5.2.3.1. Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ DNSN
Lý do khuyến nghị: Tăng khả năng tiếp cận vốn NHTM của các DNSN Đơn vị thực hiện khuyến nghị: Chính phủ
Nội dung khuyến nghị:
Thứ nhất, để làm giảm vấn đề bất cân xứng thông tin của các DNSN, tạo điều kiện cho các DNSN có thể tiếp cận được với tín dụng của NHTM và giúp các NHTM
có thể áp dụng các kỹ thuật cho vay dựa vào thông tin “cứng” thay vì thông tin “mềm”, chính phủ cần có các chính sách hướng dẫn và khuyến khích các DNSN thực hiện báo cáo hoạt động theo đúng chuẩn mực kế toán. Để làm được điều này, Nhà nước cần (i) tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các DNSN trong việc thực hiện các báo cáo tài chính theo đúng chuẩn mực kế toán; (ii) hoàn thiện hành lang pháp lý về các luật, nghị định và thông tư hướng dẫn để giúp cho việc thực hiện công tác kế toán của DNSN trở nên dễ dàng thuận lợi hơn; (iii) Mở các khóa đào tạo, hướng dẫn dành riêng cho chủ sở hữu/ người quản lý và người phụ trách kế toán ở các DNSN để có thể thực hiện được đầy đủ và chính xác công tác báo cáo của DN. Luật Hỗ trợ DNVVN đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định về việc tiếp cận tín dụng cho các DNVVN theo đó trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC vào ngày 28/12/2018 trong đó hướng dẫn chế độ kế toán dành cho DNSN. Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cần truyền thông đến các DNSN về thông tư cũng như tập huấn cho các chủ DNSN về thực hiện thông tư này vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho DNSN có thể nâng cao chất lượng cung cấp thông tin doanh nghiệp, loại bỏ vấn đề bất cân xứng thông tin trong hoạt động cho vay DNSN của NHTM, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của NHTM thông qua các kỹ thuật cho vay khác bên cạnh kỹ thuật cho vay dựa trên quan hệ với khách hàng.
Thứ hai, Chính phủ tiếp tục các chính sách hỗ trợ tín dụng dành cho các DNSN. Hiện nay Việt Nam chưa có các chính sách hỗ trợ riêng dành cho các DNSN. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ dành cho các DNVVN nói chung. Từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển DNNVV, quy định chính sách hỗ trợ DNNVV ở từ trung ương tới địa phương; Ngày 23/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV 05 năm (giai đoạn 2006 – 2010) đề ra các giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV. Ngày 30/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV (thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP), quy định 8 nhóm hỗ trợ phát triển DNNVV. Thực hiện Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 30/6/2009, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai những chương trình hỗ trợ DNNVV.
Tiếp đó, tại Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/09/2012, các giải pháp hỗ trợ DNVVN đã được đề ra trong đó coi việc hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của DNVVN là một trong những trọng tâm. Đến năm 2017, Luật Hỗ trợ DNVVN đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để các hoạt động hỗ trợ DNVVN được triển khai trên cả nước, trong đó có hỗ trợ về lãi suất dành cho DNVVN. Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động cho vay DNSN của các NHTM, Chính phủ nên tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ này, đồng thời ban hành những quy định cụ thể về lãi suất ưu đãi dành cho các khoản cho vay cho DNSN nhằm duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý đối với đối tượng DN đặc biệt này.
5.2.2.2. Tạo các điều kiện kinh tế vĩ mô hỗ trợ cho hoạt động cho vay DNSN của các NHTM
Lý do khuyến nghị: Vì hoạt động cho vay DNSN của các NHTM phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài NHTM như GDP, Lạm phát và mức độ tập trung thị trường của ngành NHTM nên để giúp hoạt động cho vay DNSN mở rộng và phát triển thì có thể thực hiện các giải pháp tác động vào các nhân tố này.
