Lý thuyết thông tin không cân xứng (Information Asymmetry Theory)

Một phần của tài liệu LA_LeVanChi-đã chuyển đổi (Trang 53 - 59)

Lý thuyết thông tin không cân xứng được Akerlof (1978) giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1978. Theo tác giả, ở nhiều thị trường người bán có thể đo lường giá trị của hàng hóa mà anh ta đang bán. Trong trường hợp của thị trường tín dụng, người mua chỉ biết được giá trung bình của các khoản vay (tín dụng) trên thị trường trong khi

người bán lại có nhiều thông tin hơn về từng sản phẩm vay cụ thể. Điều này sẽ giúp cho người bán có lợi thế hơn so với người mua, do đó họ có thể bán hàng hóa kém chất lượng hơn so với chất lượng của hàng hoá trung bình trên thị trường. Như vậy, sự giới hạn về thông tin của người mua có thể dẫn đến việc người bán cung cấp chất lượng thấp hơn mức trung bình của hàng hóa trong thị trường, và cuối cùng dẫn đến việc giảm quy mô của thị trường.

Lý thuyết thông tin không cân xứng được sử dụng rộng rãi để giải thích cho các vấn đề liên quan tới tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đối với tiếp cận từ phía cầu, các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ mới thành lập chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề bất cân xứng thông tin. Thông tin bất cân xứng thậm chí còn là vấn đề nghiêm trọng hơn đối với công ty hoạt động trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ hoặc hoạt động dựa trên công nghệ. Ở giai đoạn đầu, thông tin bị hạn chế và không phải lúc nào cũng minh bạch, còn tài sản thường là tri thức hay ý tưởng kinh doanh của các nhà sáng lập doanh nghiệp. Đặc biệt với các công ty sản xuất hoặc công nghệ, các doanh nhân không muốn cung cấp thông tin đầy đủ về cơ hội vì lo ngại rằng việc tiết lộ có thể khiến cho ý tưởng của họ bị nắm bắt bởi các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, có sự bất cân xứng nảy sinh do đặc điểm vị trí địa lí. Ví dụ, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở khu vực nông thôn thường gặp khó khăn hơn khi tiếp cận với tài chính ngân hàng so với các doanh nghiệp ở khu vực khác (Deakins và cộng sự, 2010). Cùng quan điểm với nghiên cứu ở trên, hai tác giả Lean và Tucker (2001) cho rằng một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp nhỏ gặp phải khi cố gắng tăng vốn, có nguyên nhân từ sự bất cân xứng thông tin, đó là họ không thể chứng minh được chất lượng của các dự án đầu tư của mình cho các NHTM. Các chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường không có kiến thức về tài chính, vì họ thường là chuyên gia về sản phẩm hoặc dịch vụ, không phải là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. Do đó, vấn đề bất cân xứng thông tin là một phần tạo nên những khó khăn trong lĩnh vực truyền thông và tạo dựng uy tín của doanh nghiệp. Đặc biệt các doanh nghiệp mới thành lập có thể không có khả năng cung cấp hồ sơ chứng minh hiệu quả tài chính của mình do họ thiếu các dữ liệu lịch sử. Trong khi đó các ngân hàng lại thường dựa vào hiệu quả tài chính trong quá khứ như là một chỉ số cho lợi nhuận trong tương lai của các dự án. Ngoài ra, một số nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại có xu hướng hạn chế khi cung cấp cho các nhà tài chính bên ngoài thông tin chi tiết về cốt lõi của doanh nghiệp, vì họ tin theo cách này hay cách khác, thông tin về doanh nghiệp của họ có thể bị rò rỉ cho đối thủ cạnh tranh (Winborg và Landström, 2001).

