Kết quả hoạt động của doanh nghiệp được định nghĩa là sự đạt được mục tiêu của doanh nghiệp (Cyert & March,1992). Doanh nghiệp phải hoàn thành các mục tiêu khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, thể hiện dưới dạng hiệu quả, năng
suất, chất lượng và sự đáp ứng. Kết quả hoạt động của doanh nghiệp được đo lường theo 2 khía cạnh:
Xét về khía cạnh phi tài chính: Đo lường kết quả hoạt động phi tài chính nên chú trọng đến các chỉ tiêu như sự hài lòng của người lao động, khách hàng, cảm nhận về sự thành công và tăng trưởng của doanh nghiệp, triển vọng phát triển trong tương lai và sự đáp ứng các mục tiêu ban đầu của nhà khởi nghiệp (Reijonen & Komppula, 2007). Chandler & Hanks (1994) đo lường kết quả hoạt động phi tài chính thông qua: sự hài lòng của chủ doanh nghiệp, khách hàng, người lao động, mối quan hệ tốt đẹp với nhà cung ứng, môi trường làm việc gắn kết, sản phẩm/dịch vụ được chấp nhận trên thị trường và tạo dựng được hình ảnh doanh nghiệp.
Xét về khía cạnh tài chính: Khi doanh nghiệp đã tăng trưởng thì kết quả hoạt động nên được đo lường bằng các chỉ số tài chính như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần (ROS)… Ngoài ra, các chỉ tiêu tài chính đo lường kết quả hoạt động bao gồm sự gia tăng doanh số, sự tăng trưởng lợi nhuận, sự gia tăng đáng kể về thị phần, hiệu suất sử dụng nguồn lực, và hệ số hoàn vốn đầu tư (Ahmad & Seet, 2009).
Mặc dù các chỉ số tài chính nói trên (như chỉ số ROS, ROA, ROE) là minh chứng cho kết quả hoạt động của DNNVV được cụ thể nhất, tuy nhiên việc yêu cầu DN cung cấp các chỉ số này khá bất lợi. Do đó, tác giả chọn đo lường bằng chỉ tiêu phi tài chính giúp đo lường được mức độ cảm nhận từ chủ DN so với mục tiêu đã xây dựng ban đầu.