Đơn vị thực hiện khuyến nghị: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Nội dung khuyến nghị:
Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ dương với hoạt động cho vay DNSN của NHTM, tức là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên thì dư nợ cho vay DNSN cũng như tỷ trọng cho vay DNSN trên tổng số DN của NHTM cũng có tăng lên. Vì vậy Chính phủ và NHTW cần điều hành chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về chính sách tài khoá, chính sách tài khóa có thể đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Trong ngắn hạn, mở rộng tài khóa ngược chu kỳ có thể giúp hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng trong thời kỳ suy thoái theo chu kỳ. Ngược lại, sự thu hẹp tài khóa có thể làm hạ nhiệt một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ không bền vững và do đó đối mặt với nguy cơ tăng trưởng quá nóng. Các nền kinh tế tiên tiến nói riêng có một lịch sử lâu dài trong việc sử dụng thuế và chi tiêu của chính phủ để tác động lên chu kỳ kinh doanh. Đồng thời, chính sách tài khóa cũng có thể có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn. Điều này đặc biệt đúng ở các nền kinh tế đang phát triển, nơi khu vực tư nhân tương đối yếu và kém phát triển. Chi tiêu công vào cơ sở hạ tầng vật chất, chẳng hạn như đường xá, bến cảng và nhà máy điện, ảnh hưởng đến năng suất của tất cả các doanh nghiệp và ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Tương tự như vậy, chi tiêu công cho giáo dục thúc đẩy vốn con người, một yếu tố quan trọng để
tăng trưởng dài hạn. Như vậy vai trò của chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy phát triển có thể được nhìn thấy thông qua tác động của nó đối với tăng trưởng và rộng hơn là tác động của nó đối với sự phát triển của con người. Về chính sách tiền tệ, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ những tác động của đại dịch Covid 19. Mặc dù Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia duy trì được mức tăng trưởng dương so với phần lớn các quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm 2020, tuy nhiên thành quả này chỉ có thể giữ được khi Việt Nam duy trì được các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ một cách hợp lý.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu cho thấy, lạm phát có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với hoạt động cho vay DNSN của các NHTM. Điều đó đồng nghĩa mức lạm phát thấp sẽ khuyến khích hoạt động cho vay DNSN của các NHTM. Trong một nền kinh tế có mức lạm phát thấp và ổn định, các doanh nghiệp sẽ tự tin và lạc quan hơn để đầu tư, điều này sẽ làm tăng năng lực sản xuất và tạo điều kiện cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong tương lai. Nếu lạm phát tăng do Chính sách tiền tệ quá mở rộng thì có thể xảy ra bùng nổ kinh tế, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế này cao hơn tốc độ tăng trưởng theo xu hướng dài hạn thì có thể sẽ không bền vững và kinh tế tăng trưởng nóng sẽ dẫn đến suy thoái. Dưới góc độ doanh nghiệp, lạm phát thấp và ổn định sẽ khuyến khích hoạt động cho vay DNSN. Vì vậy luận án đề xuất một số khuyến nghị để duy trì lạm phát thấp và ổn định như sau:
- Đối với Chính phủ
Chính phủ cần theo sát diễn biến mặt bằng giá cả để đưa ra những giải pháp điều chỉnh giá phù hợp. Công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát cần được giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương cụ thể. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 còn kéo dài, việc điều hành giá và kiểm soát lạm phát cần thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động, vừa giữ ổn định giá cả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cũng cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm. Thông qua công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường, chính phủ cần xây dựng các kịch bản kiểm soát lạm phát phù hợp trong từng thời kỳ. Bên cạnh những giải pháp tình thế, những giải pháp mang tính chất dài hạn cũng cần được thực hiện như rà soát sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, chồng chéo liên quan tới chức năng, nhiệm vụ trong quản lý điều hành giá, đồng thời nghiên cứu tổng thể đánh giá thi hành Luật giá và các văn bản
hướng dẫn, từ đó báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật giá. Chính sách tài khóa cũng cần kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để đạt được hiệu quả cao nhất.
- Đối với NHNN Việt Nam
NHNN Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt cũng như phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để có thể kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phát triển kinh tế, không chỉ trong giai đoạn đại dịch Covid 19 mà cả giai đoạn phục hồi sau đại dịch. NHNN Việt Nam có thể tăng mức độ linh hoạt trong việc điều tiết hệ thống tỷ giá hối đoái như mở rộng biên độ dao động của tỷ giá hối đoái bình quân liên ngân hàng. Một hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ làm tăng tính độc lập của chính sách tiền tệ và do đó nâng cao hiệu quả kiểm soát lạm phát của NHNN. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam cũng có thể kiểm soát lạm phát thông qua kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đồng thời tập trung ưu tiên vốn phục vụ phát triển kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển thông qua các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở, chính sách lãi suất, chính sách chiết khấu, và chính sách dự trữ bắt buộc để điều tiết lượng tiền cung ứng và thanh khoản. Ngoài ra NHNN cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng để ngăn chặn hoạt động đầu cơ, thao túng, găm giữ thị trường. Bên cạnh các công cụ truyền thống của chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam có thể sử dụng cả công cụ phi truyền thống như công cụ truyền thông về chính sách tiền tệ để tạo ra sự nhận thức sâu rộng và đồng thuận trong toàn xã hội với mục tiêu của chính sách tiền tệ, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.