Bằng việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa những nhà cung cấp tín dụng (trong nghiên cứu, tác giả lập luận rằng tín dụng ngân hàng là nguồn tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp nhỏ, vì vậy các nhà cung cấp tín dụng mà tác giả đề cập trong nghiên cứu của mình chính là các ngân hàng) và các doanh nghiệp nhỏ dưới điều kiện có sự bất cân xứng thông tin tồn tại trên thị trường ở Anh, Lean và Tucker (2001) đã xây dựng mô hình tương tác giữa 2 chủ thể trên. Theo tác giả thông tin bất cân xứng và các vấn đề liên quan (lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức) là trung tâm của các vấn đề mà các nhà cung cấp tín dụng và các doanh nghiệp nhỏ gặp phải. Các vấn đề trên cộng thêm với xu hướng cho vay tập trung và việc cho vay phụ thuộc nhiều hơn vào chấm điểm tín dụng đã khiến cho việc tìm kiếm vốn của các doanh nghiệp nhỏ càng trở nên khó khăn hơn. Kết quả là các doanh nghiệp nhỏ là được chấp nhận cho vay nhưng với lãi suất cao hơn, hoặc được chấp nhận nhưng với các yêu cầu về tài sản thế chấp chặt chẽ hơn, hoặc thậm bị từ chối hoàn toàn. Mô hình tương tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và ngân hàng được trình bày trong Phụ lục 2.

Nhiều nghiên cứu lại sử dụng Lý thuyết thông tin không cân xứng để giải thích cho các vấn đề từ phía cung trong việc cung cấp tín dụng cũng như các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo quan điểm của những người cho vay, việc cho vay có nhiều loại chi phí liên quan đến đánh giá, giám sát và thu nợ. Chi phí giao dịch có thể được chia thành 2 loại: chi phí chung (là loại chi phí tồn tại bất kể giá trị của giao dịch) và chi phí phát sinh do thiếu thông tin đầy đủ. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chi phí chung có xu hướng cao so với số tiền cho vay vì các công ty trong phân khúc này thường áp dụng cho các khoản vay khá nhỏ. Chi phí tăng thêm nếu không có công cụ xếp hạng tín dụng để cung cấp thông tin nhanh chóng, đáng tin cậy về công ty. Do đó, các ngân hàng có thể thay đổi lãi suất cao để đảm bảo lợi nhuận hấp dẫn từ phân khúc này, điều này khiến cho việc tài trợ trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ (Rhyne và Otero, 1992). Việc thiếu thông tin cũng ảnh hưởng tới quyết định của ngân hàng về việc có nên xem xét đơn xin vay của doanh nghiệp hay không bởi vì việc tìm kiếm đầy đủ thông tin và hoàn thành đầy đủ thủ tục giấy tờ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu doanh nghiệp xin vay vốn chưa có đầy đủ tất cả các tài liệu cần thiết để, quá trình xem xét đơn xin vay sẽ kéo dài và làm tăng chi phí ngân hàng về mặt giám sát và đánh giá nguồn nhân lực của dự án (Mushinski và Pickering, 2007).

Còn theo Audretsch và cộng sự (2009) thông tin bất cân xứng phát sinh khi người vay có nhiều thông tin hơn người cho vay. Khi giá trị và chất lượng của một công ty hoặc dự án không thể được tính toán chính xác, các ngân hàng không có gì

đảm bảo cho sự thành công trong tương lai của họ. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp các doanh nghiệp nhỏ và phản ánh sự thiếu thông tin chung về họ. Không có dữ liệu vững chắc, ngân hàng không thể đánh giá một công ty một cách khách quan, khiến cho việc dự đoán về khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai rất khó khăn. Các bất cân xứng thông tin chính mà các ngân hàng tư nhân phải đối mặt khi cho vay đối với các DNSN là: (i) chi phí cao để có được thông tin tín dụng, (ii) thông tin tài chính không nhất quán và (iii) thiếu quyền truy cập vào thông tin của bên thứ ba (Malhotra và cộng sự, 2007).

