tr. 45].

Nếu như trong cuộc đời cũ, bao trùm lên không gian thiên nhiên là âm thanh gào thét của gió, của mưa lũ, thú dữ thì trong cuộc sống mới, bao trùm lên không gian thiên nhiên là những âm thanh tươi vui, trong trẻo của cuộc sống mới. Có thể nói âm thanh cũng là một tín hiệu nghệ thuật góp phần tạo nên không gian thiên nhiên tươi đẹp đầy chất trữ tình trong sáng tác của Tô Hoài. Khi đất trời đổi thay, niềm vui tràn ngập không gian, tràn ngập lòng người lây sang cả vạn vật làm cho nó tăng thêm phần sức sống thì những âm thanh rộn rã của cuộc sống bình yên lại đều đặn vang lên. Đó là âm thanh của tiếng chày giã gạo: “Tiếng chày giã gạo dưới gầm sàn gõ đều nhịp

vào buổi chiều im” [26, tr. 266]. Âm thanh tiếng suối chảy vào không gian tạo cảm

giác trong lành, bình yên, tạo nên bản nhạc du dương, dịu dàng như tiếng à ơi ru con ngủ của người mẹ hiền: “Con suối đã kiệt dòng trở lại hiền lành róc rách trong khe đá. Tiếng nó bây giờ nỉ non như tiếng mẹ ru con ... ứ ... a ... pứ ... a ... mí ... nhủa ...

a ... ơi ... ngủ đi ... con à con ới ...” [26, tr. 268]. Những âm thanh quen thuộc rất đỗi

bình thường nhưng khi hòa quyện vào nhau tạo nên bản nhạc êm ái, đậm chất miền núi, mang hơi thở, sự sống của núi rừng đại ngàn. Đó là “tiếng chuông loong coong

ở cổ con dê nhà ai đứng trên mỏm đá” [26, tr. 277], “Tiếng nhạc ngựa làng Mèo ra

nương thồ rau cải” [25, tr. 427]... Ngay cả tiếng công cụ lao động hay tiếng sáo ai

thổi vu vơ cũng làm cho cuộc sống sinh động, tươi đẹp, báo hiệu một cuộc sống yên vui, no đủ khắp các bản làng vùng cao: “Tiếng cuốc hốc tra ngô va vào đá, tiếng cào

xới vun ngô xào xạc nạo cỏ, tiếng sáo, tiếng hát ai thẩn thơ đầu nương cuối nương

[26, tr. 270]. Những âm thanh bình dị ấy có tác động mạnh mẽ đến tâm trạng của con người, làm con người cảm thấy hưng phấn hơn trong công việc, thiết tha yêu cuộc sống. Không gian thiên nhiên tươi đẹp của miền núi không chỉ được tạo nên bởi những âm thanh quen thuộc của cuộc sống đời thường mà còn được tạo nên bởi âm thanh của thế giới loài chim, mỗi loài có một tiếng hót khác nhau, mỗi tiếng hót có cái thú vị riêng, tất cả làm cho cuộc sống thêm vui nhộn, đầm ấm hơn. Đó là âm thanh của tiếng chim kỳ mang tin lành đến, tiếng hót “thánh thót cao thấp”, “lanh lảnh như

kèn giục phường săn” [26, tr. 355]. Đó là âm thanh của “con khiếu nỉ non giục giã

làm nhẹ lòng người” [26, tr. 357]. Đó là âm thanh của những chú chim vẹt “xanh

biếc bay ra giữa trời, chiu chít đùa giỡn nhau” [25, tr. 364]. Hình ảnh đôi “chim én

nằm trong ổ nũng nịu quay đầu quay đuôi xô lệch cọng rơm” [25, tr. 265], niềm vui

của “một tốp chào mào rừng đỏ chóe, đội mũ nhung cao, mỗi con như một đốm đuốc

lổ đổ bay ra trải dài cả đàn trên vòm sương tan...”, [26, tr. 252] tất cả âm thanh của

thế giới loài vật hòa chung với niềm vui của con người tạo nên một không gian thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng, nên thơ, mang đặc trưng rất riêng của vùng rừng núi Tây Bắc mà không ở đâu có được.

Có lẽ tạo hóa đã ưu ái ban cho Tây Bắc thiên nhiên trong lành, mang vẻ đẹp rất riêng của miền núi. Én là loài chim đầu tiên báo hiệu mùa xuân về: “Đầu năm vừa tới vụ tra lúa thì vợ chồng con chim én bay đi mùa đông năm trước lại bay về, thế là con chim vẫn nhớ cái nhà nhiều phúc, lại đem điềm lành về làm tổ đầu nhà (...) Đôi

én nhẹ nhẹ lượn khắp bốn vách, tõe đuôi múa và hót...” [26, tr. 157]. Mùa xuân Tây

Bắc thật đẹp, thật rực rỡ, bởi đây là mùa vạn vật được tiếp thêm sức sống mới, trăm hoa được khoe sắc hương. Tô Hoài đã rất khéo léo và tinh tế ghi lại quá trình “thay

áo mới” của thiên nhiên Tây Bắc khi vào xuân, sự đổi thay diệu kì ấy trước hết ở

sang màu tím man mác” [25, tr. 441]. Không gian thiên nhiên không những đẹp mà còn tràn đầy hương sắc: “Rừng xuân sớm cuộn lên một màu xanh ngờ ngợ tràn khắp các núi. Hoa blề đỏ vồng như mâm xôi gấc bày trên lá. Từng đốm hoa ma mủ trắng lấm tấm rắc bóng hương xuống mặt đất. Sắp đến độ tra nương, mặt đất và hốc đá

nhả đầy mùi thơm” [26, tr. 265]. Màu xanh của rừng đại ngàn, màu đỏ của hoa blề,

màu trắng của hoa ma mủ điểm xuyết trong nhau tạo nên vẻ đẹp vừa tinh khôi vừa huyền diệu, thể hiện sức sống căng tràn, mỡ màng của thiên nhiên Tây Bắc khi xuân về. Và đó cũng chính là sự đổi thay trong cuộc sống của con người nhờ cách mạng, cuộc sống mới tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc hơn.

Tô Hoài có khả năng quan sát tinh tế và nghệ thuật miêu tả sinh động. Người,

vật, thiên nhiên, cảnh sinh hoạt... tất cả đều hiện lên lung linh, sống động, nổi rõ cái

“thần” của đối tượng và thường bàng bạc một chất thơ” (Trần Hữu Tá). Tô Hoài là

nhà văn “giỏi miêu tả thiên nhiên”. Không tô hồng hay vùi lấp đi vẻ đẹp “tự thân” trong cuộc sống vốn có của tự nhiên mà bằng tài năng, bằng cảm quan hiện thực đời thường, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp trữ tình lãng mạn và bút pháp hiện thực, Tô Hoài đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên tuyệt tác trên trang văn của mình. Đó là bức tranh thiên nhiên vừa hoành tráng dữ dội, vừa thơ mộng huyền ảo và thấm đẫm tình người. Thiên nhiên trở thành người bạn không thể thiếu trong cuộc sống con người, và đặc biệt nó góp phần bộc lộ chiều sâu tâm hồn, số phận con người trong các sáng tác viết về miền núi của Tô Hoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong sáng tác của tô hoài về đề tài miền núi (Trang 85 - 90)