Trong giai đoạn hiện nay, nhiều DNNVV vừa đã và đang trải qua trận dịch lịch sử mang tính toàn cầu COVID-19 nên gặp không ít khó khăn như: thiếu vốn (vốn tài chính, vốn xã hội, vốn con người, v.v.), thiếu kĩ năng (quản lý nhân sự, quảng bá sản phẩm, làm việc với đối tác, v.v.), thiếu chuyên môn (kế toán, quản lý tài chính, v.v.). Do đó, mỗi DNNVV tùy vào từng giai đoạn sẽ đối mặt các nguy cơ dẫn trên và sẽ dẫn đến sự thất bại cho các doanh nghiệp mình. Hơn lúc nào hết DNNVV đang cần sự tư vấn hỗ trợ của các Hiệp hội DNNVV tại địa phương vì chỉ có hiệp hội DNNVV sẽ thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh
nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Hiệp hội cần thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, DNNVV sẽ luôn nhận được sự ưu tiên, những hỗ trợ thông qua các chính sách, văn bản từ chính quyền địa phương. Trong năm 2021 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tích cực thực hiện các chính sách để hỗ trợ DNNVV theo kế hoạch số 84/KH-UBND, cụ thể là: hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, khoa học và công nghệ, công thương và nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là việc xây dựng Đề án hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ mở rộng thị trường bằng hình thức ban hành các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về thương mại điện tử lĩnh vực công thương, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và các dự án hỗ trợ về đổi mới công nghệ, sản phẩm, ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ về công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tiếp cận tín dụng nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất bằng cách tạo thuận lợi cho DNNVV trong tiếp cận đất đai, phổ biến công khai các thông tin về diện tích đất cho các doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng sản xuất và có nhu cầu thuê lại mặt bằng sản xuất; cùng với đó hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý cho DNNVV được biết thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ và các thông tin chỉ dẫn kinh doanh, thông tin về tín dụng, thị trường, sản phẩm, công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng dự kiến tổ chức các lớp bồi dưỡng cho DNNVV trên nhiều lĩnh vực như: lớp bồi dưỡng “Quản trị chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn hậu Covid-19” cho khoảng 200 học viên là lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa, trưởng các bộ phận, người lao động tại các doanh nghiệp du lịch; xây dựng 03 lớp đào tạo dành cho công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý cấp trung và cán bộ quản lý cấp cao nhằm nâng cao năng lực sản xuất, quản lý thuộc lĩnh vực công thương; tổ
chức đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho khoảng 15.118 người lao động phục vụ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Tỉnh sẽ thực hiện Đề án hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 và thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh đến năm 2025 cho khoảng 50 doanh nghiệp/1 năm.
Hiện vẫn tồn tại một số doanh nghiệp thiếu sự chủ động trong việc nắm bắt thông tin từ các tổ chức hỗ trợ tại địa phương vì họ vẫn đang hoạt động theo cách tự thân và thiếu sự kết nối trong cộng đồng. Và lúc này vai trò vận động kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia và liên kết với hiệp hội là rất cần thiết.
Như vậy, để nâng cao kết quả hoạt động nhằm giảm thiểu tỷ lệ thất bại, doanh nghiệp phải xác định rõ ràng nguồn lực cần được hỗ trợ trong mỗi giai đoạn là gì? Cụ thể, doanh nghiệp cần hỗ trợ công nghệ, vốn tài chính, thị trường tiêu thụ, cải thiện sản phẩm, v.v. Một khi đã xác định được nguồn lực cần hỗ trợ, vai trò của người chủ và nhà quản lý cấp cao của doanh nghiệp cần phải chủ động, tích cực hơn nữa kết nối với các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ tại địa phương, tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ doanh nghiệp, tạo mối quan hệ với khách hàng tiềm năng, nhà cung cấp, v.v. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận và khai thác nguồn lực hỗ trợ dễ dàng. Đồng thời, các doanh nghiệp phải chú ý rằng nguồn lực hỗ trợ đều hữu hạn nên doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả mới có thể góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đem lại hiệu quả hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Cuối mỗi chu kỳ được hỗ trợ, doanh nghiệp xem xét, đánh giá nguồn lực đó có hỗ trợ hoạt động đổi mới và đem lại hiệu quả hoạt động hay không.