Như đã trình bày ở trên, rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt khi thiếu thông tin cần thiết để lựa chọn giữa những người vay tốt và người vay xấu được gọi là lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức. Để giảm thiểu vấn đề này, các ngân hàng cần phải áp dụng một số nguyên tắc khi cho vay. Theo Mishkin (2007), để vượt qua vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức, các NHTM cần thực hiện một số quy tắc khi cho khách hàng vay, bao gồm: Sàng lọc và giám sát, cho vay dựa trên quan hệ với khách hàng, Cam kết tín dụng, tài sản đảm bảo và yêu cầu về số dư bù, hạn chế tín dụng. Những nguyên tắc này dường như khó áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: chi phí thực hiện các hoạt động sàng lọc, giám sát khách hàng để loại bỏ vấn đề bất cân xứng thông tin rất lớn; các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại thường có ít tài sản để thế chấp; việc ghi chép lại các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thể hiện thông qua các báo cáo tài chính của doanh nghiệp thường thiếu, hoặc không đáng tin cậy. Điều này làm tăng chi phí cho vay mà các ngân hàng phải chịu trong khi cho vay với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Hơn thế nữa sự bất cân xứng thông tin cũng giới hạn khả năng của các ngân hàng thương mại trong việc đánh giá mức độ xứng đáng để nhận các khoản vay của doanh nghiệp. Trong điều kiện thông tin bất cân xứng tồn tại, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vấn đề này có thể dẫn đến nhu cầu tín dụng vượt mức (Jaffee và Russell, 1976). Điều này phát sinh do các ngân hàng thực hiện hạn chế tín dụng do NHTM thiếu thông tin để đánh giá các khách hàng đến xin vay tiền.

2.3.2. Lý thuyết về hạn chế tín dụng (Credit Rationing Theory)

Vấn đề về hạn chế tín dụng được nêu lên lần đầu tiên bởi Roosa (1951) khi ông giải thích tại sao việc giảm lượng tiền cung ứng lại có thể dẫn đến sự giảm xuống của chi tiêu. Tác giả lý giải rằng nguyên nhân của việc chi tiêu giảm là do các NHTM buộc phải giảm lượng tín dụng mà họ có thể cung cấp cho khách hàng của mình, ngay cả khi khách hàng không hạ thấp nhu cầu của họ. Từ đó tác giả đã đề xuất một kênh truyền dẫn khác cho chính sách tiền tệ thay cho kênh tiền tệ. Từ nghiên cứu của Roosa (1951), nhiều tác giả đã đi sâu nghiên cứu về vấn đề hạn chế tín dụng của các NHTM

và phát triển nó thành Lý thuyết về hạn chế tín dụng (Jaffee và Modigliani, 1969; Stiglitz và Weiss, 1981).

Theo lý thuyết về hạn chế tín dụng, ngân hàng sẽ từ chối việc cấp tín dụng ngay cả khi người đi vay chấp nhận trả mức lãi suất mà ngân hàng yêu cầu. Thậm chí, ngay cả khi người đi vay chấp nhận trả mức lãi suất cao hơn mức được yêu cầu, ngân hàng vẫn từ chối cấp tín dụng cho người đó.

Theo quan điểm của Jaffee và Modigliani (1969) hạn chế tín dụng là một tình huống trong đó tại mức lãi suất cho vay được đưa ra bởi ngân hàng thương mại, nhu cầu vay ngân hàng vượt quá cung của các khoản vay. Theo quan điểm của các tác giả, những thay đổi về lãi suất không thể được sử dụng để loại bỏ sự dư cầu về các khoản vay trên thị trường. Nói cách khác, các tác giả coi việc hạn chế tín dụng là một hiện tượng về phía cung mà ở đó cung của các khoản cho vay (tạo ra bởi các NHTM) không co giãn hoàn toàn với giá (lãi suất) tại một số điểm.

Nghiên cứu của Stiglitz và Weiss (1981) là một trong những nghiên cứu đầu tiên cố gắng giải thích về vấn đề phân bổ và hạn chế tín dụng trên thị trường tài chính. Trong nghiên cứu của mình hai tác giả cho rằng lãi suất được tính bởi một tổ chức tài chính được coi là có vai trò kép trong việc phân loại người vay tiềm năng (dẫn đến vấn đề lựa chọn đối nghịch) và ảnh hưởng đến hành động của người vay (dẫn đến hiệu ứng khuyến khích). Do đó lãi suất ảnh hưởng đến bản chất của giao dịch chứ không nhất thiết phải phản ánh thị trường. Cả hai hiệu ứng được coi là kết quả của thông tin không hoàn hảo vốn có trong thị trường tín dụng. Hơn nữa, Stiglitz và Weiss (1981) đã chỉ ra rằng lãi suất cao hơn khiến các công ty thực hiện các dự án có xác suất thành công thấp hơn nhưng mức chi trả cao hơn khi họ thành công (dẫn đến vấn đề rủi ro đạo đức). Ngoài ra, Stiglitz và Weiss (1981) lập luận, chính lãi suất ảnh hưởng đến rủi ro của khoản vay do hai yếu tố. Thứ nhất, đó là lựa chọn đối nghịch; nghĩa là, chỉ những dự án rủi ro hơn mới được đưa ra cho vay với lãi suất cao hơn; và thứ hai, rủi ro đạo đức, vì những người vay đã được cho vay với lãi suất cao hơn sẽ thực hiện một dự án rủi ro hơn để kiếm được lợi nhuận kỳ vọng cao hơn. Do đó, với lãi suất cao hơn, lợi nhuận kỳ vọng từ khoản vay sẽ bắt đầu giảm sau một thời điểm nhất định do rủi ro vỡ nợ cao hơn. Do đó, với sự hiện diện của sự bất cân xứng thông tin trên thị trường cho vay và giám sát tốn kém, các ngân hàng sẽ không chỉ sử dụng lãi suất để cân bằng cung và cầu mà còn cần phải có hạn chế tín dụng.

- Trường hợp 1: Trong những người đi vay có vẻ giống hệt nhau, một số người nhận được khoản vay, còn những người khác thì không. Ngay cả khi đề nghị trả lãi suất cao hơn, họ vẫn bị NHTM từ chối cho vay

- Trường hợp 2: Tại một mức cung tín dụng xác định, tồn tại nhóm khách hàng không thể nhận được các khoản vay với bất kỳ mức lãi suất nào.

Theo Mishkin (2007) hạn chế tín dụng có 2 hình thức như sau:

- Ngân hàng sẽ từ chối việc cấp tín dụng ngay cả khi người đi vay chấp nhận trả mức lãi suất mà ngân hàng yêu cầu

- Ngân hàng chấp nhận cho vay nhưng hạn chế số lượng được vay so với yêu cầu của khách hàng.

Lý thuyết về hạn chế tín dụng có thể được giải thích một phần bởi vấn đề bất cân xứng thông tin. Lý thuyết về hạn chế tín dụng cho rằng vấn đề thông tin bất cân xứng đã dẫn đến các điều kiện phân bổ tín dụng bằng cách thay đổi phân phối lợi nhuận và rủi ro. Nói cách khác, các ngân hàng được khuyến khích từ chối tăng vốn cho các khoản đầu tư, dẫn đến sự mất cân bằng giữa cung và cầu vốn. Việc hạn chế tín dụng do các NHTM và các tổ chức tài chính thực hiện phân phối (phân bổ) tín dụng có thể trở nên không hiệu quả do vấn đề bất cân xứng thông tin. Như đã trình bày trong lý thuyết về bất cân xứng thông tin, giữa người cần vốn và người có vốn có sự không đối xứng về mặt thông tin, trong đó người có vốn là những người thiếu thông tin, người cần vốn là người có đầy đủ thông tin. Điều này dẫn đến các khoản đầu tư ít lợi nhuận được tài trợ trong khi các khoản đầu tư có lợi nhuận cao hơn bị bỏ lại dẫn đến lựa chọn bất lợi và rủi ro rủi ro đạo đức, hai loại rủi ro xảy ra khi gặp phải thông tin không cân xứng. Do đó, vấn đề thông tin bất cân xứng giúp giải thích tại sao lại tồn tại việc phân phối tín dụng không cân xứng giữa các công ty có đặc điểm giống hệt nhau (Trovato và Alfò, 2006).

Lý thuyết hạn chế tín dụng có thể được áp dụng để giải thích những nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay DNSN của các NHTM. Theo Jin và Sheng (2019) các khoản vay cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng tạo ra chi phí cao hơn cho các ngân hàng, vì quy mô khoản vay của họ thường dưới mức cho vay tối thiểu. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng thiếu tài sản hữu hình làm tài sản thế chấp và có mức độ bất cân xứng thông tin lớn hơn so với các đối tượng khách hàng khác của ngân hàng. Bên cạnh đó, sau khi phê duyệt khoản vay, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở nơi có mức sống thấp hơn có động lực mạnh mẽ hơn để tăng mức tiêu dùng hiện tại bằng chi phí lợi nhuận đầu tư trong tương lai, điều này sẽ làm giảm thu nhập kỳ vọng của dự án

Một phần của tài liệu LA_LeVanChi-đã chuyển đổi (Trang 53 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w